Xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từng có làng nghề nức tiếng: làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá. Người dân làng Đào Xá cho biết, nghề làm nhạc cụ dân tộc đã có từ mấy trăm năm trước. Cụ tổ nghề được tôn vinh mang họ Đào, từng làm nghề mộc, sau đó, cụ đi theo học hỏi một thợ đàn giỏi, thành nghề rồi mang nghề về truyền dạy cho người dân trong làng. Từ đó, người Đào Xá làm nhạc cụ rồi mang những sản phẩm của mình đi khắp cả nước.
Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, cả làng hiện chỉ còn nghệ nhân Đào Văn Tuấn làm nghề. Nghệ nhân Đào Văn Tuấn cho biết, anh được cha mình, nghệ nhân Đào Xuân Soạn, truyền nghề. Xưởng của anh hiện có 2 thợ phụ, một người là chị Nguyễn Thị Huệ, vợ của anh; người còn lại là một người họ hàng.
"Tổng cộng có 13 khâu để làm ra một cây đàn, từ chọn gỗ, phơi gỗ, đục đẽo, vẽ, chạm khắc, lắp ghép rồi thẩm âm, hoàn thiện. Mỗi loại đàn lại đòi hỏi chất liệu gỗ khác nhau, gỗ phải là gỗ tốt, có loại đàn thì theo công thức "thành trắc, mặt vông", tức thùng đàn thì gỗ trắc, mặt đàn là gỗ vông. Còn như đàn tranh hay tỳ bà thì mặt đàn lại phải làm bằng gỗ ngô đồng. Với đàn tam, bầu đàn bằng gỗ rồi bịt da, công đoạn xử lý da lại phải có cách thức riêng… Khâu nào cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận", anh Tuấn chia sẻ.
Ngồi trong sân của căn nhà nhỏ cạnh bờ ao, anh Tuấn lau từng cây đàn rồi cẩn thận đưa đàn lên, gẩy thử và nghe. Người làm đàn như anh dù không giỏi chơi đàn, không nắm rõ nhạc lý nhưng có đôi tai thẩm âm tốt. Dường như, người thợ đàn cảm nhận bằng cả tâm hồn mộc mạc mà sâu lắng, để lắng nghe những thanh âm diệu kỳ ấy.
"Gần đây, có nhiều người tìm đến mua đàn, tham quan, cũng có người vì yêu nhạc cụ dân tộc mà tìm đến tôi xin học nghề. Tôi sẵn sàng truyền nghề. Người trẻ ở làng Đào Xá giờ không hứng thú với cái nghề vất vả này. Chẳng biết mai này, những tiếng đàn có còn vang lên ở làng Đào Xá nữa không", nghệ nhân Đào Văn Tuấn tâm sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn