Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 23/10/2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp trước.
Liên quan tới các quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cho biết: về trách nhiệm và quyền hạn của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 79; trong đó quy định 12 nội dung về trách nhiệm người trực tiếp giám sát phải thực hiện. Trong khi đó, chỉ quy định 1 nội dung về quyền của người trực tiếp giám sát, đó là quyền được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên.
Điều 79 quy định "Trách nhiệm và quyền của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng", như: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Yêu cầu người chấp hành; Hướng dẫn người chấp hành thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; Liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tạo điều kiện cho người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng tham gia các Chương trình học văn hóa, học nghề, tham gia lao động phù hợp, ổn định cuộc sống; Liên hệ, giới thiệu người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao sẵn có tại địa phương; Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Định kỳ hằng tháng nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả thi hành quyết định...
Người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có quyền tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên.
Đại biểu Thanh Phương cho rằng, khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành thì dự báo số người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ tăng lên và đưa về cơ sở, tức là cấp xã, phường để giám sát giáo dục.
Người trực tiếp được giao giám sát là người làm công tác xã hội, cộng tác viên làm công tác xã hội cấp xã, đại diện Hội LHPN, Đoàn thanh niên hoặc là người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên.
Như vậy, khối lượng công việc của những người này sẽ tăng thêm, trách nhiệm nhiều hơn nhưng quy định về quyền thì quá ít, nhất là chế độ, chính sách hỗ trợ gì khi họ thực hiện nhiệm vụ tăng thêm này. Do vậy, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị khi hướng dẫn các điều luật cần quan tâm đến chế độ, chính sách của những người được giao trực tiếp thực hiện giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Còn đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn ĐBQH Đắk Nông, cho biết: về thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (Điều 51), Dự thảo luật đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng, sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm.
Các biện pháp này nhằm giúp người phạm tội nhận thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình với cộng đồng, với những người xung quanh, thúc đẩy quá trình hòa nhập xã hội và có thể hạn chế việc tái phạm. Bên cạnh đó, một số nước cũng đã áp dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để tránh việc gây mặc cảm, tác động xấu đến tâm lý của người chưa thành niên, dự thảo đã đưa ra quy định về việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải đảm bảo an toàn và tránh bị kỳ thị.
Đại biểu Thu Hằng cho rằng, trong thực tiễn của đời sống xã hội, dân số sinh sống của vùng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, các phong tục tập quán truyền thống, hương ước, quy ước điều chỉnh cơ bản đến các ứng xử của người dân, trong khi đấy người chưa thành niên ở độ tuổi nhạy cảm từ thể chất đến tâm lý, cảm xúc. Do vậy, hết sức cân nhắc khi đưa ra quy định thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng như đã nêu ở trên vì có thể tác động tiêu cực đến người chưa thành niên, không thể tránh được kỳ thị trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc người chưa thành niên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt bởi việc hỗ trợ những đối tượng này cần những người đủ kiên nhẫn, hiểu biết cơ bản về nhu cầu tâm lý người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt. Do đó, cần cân nhắc quy định này.
Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Nguyên tắc xuyên suốt của dự thảo lần này là luật nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ những người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, tại Điều 40 dự thảo chưa đề cập đến việc người chưa thành niên nhận thức về hành vi phạm tội của mình, có sự ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục những sai lầm của mình. Nếu áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên mà không thỏa mãn các điều kiện cần và đủ nêu trên sẽ khiến cho họ tiếp tục lao vào con đường phạm tội, như vậy chúng ta sẽ không đạt được mục đích của luật này là nhằm giáo dục họ trở thành con người có ích cho xã hội.
Bên cạnh đó, việc bổ sung điều kiện có sự hòa giải của bị can và bên bị hại đồng ý thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và bảo đảm hài hòa lợi ích của người chưa thành niên phạm tội với lợi ích của người bị hại, lợi ích chung của toàn xã hội nhưng không có sự đồng ý, đồng thuận của bên bị hại trong việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể phát sinh một vụ án hình sự khác do bên bị hại không được đền bù thỏa đáng có thể tìm cách trả thù người chưa thành niên phạm tội với mình, gây bất ổn cho xã hội. Đây cũng là vấn đề quan tâm đến ý kiến của bên thứ ba, là người có quyền và nghĩa vụ có liên quan đến vụ án.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn