Mất nhiều thời gian giáo dục, phạm nhân mới từ bỏ tư tưởng tiêu cực
Trung tá Vũ Nguyên Hồng, người có 24 năm làm quản lý công tác ở trại giam Hoàng Tiến, trưởng phân trại 1 - phân trại của phạm nhân nữ, trầm tư chia sẻ: “Phạm nhân nữ thường mặc cảm hơn phạm nhân nam. Nhất là chị em phạm tội nghiêm trọng và đã có chồng con. Họ thường bị chính người thân trong gia đình, bạn bè, xã hội khinh rẻ, ghẻ lạnh ngay khi bước chân vào trại giam. Đặc biệt với những chị em án dài, tâm lý càng nặng nề, cán bộ phân trại phải dành nhiều thời gian giáo dục chị em, có khi kéo dài cả năm trời, chị em mới từ bỏ tâm lý thất vọng, yên tâm cải tạo”.
Trung tá Vũ Nguyên Hồng (bìa phải) chia sẻ với các nữ phạm nhân ở phân trại 1, Trại giam Hoàng Tiến |
Trung tá Vũ Nguyên Hồng kể: Thời gian trước đây, có 1 phạm nhân nữ phạm tội giết người, chịu án 12 năm. Khi mới vào trại, chị này ủ rũ, muốn tự tử. Một đồng chí nữ quản giáo của phân trại phải kiên trì giáo dục, giám sát trong 2 năm trời mới giúp chị này yên ổn tâm tính để cải tạo. Thậm chí, tại buồng giam, phân trại cũng cử 2 phạm nhân cùng ăn ở, giám sát chị đó mỗi ngày, nhiều đêm thấy chị đó không ngủ thì 2 nữ phạm nhân kia cũng phải thay nhau thức để trông chừng chị.
Phải mất nhiều thời gian, chị này mới chia sẻ với quản giáo về nỗi dằn vặt, ám ảnh về tội lỗi của mình gây ra. Từ khi nhận ra lỗi lầm của mình, cần phải sống tốt để chuộc lỗi lầm, 2 năm sau ngày vào trại, chị bắt đầu yên tâm cải tạo và cải tạo rất tốt. Ở trại 6 năm thì chị được đặc xá, giờ đã trở về với gia đình.
Mỗi dịp đặc xá, các nữ phạm nhân lại mong đợi ngày trở về đến với họ gần hơn |
Một nữ phạm nhân khác phạm tội về ma tuý, án chung thân, lúc vào trại đã 54 tuổi. Chị này cho rằng mình bị đi tù oan, nên đã mấy lần tự sát trong buồng giam bằng cách treo cổ, may là được cán bộ và các phạm nhân phát hiện kịp thời. Phân trại cũng phải cử người theo dõi, không để chị tham gia lao động, mà chỉ học tập, giáo dục từng ngày. Phải vài tháng sau chị mới bỏ ý định tự sát, yên tâm cải tạo. Lúc đó, phân trại mới để chị tham gia lao động cải tạo như nhiều phạm nhân khác.
Cũng có chị vào trại được 6-7 tháng thì nhận được đơn ly hôn của chồng gửi vào. Mới ngoài 30 tuổi nhưng bị án tù 30 năm, ngày về quá xa, giờ lại bị chồng bỏ, chị khóc lóc, giãy đạp dưới đất, nhịn ăn, đòi chết... Cán bộ quản giáo phải mất nhiều ngày để thuyết phục, giáo dục chị chấp nhận sự thật, hướng thiện để sống vì con, vì bố mẹ già ở nhà.
Nữ phạm nhân được phân công nhiệm vụ chia cơm cho các buồng giam |
Phía sau người lầm lỗi, rất cần gia đình đón đợi họ
Trung tá Vũ Nguyên Hồng chia sẻ: “Là cán bộ làm công tác quản lý ở trại Hoàng Tiến đến nay đã 24 năm, tôi rất thông cảm với nỗi buồn, lo lắng của phạm nhân. Nhiều chị vào trại là bị người thân, gia đình, xã hội ruồng bỏ ngay lập tức. Không ít phạm nhân chẳng được người nhà thăm nom, dễ khiến họ tủi thân, buồn chán. Nếu có gia đình lên trại thăm, động viên thì chị em sẽ yên tâm cải tạo. Bởi phía sau họ, vẫn có một gia đình đang chờ đợi họ trở về. Nhưng với những người vào trại mà phía sau họ không còn gì, thì tư tưởng của họ vô cùng phức tạp và khó cải tạo”.
“Trước ngày về của chị em, bản thân tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Họ sai thì đã phải chịu án phạt theo pháp luật nhưng ở góc độ tâm lý, tôi mong muốn mỗi người trong xã hội nên thông cảm, động viên họ nhiều hơn, để họ biết, ngày trở về đã có người thân dang tay ra đón. Họ chuộc lỗi lầm bằng những ngày tháng trong trại giam này đã đủ, hàng xóm, gia đình đừng kỳ thị, đừng hắt hủi để họ mặc cảm nữa”, Trưởng phân trại 1 - nơi giam giữ phạm nhân nữ, chia sẻ.
Các nữ phạm nhân ở Trại giam Hoàng Tiến. Ảnh minh họa |
Ngoài việc đón họ trở về hoàn lương, thực tế nhiều doanh nghiệp cũng cam kết, phối hợp với trại giam về việc nhận phạm nhân ra tù về làm việc tại công ty, xưởng sản xuất của họ. Tuy nhiên, nhiều người khi về địa phương lại không nhận được việc làm như cam kết, vì sự ưu tiên không đến với họ. Trong khi nhiều phạm nhân đã có tay nghề khá từ những năm được đào tạo ở trại.
Đặc biệt, sự kỳ thị rõ nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, xa, không ít người luôn sợ những đối tượng đã đi tù về, nên bà con thường xa lánh và có tâm lý sợ đến gần, tiếp xúc với họ. Vì vậy, con đường để họ trở về với cộng đồng vẫn còn rất khó khăn.
Trung tá Vũ Nguyên Hồng mong muốn: “Với đối tượng đã ra tù, nghĩa là chúng tôi đã dày công đào tạo họ trở thành người hoàn lương rồi. Chỉ mong sao xã hội, gia đình, cộng đồng chấp nhận họ, giống như đào tạo lại họ lần nữa, bằng cách tha thứ lỗi lầm cho họ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Bởi nếu để họ mặc cảm, tự ti thì có thể dễ đẩy họ trở lại con đường phạm pháp lần nữa”.