Vào những dịp lễ tết chúng ta thường có thói quen gửi tin nhắn chúc Tết cho những người xung quanh như bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp,... để bày tỏ tấm lòng của mình. Trong môi trường công sở, lời chúc Tết rất quan trọng, nếu bạn sở hữu một lời chúc gây ấn tượng với sếp, điều này sẽ trở thành một điểm cộng cho bạn, mở rộng con đường phát triển cho bản thân.
Trước khi gửi những lời chúc Tết cho cấp trên, bạn nên lưu ý ba điều sau. Người có EQ cao sẽ không làm những điều này, vì chúng chỉ khiến cho con đường tăng lương tiến chức của bạn gặp trở ngại.
Khi nhận được tin nhắn vào ngày Tết, nhiều người thường không để ý lắm, vì thông thường đó đều là những tin nhắn mẫu được chuyển tiếp từ nhóm này qua nhóm kia.
Trên thực tế, một lời chúc có thể nói lên thái độ của một người. Nếu bạn gửi cho sếp một tin nhắn mẫu, sếp có thể vừa nhìn là biết ngay.
Bạn nghĩ rằng tin nhắn chúc Tết chỉ là một loại hình thức hoặc khi bạn gửi tin nhắn đã đại diện cho tấm lòng của bạn. Nhưng trong mắt đối phương, họ sẽ nghĩ bạn chưa đủ thành ý để quan tâm đến họ. Nếu bạn không tôn trọng sếp, thì sao sếp có thể chú ý đến bạn và càng không thể nhận ra năng lực của bạn.
Thế nên, những tin nhắn mẫu sẽ không thể hiện được tất cả thành ý của bạn. Người lãnh đạo sẽ xem trọng thành ý thực sự trong lời chúc của bạn hơn là những tin nhắn mẫu qua loa. Khi sếp nhận thấy bạn là một người có tấm lòng biết ơn nhất định sẽ xem trọng và tạo cơ hội cho bạn.
Cho dù mối quan hệ giữa bạn và cấp trên có thân thiết đến đâu, bạn cũng không thể quên sự khác biệt giữa cấp bậc. Tin nhắn chúc Tết người lãnh đạo phải thể hiện sự tôn trọng và không được hời hợt.
Khi bạn gửi lời chúc, nội dung chủ yếu nên là văn bản, bạn không nên thêm quá nhiều biểu tượng cảm xúc vào. Nội dung tin nhắn không cần quá dài như viết báo cáo công việc. Câu cú rõ ràng, nghiêm chỉnh, điều đặc biệt là bạn không nên copy những lời chúc trên mạng.
Nhiều người sẽ lựa chọn gửi lời chúc vào đêm giao thừa, nhưng đây là thời gian cao điểm của những lời chúc, tin nhắn của bạn có thể sẽ bị trôi hoặc cấp trên sẽ không đọc kỹ tin nhắn chúc Tết của bạn.
Vì vậy, thời điểm tốt nhất để gửi tin nhắn là mùng 28 hoặc 29 của năm, lúc này số lượng lời chúc không nhiều, cấp trên sẽ có thời gian và tâm trạng để đọc tin nhắn của mọi người, nên đây là cơ hội gây ấn tượng cho sếp dễ nhất.
Trên thực tế, những nhà lãnh đạo sẽ không nhớ hết tên tài khoản xã hội hay số điện thoại của nhân viên. Do đó, bạn nên chủ động lưu lại tên của mình ở cuối tin nhắn, tốt nhất là "bộ phận + chữ ký".
Một lời chúc đúng mẫu sẽ có cấu trúc như sau: phần mở đầu có lời kính gửi, phần nội dung bày tỏ thành ý của người viết, phần kết lưu lại tên của người viết. Đây mới là cách viết lời chúc Tết đúng mực và sẽ để lại ấn tượng cho sếp.
Trong dịp Tết, ngoài việc chúc Tết cấp trên và đồng nghiệp, bạn đừng quên gửi lời chúc cho những người cấp trên trước đây. Bởi vì mỗi một người sếp có thể đã chỉ dạy cho bạn nhiều bài học cuộc sống cũng như kinh nghiệm làm việc.
Bạn nên có tấm lòng tri ân, nếu sau này bạn cần giúp đỡ, hẳn sẽ nhận được sự giúp đỡ chân thành từ người sếp cũ này. Chúng ta nên học cách đối nhân xử thế một cách chu toàn, luôn biết ơn những người đã giúp đỡ chúng ta.
Bạn có thể gửi lời chúc Tết đến người sếp trước đây như sau: "Chào sếp XX, mặc dù hiện tại tôi không còn là nhân viên dưới trướng của anh nữa, nhưng rất cảm ơn vì được quen biết anh, tôi vẫn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của anh đối với tôi, chúc anh năm mới vui vẻ nhé."
Trong lời nói thường mang nhiều cung bậc ý nghĩa, vì vậy khi gửi lời chúc bạn nên chú ý dùng từ ngữ thích hợp.
Đồng thời, nên tránh những từ ngữ có liên quan đến sự nghiệp, tiền tài. Thay vào đó, hãy gửi những lời chúc về sức khỏe, cuộc sống, chẳng hạn như "Sức khỏe dồi dào", "Vạn sự như ý", "Gia đình bình an, hạnh phúc",... và những lời chúc tốt đẹp khác.
Là một người trưởng thành và một nhân viên chuyên nghiệp, lời nói của bạn sẽ thể hiện thái độ của bạn, biết đặt mình vào góc độ của người khác để suy ngẫm chính là cảnh giới cao nhất của người sở hữu EQ cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn