Người giúp phụ nữ kiếm tiền triệu từ rau già, vỏ trái cây

16:48 | 18/09/2017;
Từ rau già, vỏ trái cây, hoa tươi đã qua sử dụng… cô Trịnh Thị Hồng đã nghiên cứu và chế tạo thành công nước rửa chén, nước lau nhà sinh học, tạo công ăn việc làm cho các phụ nữ nghèo của Đà Nẵng.
Bước sang tuổi 52 nhưng cô Trịnh Thị Hồng (công tác tại Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc hướng dẫn chị em phụ nữ làm các chế phẩm sinh học từ rác thải hữu cơ.
 
Cô Trịnh Thị Hồng nhớ lại: Năm 2011, xe vận chuyển rác thải của thành phố bị hỏng 4 ngày không chuyên chở rác được, nên rác thải hữu cơ bị phân hủy, gây mùi hôi và ô nhiễm môi trường. Ý tưởng biển rác thải thành tiền để giải quyết tốt công tác bảo vệ môi trường nảy sinh từ đó.  
nuoc-rua-chen-minh-hong-2.jpg
Cô Trịnh Thị Hồng và ý tưởng biến rác thải thành tiền

Cô Hồng cũng chia sẻ thêm: Hàng ngày, khi đi vận động chị em phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, cô thường nghe tâm sự về cuộc sống khó khăn do quá trình đô thị hóa nên chị em nông dân không có đất sản xuất, lại đã có tuổi nên không xin được việc tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cô còn nhận ra, những hóa chất độc hai trong các sản phẩm thiết yếu như nước rửa bát, nước lau nhà, đặc biệt là ở những loại không có nguồn gốc xuất xứ có thể thẩm thấu qua da làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Xuất phát từ thực trạng trên, cô Trịnh Thị Hồng đã nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình sản xuất sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà sinh học từ rác thải hữu cơ thực vật.
 
Mô hình sản xuất gồm 2 bước:

Bước 1: Tập huấn cho phụ nữ nghèo, 2 tháng một lần, mỗi lần 100 người để hướng dẫn họ cách tạo ra chế phẩm sinh học đa dụng. Sau đó, cô tiếp tục chọn ra những người thực sự cần việc làm để sản xuất và bao tiêu sản phẩm, giới hạn mỗi người 2.000 lít chế phẩm để có thể bao tiêu nhiều người hơn.
nuoc-rua-chen-minh-hong-1.JPG
Một buổi tập huấn dành cho chị em phụ nữ 

Bước 2: xử lý chế phẩm để sản xuất nước rửa chén và nước lau nhà sinh học.
nuoc-rua-chen-minh-hong-7.jpg
Quy trình sản xuất nước rửa sinh học từ rác thải hữu cơ

"Khác với sản phẩm hóa chất tổng hợp, sản phẩm từ rác thải hữu cơ có 5 lợi ích thiết thực", cô Trịnh Thị Hồng phân tích.
Trước hết, sản phẩm có giá rẻ hơn từ 2 – 10 lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường Việt Nam. Hiện nay, nước rửa chén sinh học được bán với giá  25.000 đồng/chai 800ml, nước lau nhà sinh học có giá bán 10.000 đồng/chai 500ml.
Lợi ích thứ hai là sản phẩm này có khả năng làm sạch toàn bộ dầu, mỡ bám trên bát, đĩa, bếp.
Lợi ích thứ ba là sản phẩm đảm bảo tính tiết kiệm: tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí.
Lợi ích thứ tư là tiêu chí an toàn: không có hóa chất độc hại, không gây kích ứng da, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lợi ích thứ năm là sản phẩm thân thiện với môi trường. Loại nước tẩy rửa này có thể khử mùi hôi, thông cống thoát nước, diệt 80% bọ gậy, lăng quăng và các loại côn trùng như muỗi, kiến, gián. Ngoài ra, sau khi lau nhà xong, có thể dùng nước lau nhà để tưới cây, tăng độ mùn cho đất, giúp cây phát triển tốt.
nuoc-rua-chen-minh-hong-6.jpg
Sản phẩm nước rửa sinh học Minh Hồng

Với quy trình của cô Hồng, hàng tháng, các phụ nữ nghèo thu gom, xử lý 52.200kg rác thải hữu cơ thực vật, để sản xuất ra 174.000 lít chế phẩm sinh học từ khối lượng rác thải nói trên. Cứ 3kg rác thải thu được 10 lít chế phẩm, cứ 5 lít chế phẩm thu được 1 lít sản phẩm. Mỗi phụ nữ nghèo cung cấp khoảng 2.000 lít chế phẩm/tháng.
nuoc-rua-chen-minh-hong-3.jpg
Sản phẩm đã có mặt tại 42 tỉnh, thành trên cả nước

Công việc sản xuất nước rửa sinh học đã giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân với thu nhập 5.000.000 đồng/người/tháng. Tính đến tháng 6/2017, sản phẩm nước rửa chén, nước lai nhà sinh học mang thương hiệu Minh Hồng đã có đại lý tại 42 tỉnh thành.
Cô Trịnh Thị Hồng cũng đã triển khai các buổi truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất sản phẩm tại 56 phường xã của TP. Đà Nẵng và tại Hội LHPN các tỉnh Hưng Yên, Bắc Cạn, Thái Nguyên… Cô Hồng dự tính đến năm 2020 giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững cho 2.275 lao động nữ thuộc hộ nghèo.
 
Sản phẩm Nước rửa chén và nước lau nhà sinh hoạc từ rác thải thực vật của cô Trịnh Thị Hồng là một trong những sản phẩm tham dự Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017.

Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017 do Hội LHPN tổ chức gắn với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Luật phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10. 


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn