Chị Nguyễn Thị Thùy (hộ gia đình bán phở trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị đang rất hồi hộp, chỉ còn vài ngày nữa Hà Nội sẽ kết thúc đợt giãn cách này. Thê nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì chị rất hồi hộp, bởi rất có thể Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội tiếp.
"Cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào mỗi hàng phở nhưng quán đã đóng cửa gần 2 tháng nay rồi. Cả nhà không ai làm ra tiền, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Rất hy vọng vài ngày tới Hà Nội sẽ có thông báo kết thúc giãn cách để cuộc sống của người dân trở lại trong trạng thái bình thường mới", chị Thùy chia sẻ.
Theo chị Thùy, việc giãn cách toàn thành phố gần 1 tháng qua là cần thiết, chỉ như vậy mới có thể kiểm tra, cách ly, khoanh vùng hiệu quả vùng dịch được. Nếu không giãn cách, không quyết liệt thì hiệu quả chống dịch cũng không thể đạt được như hiện nay.
Việc phòng chống dịch Covid-19 vẫn là chủ trương hàng đầu và đươc ưu tiên trong thời điểm này, nhất là việc tránh để bùng phát mạnh như TPHCM. Tuy nhiên, theo chị Thùy, chính quyền cũng phải tính đến sự hài hòa giữa chống dịch và bài toán kinh tế sau một tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch.
"Theo đánh giá của cá nhân tôi, một tháng vừa qua Hà Nội cũng phần nào kiểm soát được dịch khi các ca cộng đồng có số lượng giảm, khoanh vùng tốt những ổ dịch. Do đó, tôi nghĩ chính quyền có thể xem xét nới lỏng giãn cách xã hội, dần dần cho nhiều hoạt động trở lại, chỉ tiếp tục giãn cách ở vùng nguy cơ cao và chuẩn bị tinh thần cho trạng thái bình thường mới", chị Thùy bày tỏ.
Theo ghi nhận của PV Báo PNVN ngày 19/8, đường phố Hà Nội vắng vẻ, đìu hiu. Nhìn chung người dân đều chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thành phố.
Chị Bích (ở phố Xã Đàn) cho biết, qua các kênh thông tin, chị biết được diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội đang có chiều hướng giảm tuy nhiên vẫn còn các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thời cơ vàng để chúng ta có thể khống chế được dịch. Mọi người nên tuân thủ và chấp hành tốt để có thể bảo vệ mình và sức khỏe cộng đồng. Chúng ta đã thực hiện giãn cách được gần 1 tháng rồi và đã làm rất tốt.
"Hiện tình hình dịch bệnh một số nơi trên địa bàn vẫn căng thẳng, khi liên tiếp phát hiện các ca dương tính. Tôi không bất ngờ nếu Hà Nội quyết định giãn cách xã hội tiếp. Cá nhân tôi sẵn sàng thực hiện việc này. Thời gian giãn cách xã hội vừa qua, nhiều cửa hàng kinh doanh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng nếu dừng giãn cách xã hội lại sẽ rất dễ "vỡ trận" và công sức gần 1 tháng qua của chúng ta sẽ đổ xuống sông xuống bể", chị Bích nói.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec cho biết, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm trong 2 tuần vừa qua, đặc biệt những ngày gần đây, số lượng ca mắc bắt đầu giảm. Ông đánh giá cao việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng với số lượng mẫu rất lớn.
"Hà Nội xét nghiệm nhiều, nhưng số lượng F0 giảm xuống. Điều này chứng tỏ dịch đang có xu hướng đi xuống tuy chưa thực sự bền vững. Do đó, thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay", ông Trí nói.
Theo ông Trí, chủ trương của Hà Nội là quyết liệt xét nghiệm để bóc tách hết các F0 khỏi cộng đồng và chủ động dập dịch sớm nhất. Đây là một quyết định đúng, mạnh mẽ và mang tính chủ động của TP. Hà Nội. Xét nghiệm diện rộng sẽ giúp phát hiện các F0 "trà trộn" ngoài cộng đồng khi chưa kịp lây lan mạnh. Từ đó, giúp cơ quan chức năng khoanh vùng và dập dịch nhanh chóng.
13 nhóm đối tượng nguy cơ Hà Nội tiến hành xét nghiệm:
+ Người giao hàng (shipper);
+ Người bán hàng tại các chợ truyền thống; + Nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại;
+ Người bán hàng tạp hóa tại nhà;
+ Nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài;
+ Bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể;
Công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội;
+ Nhân viên bán thuốc tại các quầy;
+ Người làm tại các kho hàng bán lẻ;
Người trực chốt kiểm dịch;
+ Lực lượng hỗ trợ chống dịch;
+ Nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
Hà Nội có quyết định từ ngày 18 đến 20/8 phải xét nghiệm được một triệu người dân, ưu tiên khu vực nguy cơ như vùng đỏ, da cam và vàng và 13 nhóm đối tượng nguy cơ gồm: người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
"Từ lâu chúng tôi rất lo ngại nhóm đối tượng này vì họ hay tiếp xúc và thường tiếp xúc nhiều người, rất dễ nhiễm bệnh. Qua các đợt dịch trước, không hiếm những ổ dịch bùng phát từ 13 nhóm người này. Hà Nội nên ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine cho họ", ông Trí nói.
Trước câu hỏi "Hà Nội có cần kéo dài thời gian giãn cách nữa không?", ông Trí cho rằng, việc này thì phải đợi theo dõi tình hình dịch bệnh 2, 3 ngày tới. Trong bối cảnh thành phố xét nghiệm diện rộng như hiện nay mà tỷ lệ F0 giảm đi, có thể cân nhắc nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, sắp tới là đợt nghỉ lễ 2/9 nên thành phố cần xem xét thận trọng. Nếu số lượng F0 tăng và tăng nhiều hơn sau chiến dịch xét nghiệm diện rộng lần 2, Hà Nội có lẽ phải tiếp tục thực hiện giãn cách.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá Hà Nội không thể đưa số ca bệnh về 0 ngay lập tức, nhưng đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây. Thành phố đã khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng có chỉ định. Trong một tuần, ngành y tế đã lấy được 300.000 mẫu, qua đó phát hiện 29 F0 và đang tiếp tục đợt 2.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao. Qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây.
Bên cạnh đó, những nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị… cũng cần phải được tập trung có biện pháp, không để lây lan. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực.
Để quyết liệt phòng dịch hơn nữa, PGS.TS Trần Đắc Phu kiến nghị thành phố cần tiếp tục xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung các đối tượng, địa bàn nguy cơ.
"Nhưng cần xác định rằng xét nghiệm chỉ là thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, di biến động ra vào Hà Nội tăng thì vẫn có khả năng bùng dịch, vì vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn việc giãn cách, thông điệp 5K, quét mã QR ở các cơ quan, đơn vị, siêu thị, điểm công cộng kết hợp với đẩy mạnh tiêm vaccine và nên tiêm cả đối tượng người già, người có bệnh nền", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Trước đó, từ 6h ngày 24/7, Hà Nội đã giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trong công điện hỏa tốc số 18, kéo dài thời gian đến 6h ngày 23/8.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn