Người họa sĩ già vẽ tranh truyền thần giữa lòng Sài Gòn

16:34 | 10/06/2022;
Giá vẽ đơn sơ ở một góc phố trên đường Điện Biên Phủ mang lại vẻ bình yên giữa ồn ào tất bật của TPHCM. Người dân quanh khu phố gọi ông là ông già họa sỹ vẽ tranh truyền thần của Sài Gòn. Ông là họa sĩ Từ Hoa Lợi, năm nay 82 tuổi, nhưng ông tâm niệm “còn sức khỏe là còn đam mê và sáng tạo”.

Ký ức một lần gặp Bác

Quê gốc ở Quảng Ninh, năm 1955, anh thanh niên Từ Hoa Lợi thi vào trường Y nhưng dường như trong huyết quản của chàng sinh viên trường ĐH Y Hà Nội này lại tình yêu dành cho nghệ thuật cao hơn. Nên học hết năm thứ nhất, anh thi tuyển vào trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội, dầu rằng trước đó, anh chỉ học vẽ qua sự tìm hiểu của bản thân mà thôi.

Ra trường, họa sĩ Từ Hoa Lợi về làm họa sĩ cho Đoàn xiếc Trung ương. Cả đời như một nhân duyên với nghề truyền thần, mà như ông nói, nghề truyền thần như người vợ tao khang, yêu và mê không bao giờ chán.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi hồi tưởng: "Đó là năm 1960, cả miền Bắc đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, không khí lao động hăng say, một buổi trưa Bác Hồ đến thăm đoàn xiếc, nhưng không báo trước. Khi ấy anh họa sĩ Từ Hoa Lợi đang vẽ pano, ap-pich cho một chương trình biểu diễn của đoàn, Bác Hồ đến gần anh mà anh không biết. Người vỗ vai anh và hỏi: "Cháu làm việc có vất vả lắm không?". Anh thưa với Bác: "Cháu được lao động và làm việc đúng với nghề là hạnh phúc rồi ạ". Khi ra về, Bác Hồ căn dặn: "Làm được điều gì tốt cho mình, cho cơ quan, cho nhân dân thì việc gì cũng là vinh quang".

Phục vụ đoàn xiếc Trung ương đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất thì ông xin ra khỏi đoàn xiếc. Cũng vì yêu cái nghề vẽ tranh truyền thần mà ông và một người bạn nữa lập tiệm vẽ truyền thần ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Tình yêu Hà Nội, qua nhưng nét bút chì của ông, đã truyền vào những bức chân dung qua năm tháng…

Lấy cái tâm chăm chút nghề

Theo họa sĩ Từ Hoa Lợi, nghề vẽ truyền thần ngoài bàn tay tỷ mỷ và chăm chút từng đường cọ trên giấy thì đôi mắt người họa sĩ phải phải tinh tường để căn từng đường nét trên trên bức chân dung. Đó chính là tính ước lượng, là kinh nghiệm và trí tuệ để thần thái bức tranh vẽ truyền thần được toát lên như có hồn, sống động.

Năm 1991 họa sĩ là đi thăm một người bạn ở TP. HCM, thế rồi mảnh đất miền Nam thân thương đã níu giữ hồn ông dù khi ấy ở Hà Nội ông đã có 4 người con, một gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

Vì yêu chồng, vợ ông cũng theo ông vào miền Nam. Cứ như thế, ngày lại ngày của hơn 20 năm ở đất Sài Gòn, cứ đúng 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa và buổi chiều từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều, trừ ngày chủ nhật, ông đều đặn ngồi ở góc phố Điện Biên Phủ vẽ truyền thần cho khách hàng qua những bức tranh chân dung. Ông bảo nghề truyền thần, truyền thần thái vào bức chân dung là qua đôi mắt và cái miệng để từ đó "xuất thần" làm toát lên những cảm xúc tình cảm của người trên bức chân dung đó.

Khách hàng biết đến ông nên đến nhờ ông vẽ để giữ lại những kỷ niệm với người thân. Từ những tấm ảnh qua bụi thời gian bị ố vàng, rách nát cùng trí nhớ của khách hàng kể lại, ông đã phác thảo nên những thần thái trên bức chân dung người thân của họ.

Không những vẽ tranh thờ tự, ông Lợi còn vẽ hình ảnh của Bác Hồ. Ông bảo, "Tranh chân dung Bác Hồ tôi đã vẽ rất nhiều. Người là nguồn cảm hứng cho tôi mỗi khi tôi sáng tác". Những lúc như thế, ông đem hết tâm lực ra đầu ngọn chì đề vẽ nên những "kiệt tác" truyền thần, truyền cái thần thái của vị lãnh tụ kính yêu đến với nhân dân, với công chúng Thành phố.

Giá vẽ của lão họa sĩ chỉ đơn sơ với chân giá vẽ, chì và màu nhưng đó cũng là một thế giới nghệ thuật bên góc phố nhỏ trên đường Điện Biên Phủ. Bỏ lại những ồn ào tấp nập của phố thị Sài Gòn, người họa sĩ già hằng ngày dồn tâm trí để đưa những nét vẽ đẹp vào từng bức chân dung.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn