Là người khuyết tật (NKT) dạng vận động, một bên chân bị co rút, anh Lê Thanh Nam gặp khó khăn trong việc đi lại. Nhờ tự học tập qua mạng, anh đã có bằng cao đẳng công nghệ thông tin, nhưng sau khi tốt nghiệp anh không dám đi xin việc làm. Cầm tấm bằng trong tay, anh bắt đầu suy nghĩ, đắn đo. Chính điều này đã khiến anh rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng tâm lý, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe. Trạng thái chán nản, thất vọng, buồn bã, cáu gắt luôn xuất hiện khiến bản thân anh và gia đình phải chịu nhiều mệt mỏi.
NKT là những người có những khiếm khuyết về mặt thể chất hoặc tinh thần, vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến sự hoạt động hàng ngày khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc tự chăm sóc cho bản thân. Ngoài ra, tâm lý mặc cảm tự ti của NKT có nhiều nguyên nhân khác nhau từ bản thân hoặc do đời sống môi trường xã hội tác động, trong đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những người trong giai đoạn 18-40 tuổi. Từ đó dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại đối với bản thân họ như rơi vào trạng thái trầm cảm, ngại giao lưu, sợ hãi đám đông... ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân cũng như khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm, vui chơi giải trí...
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng trên 7 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em. Trong đó, các em có khuyết tật chủ yếu ở các dạng như khuyết tật nghe (mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng nghe); khuyết tật nhìn (khiếm thị); khuyết tật vận động (bị tổn thương các cơ quan vận động như tay, chân, cột sống gây ra khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại, đứng, ngồi hay nằm); khuyết tật ngôn ngữ (tổn thương ở cơ quan tiếp nhận chỉ huy ngôn ngữ vùng não hoặc ở bộ phận phát âm làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp của trẻ); khuyết tật trí tuệ (suy giảm năng lực nhận thức, chỉ số thông minh thấp, trẻ không thích nghi được các hoạt động xã hội)... Hoặc có những em bị nhiều loại khuyết tật cùng lúc...
Thực hiện chính sách trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, hằng năm ngân sách Nhà nước đã bố trí hàng trăm tỷ đồng trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục với NKT. Đã có hàng triệu lượt NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật thiếu sự quan tâm của gia đình được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT. Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp. Nhiều người được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế.
Tuy nhiên, dù cả Nhà nước và các tổ chức xã hội đã có cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ sức chăm sóc đầy đủ cho NKT, nhất là lúc ốm đau, bệnh hiểm nghèo.
Theo "Đánh giá thường niên mức độ hòa nhập người khuyết tật trong quản trị địa phương năm 2023" của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, trong số những NKT tham gia khảo sát có công việc tạo ra thu nhập, phần đa họ thuộc nhóm có thu nhập thấp. Cụ thể, trong tháng 7/2023, thu nhập dưới 2 triệu chiếm 20,2% và từ 2 triệu đến 4 triệu chiếm 19,4%. Thêm vào đó, tỷ lệ NKT không có thu nhập riêng cũng khá cao, ở mức 16,3%. Trong nhóm này, tỷ lệ NKT là dân tộc thiểu số cao hơn rõ rệt.
Điều đáng mừng là độ phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) đối với nhóm NKT. Theo nhóm nghiên cứu của UNDP, hơn 95% NKT được khảo sát có BHYT, trong đó hơn 91% là bảo hiểm được chính quyền cấp phát miễn phí. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ có BHYT trong nhóm dân số chung theo kết quả khảo sát PAPI năm 2022 (90,7%). Như vậy, có thể thấy đa số NKT đã có BHYT và do đó dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ (hơn 4%) NKT chưa có (BHYT).
Bên cạnh các chế độ BHYT về khám chữa bệnh, để bảo đảm chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho NKT có hiệu quả, trước hết cần thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là một trong những lĩnh vực hoạt động của hệ thống y tế cơ sở và được coi là chìa khóa để đạt được mục tiêu sức khỏe cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là những người có nhu cầu chăm sóc cao như NKT.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội phải được tiếp cận rộng rãi và phổ cập các nhu cầu cơ bản, tăng cường sự tham gia tự lực của cá nhân và cộng đồng. Đồng thời kỹ thuật chăm sóc sức khỏe phải thích ứng, chi phí phù hợp với nguồn lực thực tế của địa phương và cộng đồng. Sau khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu là vấn đề khám, chữa bệnh cho NKT. Đối với NKT, do những tổn thương thể chất, giác quan hoặc trí tuệ, cần được khám, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp và tại chỗ.
Một mong muốn nữa của NKT cũng như cộng đồng là làm sao giúp NKT tự lực trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Điều này đòi hỏi phải tăng cường phục hồi chức năng cho NKT. Việc phục hồi chức năng cho NKT không chỉ có sự tham gia của nhân viên y tế mà còn là sự tham gia của cộng đồng, gia đình và bản thân NKT. Vì vậy, mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là gia đình và NKT phải nắm được kỹ năng phục hồi chức năng để thực hiện tại nơi cư trú và có thái độ tích cực giúp NKT có cơ hội hoà nhập cộng đồng, góp phần to lớn vào vấn đề an sinh xã hội.
Đối với NKT, nhu cầu chăm sóc sức khỏe lại càng quan trọng. Để giúp họ vượt qua những rào cản, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội là trách nhiệm của cả cộng đồng. Vai trò trách nhiệm đó đã được thể chế hóa trong Luật Người khuyêt tật, tạo hành lang pháp lý chăm sóc sức khỏe NKT, bảo đảm sự bình đẳng xã hội trong chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn