Trước tình hình vật giá leo thang sau dịch bệnh, đặc biệt là sau khi giá xăng tăng vọt, câu chuyện tiết kiệm chi phí sinh hoạt lại ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Nhiều người chọn cách "thắt lưng buộc bụng" cắt giảm chi tiêu (điện, nước, gas, thực phẩm...), hoặc chủ động nấu ăn sáng, tối tại nhà thay vì ăn ngoài hàng để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt. Thế nhưng câu chuyện tự nấu ăn tại nhà với người độc thân không hề đơn giản. Bởi nhiều bạn trẻ chia sẻ chi phí nếu so sánh còn cao hơn nhiều so với đặt hàng.
Việc nấu ăn tại nhà được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi họ sẽ chủ động kiểm soát được các thành phần trong thực phẩm để làm nên một thực đơn món ngon mỗi ngày. Chưa kể việc nấu nướng còn đúng khẩu vị, sở thích và nhu cầu của mỗi người. Thế nhưng tự nấu ăn tại nhà chưa chắc là đã rẻ hơn ngoài hàng, mà thậm chí nhiều người còn thấy đắt hơn nhiều.
Thục Trinh (sinh năm 1997, Hà Nội) thường nấu ăn tại nhà cho bữa tối và nấu thêm cả bữa trưa ngày hôm sau mang đi làm. Vì buổi sáng thường vội, không đủ thời gian chuẩn bị nấu nướng. Trinh mua nguyên liệu hoàn toàn ở siêu thị. Vì trong siêu thị có nhiều loại rau củ sạch, đồ thực phẩm tươi sống hầu như cũng đã sơ chế nên đỡ tốn thời gian khi nấu ăn.
Ngoài ra thì giá cả trong siêu thị được Trinh đánh giá thấy cũng không quá đắt đỏ, mà đi mua đồ còn thoải mái lựa chọn. Còn về chi phí, mọi người thường nói là tự nấu ăn để tiết kiệm tiền, nhưng cá nhân Trinh thấy chi phí tự nấu của mình cũng chẳng rẻ hơn, thậm chí đắt hơn mua đồ ăn ngoài hàng.
"Mỗi lần tôi đi siêu thị trung bình là khoảng 600k, nấu được khoảng nửa tuần. Có những hôm đi siêu thị mua gần 200k nhưng nấu lên ăn được bữa tối với bữa trưa hôm sau. Còn mua đồ ăn bên ngoài thì ví dụ sáng mà ăn xôi hoặc bánh dày giò thì tầm 15k thôi. Hoặc bánh mỳ mua mấy quán bình thường cũng chỉ 20-25k/chiếc là đủ ăn trưa. Thay đổi thêm các món bún, miến, cơm thì khoảng 50k-60k/suất".
Ngọc Liên (sinh năm 1995, nhân viên truyền thông tại Hà Nội) thường tự nấu ở nhà 2 bữa (bữa trưa mang đi làm và bữa tối). Bữa sáng cô sẽ mua đồ ăn ngoài. "Mình thích mua thực phẩm trong siêu thị, nếu thiếu nguyên liệu thì mới ra ngoài chợ".
Bình thường bữa ăn của Liên sẽ có khoảng 2 món là thịt và rau, ăn với cơm. Liên hay mua các khay thịt trong siêu thị, như là thịt ba chỉ, thịt xay, thịt bò hoặc ức gà.
Ức gà thì có giá trung bình khoảng 50- -60k còn thịt lợn ba chỉ/thịt bò thì đắt hơn, khoảng 80-90k, có khay thịt bò là 100k. Rau thì sẽ mua khoảng 2 loại, trung bình là 25k tiền rau.
Với lượng thịt và rau như vậy thì Liên sẽ chia làm 3 bữa, nên trung bình sẽ mất khoảng 35k-50k/bữa, chưa kể tiền gạo, mắm, muối, mì chính và gas.
"Tôi thích chọn những bữa ăn ngoài đầy đủ, chắc bụng nên thường gọi cơm healthy, giá cũng khoảng 55k-60k. Nếu freeship hoặc có mã giảm giá thì trung bình các bữa ăn ngoài vẫn sẽ tốn tầm 60-70k. Vậy nên đối với tôi, tự nấu ăn ở nhà sẽ cho cảm giác tiết kiệm hơn một chút. Tuy nhiên, đấy là ăn ở nhà đơn giản, chỉ khoảng 2 món/bữa và chưa kể tiền gạo, mắm, muối, mì chính và gas. Nếu hôm nào muốn cải thiện lên 3-4 món thì chắc chắn tiền thực phẩm sẽ đắt hơn. Chưa kể, khi tự nấu ăn ở nhà thì tôi thường phải ăn một món tới 2-3 bữa, khá là ngán chứ bữa ăn không được phong phú, sinh động".
Phương Trang (sinh năm 1995, sống tại Hà Nội) sẽ nấu 1 bữa tối ở nhà bởi sáng và trưa cô sẽ ăn ngoài. Trang thường đi siêu thị để mua đồ vì đi làm về muộn, ít có thời gian đi chợ. Lúc tan làm thì chợ thường đã hết đồ ngon. Theo Trang tính toán thì chi phí nấu ăn ở nhà sẽ đắt hơn nhiều so với ăn ngoài vì đồ siêu thị đắt, nhất là rau củ và các nguyên liệu tươi sống như bò, tôm,…
Chỉ nấu 1 bữa nhưng tính ra mỗi lần đi siêu thị, chi phí nguyên liệu cũng tầm 100k. Trong khi đó mua suất cơm bên ngoài chỉ khoảng 40k, tính ra một bữa nấu gấp đôi 2 bữa ngoài. Tất nhiên, đây là do Trang thích ăn ngon nên mua đồ đắt đỏ. Nếu chỉ ăn các món như trứng, đậu thì chi phí sẽ rẻ hơn.
Ảnh: NVCC
Hằng Nguyễn (sinh năm 1994, hiện là nhân viên văn phòng) thường nấu 2 bữa 1 ngày ở nhà. Và cũng chủ yếu mua nguyên liệu ở siêu thị. "Mọi người hay bảo mua đồ ở chợ rẻ hơn nhưng tôi không thấy thế, mua ở siêu thị có chương trình khuyến mãi hoặc tích điểm lại thấy tính ra giá rẻ hơn nhiều. Với có vẻ như giá ở siêu thị bình ổn hơn".
Chi phí Hằng chỉ nấu ăn 1 mình và các món thường khá đơn giản nên thấy rẻ hơn. Bởi Hằng lựa chọn ăn eat-clean nên tính ra nếu mua hàng sẽ đắt hơn nhiều. Với 1 bữa như hình, nếu ăn salad thì ở ngoài cũng là 150k. Nhưng Hằng sẽ mua đồ theo tuần rồi về nấu chia ra thì mỗi bữa salad hết nhiều nhất là 50k, nếu ăn ít thịt hơn thì chỉ tầm 30-40k/bữa.
Bữa sáng thì ăn bánh mì đen 40k/bịch, thêm 1 quả trứng 3k và ít dưa chuột, cà chua thì khoảng 6k/bữa. Nhưng nếu ăn sáng ở ngoài hàng thì phải là 30k, bánh mì thì cũng phải 20-25k.
Hà Chi (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết tiền mua thức ăn hết 1,5 triệu. Gạo, rau, gia vị, gas, nước là 500k. Như vậy tổng tiền ăn 1 tháng là 2 triệu, mua được khá nhiều đồ, ăn uống thoải mái.
Còn nếu ăn hàng thì trung bình mỗi bữa 50k, 1 ngày khoảng 100k. Nhân với 30 ngày là 3 triệu đồng. Đó là chưa kể khi ăn ngoài hàng có xu hướng gọi thêm đồ, thêm nước... Thế nên dân văn phòng mỗi bữa gọi thêm có thể lên đến 80-100k/bữa. Mà ngày nào cũng như vậy thì khá đắt đỏ.
Rút kinh nghiệm từ chuyện nấu ăn của bản thân thì mỗi lần mua nên mua nhiều đồ sẽ rẻ hơn. Chẳng hạn như Chi sẽ mua nguyên liệu nấu ăn cho cả 1 tuần. Không nên ngày nào cũng ghé đi chợ hay đi mua đồ vì sẽ có xu hướng mua nhiều, mua linh tinh, vượt tầm kiểm soát.
"Nếu ngày nào cũng đi chợ mua đồ thì khi tính toán thấy phí 1 bữa ăn tự nấu đắt hơn ngoài hàng. Nhưng nếu mua 1 lần nhiều thứ chia ra khá rẻ. Như tôi chia ra chỉ khoảng 22k/bữa. Chi phí này chỉ bằng 1/2, 1/3 thậm chỉ là 1/4, 1/5 so với ngoài hàng. Tuy nhiên tự nấu ăn không có nghĩa là tôi từ chối đi ăn hàng. Lâu lâu chán thì ăn một vài bữa với đồng nghiệp, bạn bè để "đổi gió" và duy trì mối quan hệ".
Bài viết ghi theo lời chia sẻ của nhân vật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn