Tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Sư phạm 1, chị Đính được cử sang Nga học tập. Bốn năm sau, chị trở về Việt Nam, mong muốn được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Nhưng vì cuộc sống riêng, ước mơ của chị bị gián đoạn.
Nhà chị ở gần trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) nên hình ảnh các em khiếm thính khua chân múa tay để “nói chuyện” không còn xa lạ với chị. Lúc đó, ngôn ngữ ký hiệu còn vô cùng xa lạ và mới mẻ với mọi người. Bằng trái tim nhạy cảm của một người học văn, chị Đính như cảm nhận được niềm vui sau những động tác khua chân múa tay của các em.
Trở nên thân thuộc, gắn bó, các em khiếm thính dạy chị ngôn ngữ kí hiệu, còn người phụ nữ giàu lòng nhân ái này bắt đầu nhen nhóm ý tưởng dạy các em kỹ năng may vá, làm đồ thủ công để kiếm sống.
Năm 2013, chị Đính và vài người bạn là người khuyết tật, gom góp mỗi người một ít, thành lập công ty Kym Việt với số vốn 20 triệu đồng. Số tiền đầu tư ít ỏi đó vừa đủ để sắm 2 chiếc máy may, một máy vắt sổ, kim chỉ, vải vóc. Kym Việt đã trở thành mái nhà chung của các em khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả coi nhau như người thân, cùng dựa vào nhau để vươn lên.
Chị Đính là người quản lý kiêm bảo mẫu cho các em. Người khiếm thính có lợi thế là một khi tập trung thì tiếp thu nhanh nhưng chỉ cần cơn nóng giận bùng phát thì gần như không có gì níu chân được. Vì vậy, để hướng dẫn các em làm việc cũng như dạy các em biết cách ứng xử, theo chị Đính, cần có sự kiên nhẫn đặc biệt.
Chị Đính là người quản lý kiêm bảo mẫu cho các em. Người khiếm thính có lợi thế là một khi tập trung thì tiếp thu nhanh nhưng chỉ cần cơn nóng giận bùng phát thì gần như không có gì níu chân được. Vì vậy, để hướng dẫn các em làm việc cũng như dạy các em biết cách ứng xử, theo chị Đính, cần có sự kiên nhẫn đặc biệt.
Những con thú bông trở niềm hạnh phúc
Để tìm được đầu ra cho sản phẩm và tạo điểm khác biệt của những con thú nhồi bông Kym Việt, chị Đính và các thành viên sáng lập đã tìm tòi và sử dụng cát sạch của biển Lệ Thuỷ, Quảng Bình, để làm nguyên liệu nhồi trong ruột của từng sản phẩm.
Không chỉ vậy, tình cờ, trong một lần đi nhập nguyên liệu, chị Đính còn nghĩ ra ý tưởng đập dập quế hồi, trộn với cát, nhồi vào từng con thú bông, để sản phẩm tỏa ra mùi thơm dễ chịu, đánh bay ẩm mốc...
Sau nhiều lần thử nghiệm, tính toán để tìm ra công thức chuẩn cho tỉ lệ cát, quế hồi, bông, vải… những con thú nhồi bông của Kim Việt được khoác lên mình một diện mạo mới với hương thảo mộc thư giãn thật dễ chịu. Bộ sưu tập thú bông mang tên Kym Việt đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm, các cửa hàng đồ chơi tại Hà Nội và một số nơi khác.
Đường đi dù còn dài nhưng với chị Đính, không gì hạnh phúc bằng nhìn thấy các em nhỏ khiếm thính đang trưởng thành và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Chị Nguyễn Thị Đính là 1 trong 4 thành viên sáng lập công ty Cổ phần Kym Việt. Cuộc sống của các em khiếm thính phụ thuộc vào lượng hàng bán được. Dù việc sản xuất, bán hàng còn gặp nhiều khó khăn nhưng công ty luôn cố gắng xây dựng chế độ đãi ngộ tốt với nhân viên. Các em làm việc từ thứ 2 đến thứ bảy hàng tuần, được bao ăn, ở và toàn bộ vật dụng sinh hoạt cộng thêm gần 3 triệu tiền lương/tháng. Riêng chủ nhật, các em được nghỉ để tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các câu lạc bộ người khuyết tật. |