Người lao động có được trực tiếp đóng BHXH không?

07:15 | 26/08/2017;
Tôi ký hợp đồng từng năm một, từ tháng 9/2009 - 8/2015 tại một công ty ở Hà Nội. Vì doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH cho người lao động nên khi nghỉ tôi muốn tự đóng BHXH. Vậy người lao động có được trực tiếp đóng BHXH?
Hỏi: Tôi ký hợp đồng từng năm một, từ tháng 9/2009 đến hết tháng 8/2015 tại một công ty ở Hà Nội, hồ sơ bảo hiểm xã hội (BHXH) được kê khai tại BHXH quận. Vì doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH cho người lao động nên khi nghỉ việc, tôi muốn tự đóng BHXH để không bị gián đoạn nhưng BHXH quận không đồng ý. Xin hỏi, tại sao khi doanh nghiệp không chịu đóng BHXH cho người lao động, người lao động chấp nhận tự đóng BHXH, cơ quan BHXH lại không đồng ý?
                                                                                                                 Phạm Hồng Ký (Hà Nội)

ngi-lao-ng-c-c-trc-tip-ng-bhxh-380x253.jpg
Đóng bảo hiểm xã hội   

Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN, hàng tháng đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm đóng và trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.

Trường hợp người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng BHXH không đúng thời gian quy định thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng BHXH bắt buộc.

Như vậy, việc đăng ký đóng và đóng BHXH cho người lao động trong doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động không trực tiếp đóng BHXH cho cơ quan BHXH.

Trường hợp người lao động nghỉ việc mà doanh nghiệp còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì người sử dụng lao động phải đóng đủ khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN và số tiền lãi của người lao động đó đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để xác nhận thời gian đóng BHXH. 

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong trường hợp của bạn, cần liên hệ để Công ty đóng trước số tiền BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi chậm đóng (nếu có) đến thời điểm nghỉ việc để đảm bảo quyền lợi về BHXH của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn