Người làm từ thiện rơi vào tầm ngắm của bọn lừa đảo lấy tiền qua thẻ ngân hàng
11:30 | 08/11/2018;
Nhắn tin là Việt Kiều ở Mỹ, Canada, Úc… gửi tiền nhờ các cá nhân, hội nhóm từ thiện trao học bổng, xây nhà, xây trường trên vùng cao, bằng hình thức tinh vi, những kẻ mạo danh đã lừa đảo, chiếm đoạt nhiều món tiền của chủ tài khoản.
Đến khi bị trừ hết tiền trong tài khoản của mình, chị Đ.T.L. Huyền (Hà Nội) vẫn ngơ ngác nhắn tin cho tên lừa đảo: “Anh lừa em à?”, đủ thấy những ‘hacker’ ngân hàng hoạt động tinh vi thế nào.
Chia sẻ với báo PNVN, chị Huyền cho biết, thời gian gần đây, chị có đứng ra quyên góp cho những dự án thiện nguyện cuối năm tại một số tỉnh vùng cao như Sơn La, Hòa Bình... Chương trình này được công bố rộng rãi trên facebook cá nhân của chị và một số hội nhóm, nên nhân được sự ủng hộ của nhiều người, bằng hình thức trực tiếp hoặc gửi qua tài khoản ngân hàng.
Nạn nhân ngỡ ngàng vì mắc bẫy
Chị Huyền nhận được tin nhắn của một người đàn ông trên mạng xã hội, giới thiệu đang sống ở Cali (Mỹ), rất cảm thương cho những trẻ em nghèo ở quê hương và coi trọng những cá nhân, tập thể làm việc thiện như chị Huyền.
Người này cũng mong muốn chuyển 1000 USD qua tài khoản của chị Huyền để gửi giúp anh ta đến các địa chỉ cần ủng hộ.
Vẫn thường nhận được các khoản tiền gửi trong nước và nước ngoài cho chương trình từ thiện, nên chị Huyền tin tưởng và nhận lời ngay. Sau đó, người đàn ông này yêu cầu chị Huyền gửi các thông tin tài khoản ngân hàng, để anh ta liên hệ kênh dịch vụ chuyển tiền quốc tế, để chuyển tiền vào tài khoản của chị Huyền.
Chị Huyền chia sẻ hình ảnh tin nhắn hướng dẫn cung cấp thông tin tài khoản bao gồm: Tên ngân hàng, họ tên người thụ hưởng, số tài khoản, chi nhánh ngân hàng, số điện thoại đăng ký ngân hàng.
Làm theo hướng dẫn đó, chị Huyền cho biết, chị được gửi một link Western Union, bấm nhận tiền và kê khai thông tin trên đó. Các bước thực hiện cũng giống như thao tác chị Huyền vẫn thực hiện trên Internet banking và điền mã giao dịch OTP được gửi về điện thoại.
Ngay lập tức, tài khoản của chị Huyền bị trừ 2.542.000 đồng (tương đương hạn mức nhân tiền quốc tế với giao dịch lần đầu thẻ ngân hàng chị Huyền đăng ký). Chị Huyền còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, 2.542.000 đồng nữa bị trừ. Chỉ chưa đầy 10 phút, tài khoản của chị Huyền đã bị trừ hơn 5 triệu đồng.
Gần đây, những trường hợp bị đánh cắp tiền trong thẻ như chị Đ.T.L.Huyền liên tục xảy ra với những người làm từ thiện. Cách đó vài ngày, đại diện của nhóm từ thiện kêu gọi xây nhà cho một hộ neo đơn cũng bị lừa mất 49 triệu. Anh T., vừa quyên góp ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm được hơn 100 triệu, cũng bị lừa hết, bằng hình thức tương tự.
Ngân hàng “bó tay”
Phát hiện bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền, chị Huyền đã khai báo với ngân hàng Vietcombank, nhưng phía Ngân hàng cho biết, giao dịch này không phải là phát sinh do mua bán, mà là tội phạm công nghệ nên ngân hàng không thể cạn thiệp, trả lại chị Huyền số tiền đã bị chiếm đoạt.
Theo chuyên gia công nghệ Lê Thắng, Phòng nghiên cứu an toàn hệ thống thông tin, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội: Các cá nhân, hội nhóm đang kêu gọi ủng hộ từ thiện đang là đối tượng những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua thẻ bọn tội phạm hướng tới.
Lý do vì: Do đứng ra quyên góp, nên trong tài khoản của những người làm từ thiện thường có tiền, đủ để kẻ lừa đảo nhòm ngó. Bên cạnh đó, với tâm lý làm việc thiện, cá nhân, hội nhóm từ thiện thường chủ quan khi cung cấp thông tin, cá nhân cũng như tài khoản, tạo điều kiện để kẻ gian chiếm đoạt tiền.
Trong trường hợp của chị Huyền, chị đã bấm vào đường link giả mạo của Western Union, khai báo thông tin cá nhân và cung cấp cả số điện thoại đăng ký với ngân hàng cho hacker, nên kẻ lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong thẻ của chị Huyền. Các Ngân hàng, tổ chức tín dụng và các Tổ chức thẻ Quốc tế (TCTQT) không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin cá nhân hoặc thông tin bảo mật như số tài khoản ngân hàng, số PIN thẻ ATM, mã truy cập và mật khẩu Internet Banking hay số điện thoại.
Để cảnh báo người dân, đặc biệt là các cá nhân, hội nhóm làm từ thiện không bị rơi vào bẫy của tội phạm công nghệ, tại các ngân hàng cũng đưa ra cảnh báo:
- Trong mọi tình huống, không nên nhấp chuột vào các đường link lạ và tuyệt đối không mở các file đính kèm từ các email giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc .
- Tuyệt đối không cung cấp Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mật khẩu dùng một lần (OTP) trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền.
- Không sử dụng mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, số CMT ngày sinh, ghi số PIN bỏ vào ví… và tiết lộ mã PIN cho người khác.
- Không nạp/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ.
- Không mở hộ thẻ/tài khoản cho người khác kể cả cho mượn hoặc bán.
- Không nên dùng wifi/mạng internet tại các địa điểm công cộng để truy cập và sử dụng các dịch vụ Ebank mà không chắc chắn hay tin tưởng độ bảo mật của các mạng này.