Người dễ bị đột quỵ thường có 4 thói quen này khi ngủ

15:58 | 05/08/2024;
4 thói quen có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ rất phổ biến, có người còn mắc cả 4 thói quen này.

Việc duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là "chìa khoá" giúp phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, với lối sống hiện đại ngày nay, việc xây dựng thói quen sống lành mạnh là điều khá khó khăn. Nếu bạn thường xuyên duy trì 4 thói quen này trước khi ngủ, bạn có thể bị đột quỵ "ghé thăm" bất kỳ lúc nào.

1. Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khoẻ. Đây là thời gian cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi sau những căng thẳng trong cuộc sống. Nếu như không đảm bảo được chất lượng giấc ngủ, bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khoẻ, trong đó bao gồm cả nguy cơ đột quỵ.

Theo nghiên cứu được đăng tải trên Medicalnewstoday, những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ 7 tiếng. Trong khi đó, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi ở những người ngủ hơn 9 giờ mỗi đêm so với những người ngủ 7 giờ. Như vậy có thể thấy, không chỉ ngủ ít mà ngủ quá nhiều cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Mối liên quan giữa ngủ ít và đột quỵ

Khi thiếu ngủ, cơ thể bạn có thể sản sinh ra nhiều hormone gây căng thẳng và gây viêm. Mà viêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp động mạch, bệnh tim và đột quỵ.

Ngoài ra, khi bạn không có chất lượng giấc ngủ tốt, tức là thường thức giấc giữa đêm - điều này có thể do chứng ngưng thở khi ngủ, bạn cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Sự gián đoạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ REM - Giấc ngủ REM đóng vai trò trong việc củng cố trí nhớ, xử lý cảm xúc, phát triển não bộ và mơ. Khi chất lượng giấc ngủ kém, thông qua việc giảm giấc ngủ không REM, điều này sẽ kích hoạt vô số cơ chế khác bao gồm tổn thương do thiếu oxy không liên tục, huyết áp thay đổi, rối loạn nhịp tim, viêm, kháng insulin, kích hoạt hormone gây căng thẳng và tăng đông máu, tất cả đều có khả năng gây ra các bệnh tim mạch bao gồm cả đột quỵ.

Người dễ bị đột quỵ thường có 4 thói quen này khi ngủ- Ảnh 1.

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do chất lượng giấc ngủ kém (Ảnh: ST)

Cách tăng chất lượng giấc ngủ giảm nguy cơ đột quỵ

Để giảm nguy cơ đột quỵ liên quan đến giấc ngủ kém, bạn nên đảm bảo chất lượng giấc ngủ bằng cách:

- Ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm

- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ sâu, không bị gián đoạn bằng cách ngủ trong phòng tối, yên tĩnh, thoáng mát, không uống cà phê hoặc trà vào buổi chiều và tối, không hoạt động mạnh trước khi đi ngủ, tránh ăn vặt vào đêm khuya.

- Duy trì việc đi ngủ vào một khung giờ để đảm bảo ngủ đủ giấc và dễ đi vào giấc ngủ hơn

- Nếu mắc các tình trạng như nhưng thở khi ngủ, bạn nên tìm cách kiểm soát và điều trị tình trạng này.

2. Tắm muộn

Tắm trước khi đi ngủ có thể giúp cơ thể thư giãn. Tuy nhiên, nếu tắm quá muộn và tắm không đúng cách, thói quen này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt vào thời tiết lạnh.

Tại sao tắm muộn lại làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc tắm muộn làm tăng nguy cơ đột quỵ nhưng thói quen này có thể gây đột quỵ do liên quan đến tuổi tác, nhiệt độ và cách tắm.

Tắm muộn có thể gây đột quỵ là do:

- Nhiệt độ và thời gian: Vào ban đêm, nhiệt độ xuống thấp nên tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường lớn. Do vậy, nếu bạn tắm bằng nước lạnh, điều này có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt.

Ngoài ra, nhiệt độ nước tắm chênh lệch với nhiệt độ của cơ thể sẽ làm cơ thể giãn mạch hoặc co mạch để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với môi trường. Khi co mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ do co thắt mạch vành hoặc nhồi máu não đột ngột xảy ra.

- Cách tắm: Tắm đêm mà bạn sử dụng nước quá nóng hoặc quá lạnh đều tạo áp lực cho tim và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hơn nữa, nhiều người có thói quen sau khi tắm xong sẽ ngồi trước quạt hoặc vào phòng điều hoà, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này cũng sẽ khiến cơ thể bị sốc nhiệt và tăng nguy cơ gặp tai biến.

- Tuổi tác: Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền và sức khỏe yếu nên sẽ có nguy cơ đột quỵ do tắm đêm cao hơn. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người trẻ gặp tình trạng này do chủ quan.

Cách tắm đêm tránh đột quỵ

Tốt hơn hết bạn nên tắm trước 8 giờ tối. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải tắm đêm, bạn nên lưu ý:

- Sử dụng nước tắm có nhiệt độ từ 24-29 độ

- Không nên gội đầu, nếu bắt buộc thì cần sấy ngay sau khi tắm và sấy khô trước khi ngủ

- Sau khi tắm xong không nên ngồi trước quạt hoặc vào phòng đang bật điều hoà

- Tắm nhanh

Nếu bạn vừa mới uống bia rượu và thời gian là sau 23 giờ, bạn không nên tắm vì nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe lúc này là rất cao.

3. Suy nghĩ căng thẳng

Theo Healthline, căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và các biến cố tim mạch khác. Cả căng thẳng dài hạn (mãn tính) và căng thẳng ngắn hạn đều có thể có ảnh hưởng. Đặc biệt, thường xuyên căng thẳng trước khi đi ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch cao hơn.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy mức độ căng thẳng cao làm tăng nguy cơ "đột quỵ do tai nạn" hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ thoáng qua.

Mối liên hệ giữa căng thẳng trước khi đi ngủ và đột quỵ

Thứ nhất, căng thẳng có thể tạo ra phản ứng viêm đối với cơ thể. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, chẳng hạn như dẫn đến sự co thắt (thu hẹp) các động mạch. tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và làm tăng huyết áp - những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thứ hai, nếu bạn suy nghĩ quá nhiều trước khi ngủ và tạo ra sự căng thẳng, cơ thể sẽ tiết nhiều hormone cortisol. Hormone này có thể khiến bạn khó ngủ và gián đoạn chất lượng giấc ngủ. Như đã đề cập, chất lượng giấc ngủ kém được cho là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Người dễ bị đột quỵ thường có 4 thói quen này khi ngủ- Ảnh 2.

Căng thẳng có thể gây viêm trong cơ thể và làm gián đoạn chất ngủ (Ảnh: ST)

Cách kiểm soát căng thẳng trước khi đi ngủ

Một số cách đơn giản có thể giúp bạn giảm căng thẳng trước khi đi ngủ và giúp bạn có chất lượng giấc ngủ tốt hơn:

- Tập luyện thể dục thường xuyên nhưng tránh tập trước khi đi ngủ. Bạn chỉ nên kéo giãn cơ nhẹ nhàng trước khi ngủ để giúp cơ thể được thư giãn hơn.

- Hít thở sâu, thiền định hoặc tập yoga

- Nghe nhạc không lời trước khi đi ngủ

- Nếu bạn mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

4. Uống nhiều rượu và hút thuốc

Uống một ly rượu vang trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn nhưng nếu uống quá nhiều thì có thể gây hại cho sức khoẻ, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài rượu, hút thuốc lá trước khi đi ngủ cũng sẽ làm tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ, trong đó có đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lille Nord de France ở Lille, Pháp, đã báo cáo trên tạp chí Thần kinh học rằng những người nghiện rượu nặng có nguy cơ bị đột quỵ sớm hơn những người khác.

Theo Healthline, nguy cơ đột quỵ có thể gây tử vong tăng lên do hút thuốc - ngay cả đối với những người sử dụng thuốc lá nhẹ và không hút một gói mỗi ngày.

Mối liên hệ giữa rượu, thuốc lá và đột quỵ

- Tại sao rượu lại gây đột quỵ?

Uống quá nhiều rượu (hơn 2 ly mỗi ngày) có thể gây tăng huyết áp - yếu tố có thể gây ra đột quỵ. Rượu cũng có thể gây ra một số vấn đề về tim cũng góp phần gây đột quỵ (ví dụ như rung nhĩ, bệnh cơ tim).

Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy rượu có thể ức chế quá trình đông máu và điều này có thể giải thích tại sao rượu có xu hướng liên quan trực tiếp đến đột quỵ xuất huyết (ví dụ như xuất huyết não). Mặt khác, tác dụng đông máu này dường như bảo vệ chống lại đột quỵ do thiếu máu cục bộ (ví dụ như cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua) khi uống rượu ở mức độ vừa phải.

- Tại sao thuốc lá lại gây đột quỵ?

Khói thuốc lá chứa hàng ngàn chất độc hại và gây ung thư, hóa chất truyền từ phổi vào máu khi một người hít phải. Những hóa chất này làm thay đổi và phá hủy các tế bào, đồng thời làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch khác.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ là do:

+ Làm tăng cholesterol "xấu": Hút thuốc làm giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) 'tốt' và làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) 'xấu'.

+ Giảm nồng độ oxy: Khói thuốc lá có chứa carbon monoxide, làm giảm lượng oxy trong máu.

+ Làm tăng huyết áp: Thuốc lá có chứa nicotin, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Một nửa số ca đột quỵ có liên quan đến huyết áp cao.

+ Làm tăng nguy cơ đông máu: Các hóa chất trong khói thuốc lá làm đặc máu và khiến máu dễ bị đông máu hơn.

Khi kết hợp những yếu tố trên sẽ làm tăng nguy cơ thu hẹp và xơ cứng động mạch. Điều này được gọi là xơ vữa động mạch.

Khi động mạch trở nên hẹp và kém linh hoạt, nó sẽ làm giảm lưu lượng máu, tăng huyết áp và tăng khả năng hình thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể di chuyển và mắc kẹt trong não, có khả năng gây đột quỵ.

Phòng tránh đột quỵ do rượu và thuốc lá

Không có cách nào ngoài việc bạn nên bỏ thuốc lá và rượu, điều này mới có thể phòng ngừa được đột quỵ do các chất kích thích này.

Trên đây là 4 thói quen khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài việc tránh 4 thói quen trên, các bạn có thể phòng ngừa đột quỵ bằng một số biện pháp khác như tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều rau củ quả và hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, hạn chế muối và giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn