Người khởi xướng Ngày của Mẹ từng đề nghị huỷ ngày lễ

20:43 | 07/05/2016;
Dành gần cả cuộc đời đấu tranh để Ngày của Mẹ được công nhận tại Mỹ và trở thành ngày lễ mang tầm quốc gia nhưng đến cuối đời, bà Anna Jarvis lại đề nghị Chính phủ huỷ bỏ ngày lễ này.
anna-jarvis1.jpg
 Bảo tàng Anna Jarvis tại thành phố Grafton, bang West Virginia, Mỹ.
Phía sau hành động mâu thuẫn của người phụ nữ được mệnh danh là “mẹ đẻ” Ngày của Mẹ là nỗi trăn trở về sự thương mại hoá, sự hào nhoáng của những món quà sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của một ngày vốn thuộc về tình cảm. 

Anna Jarvis sinh ngày 1/5/1864 tại Webster, Taylor County, bang West Virginia, Hoa Kỳ.  Bà là con thứ 9 trong gia đình có 11 người con. Năm Anna được 1 tuổi, gia đình của bà chuyển đến thành phố Grafton, bang West Virginia.

Ý tưởng tổ chức Ngày của Mẹ đến với Anna từ khá sớm. Đó là khi Anna được 12 tuổi, trong một lần cầu nguyện, mẹ của bà, bà Ann Reeves Jarvis từng ao ước rằng: “Tôi hy vọng ai đó, vào lúc nào đó sẽ dành 1 ngày để tri ân người mẹ của mình vì những hy sinh, đóng góp cho nhân loại trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Họ xứng đáng được nhận điều đó”.

Anna chưa từng quên lời cầu nguyện này. Sau khi mẹ bà qua đời năm 1905, Anna ấp ủ dự định thực hiện tâm nguyện của mẹ. Quyết tâm tổ chức một ngày dành riêng cho các bà mẹ càng thôi thúc hơn khi Anna nhận thấy, giới trẻ ở Mỹ thời điểm đó ngày càng thờ ơ với cha mẹ mình. Năm 1907, bà bắt đầu thực hiện chiến dịch vận động tổ chức Ngày của Mẹ và 1 năm sau, lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Grafton.

Cùng với những người ủng hộ, Anna bắt đầu viết hàng trăm bức thư gửi tới các chính trị gia, doanh nhân. Và chiến dịch vận động công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ cấp quốc gia của Anna đã được John Wanamaker Philadelphia, một doanh nhân đồng thời là nhà từ thiện nổi tiếng, hậu thuẫn.

cam-chuong11.jpg
 Hoa cẩm chướng trắng
cam-chuong1.jpg
và hoa cẩm chướng đỏ trở thành biểu tượng trong Ngày của Mẹ 

Năm 1909, Ngày của Mẹ được hưởng ứng rộng rãi tại nhiều bang của Mỹ. Mọi người cùng cài những bông hoa cẩm chướng đỏ hoặc trắng, một biểu tượng trong Ngày của Mẹ được Anna Jarvis chọn xuất phát từ sở thích của mẹ bà đối với loài hoa này. Cẩm chướng là loài hoa tượng trưng cho sự tinh khiết của trái tim người mẹ. Trong lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ, cẩm chướng trắng được dành để tôn vinh những người mẹ đã qua đời còn cẩm chướng đỏ được dành cho những người đang sống.

Năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã công bố quyết định Ngày của mẹ là ngày lễ quốc gia, được tổ chức hằng năm vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5.

Khi khởi xướng Ngày của mẹ, bà Anna muốn “Ngày của Mẹ” là 1 ngày mà mỗi người con đều về nhà với mẹ và làm mẹ cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng bằng những việc làm, lời nói thể hiện sự biết ơn, tình yêu của mình với mẹ.

ngay-cua-me.jpg
Tượng mẹ ôm con trong bảo tàng

Luôn đề cao sự chân thành, sâu sắc về tình cảm nên cũng dễ hiểu sự thất vọng của bà khi ngày lễ mang ý nghĩa thiêng liêng này bị thương mại hoá. Bà từng nói: “Ngày của mẹ thuộc về tình cảm, không phải tiền bạc”. Vì vậy, bà cảm thấy không hài lòng, thậm chí còn đâm đơn kiện ngành công nghiệp trồng hoa vì cho rằng họ vi phạm pháp luật khi bán hoa cẩm chướng mang dòng chữ Ngày của mẹ. Sau một thời gian lên tiếng chống lại các doanh nghiệp không thành, bà đã đề nghị Chính phủ huỷ bỏ quyết định công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ quốc gia nhưng không được chấp thuận. Năm 1948, bà qua đời ở tuổi 84.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn