Niềm tự hào của người lính biên phòng
Nhắc về người vợ đang sinh sống ở thành phố Hải Phòng, giọng người sĩ quan biên phòng bỗng trầm xuống, anh nhớ lại: "Tôi và cô ấy quen nhau từ năm 2003, khi tôi công tác tại Hải Phòng. Đến năm 2008, chúng tôi chính thức về chung một nhà. Đám cưới của chúng tôi cũng đơn giản, tổ chức ở đơn vị rồi về nhà làm ít mâm cỗ chào hỏi họ hàng. Chúng tôi có một ngày rước dâu từ Hải Phòng vào Hà Tĩnh, quê tôi. Lấy chồng bộ đội, ngày cưới tôi vẫn mặc bộ quân phục nhà binh đón cô dâu, chỉ có một lần tôi mặc bộ comple ở hiệu ảnh cưới để thuê chụp ảnh cưới cùng vợ. Dù thiệt thòi hơn những người vợ ở gia đình khác, nhưng cô ấy vẫn luôn dành trọn vẹn yêu thương cho chồng. Mỗi khi nghĩ đến cô ấy, tôi luôn thấy tự hào và cuộc đời tràn đầy hạnh phúc".
Cho đến bây giờ, vợ chồng anh đã có thêm cậu con trai 8 tuổi, nhưng số lần thiếu tá Lê Hồng Phong về thăm nhà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn 24 năm gắn với cuộc đời quân ngũ, thiếu tá Hồng Phong cũng trải qua nhiều đơn vị khác nhau từ Quảng Nam, Gia Lai, Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Vợ anh làm công nhân ở nhà cũng vất vả, nhiều khi con nhỏ đau ốm hay phải đi làm theo ca, chị đều phải nhờ bên nhà ngoại giúp đỡ.
"Ngần ấy năm vợ chồng, tôi cứ đi xa nhà biền biệt, nhưng cô ấy chưa lần nào than vãn hay hờn trách chồng. Thay vào đó, dù là dịp tôi nghỉ phép về thăm nhà, hay lúc gửi lời qua những lá thư, qua điện thoại, cô ấy cũng dành lời quan tâm, yêu thương, động viên chồng giữ sức khoẻ, yên tâm công tác, không phải lo lắng gì việc ở nhà" - thiếu tá Hồng Phong kể.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, thiếu tá Hồng Phong là con út trong gia đình có 5 anh em. Bố anh Phong cũng có một thời gắn với đời quân ngũ, về sau ông chuyển ngành, mẹ anh là Thanh niên xung phong. Bố vợ anh nay cũng là cựu chiến binh, người đã gắn bó cả đời với quân ngũ. "Có lẽ đó là may mắn của tôi, khi không chỉ được vợ thấu hiểu, tôi còn được cả nhà nội, ngoại 2 bên luôn tin tưởng, động viên mọi lúc để tôi yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ" - thiếu tá Phong bộc bạch.
"Tôi biết, đàn ông thì vất vả bao nhiêu cũng chịu đựng được, trong khi người vợ nào cũng muốn được chồng yêu thương, san sẻ công việc nhà, gắn bó mỗi ngày. Nhưng là vợ lính biên phòng, cô ấy đã phải tự mình vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy con, lo đối nội, đối ngoại của 2 bên gia đình, thậm chí cô ấy phải chịu thiệt thòi hơn một chút, vì chồng thường xuyên xa nhà. Tôi chỉ có thể động viên tinh thần vợ con và đợi đến ngày được nghỉ phép, sẽ về bù đắp phần nào nỗi nhớ thương khi ở xa nhau" - thiếu tá Phong nghẹn ngào nói.
Nước mắt vẫn rơi khi nhớ đến đồng đội đã ngã xuống trên đường tuần tra
Với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, ai cũng khắc trong tim khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương". Mỗi một cột mốc ở nơi biên cương chính là biểu tượng vững chắc của chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Công tác ở nơi biên giới Việt - Lào, mùa đông sương mù dày đặc, trời lạnh thấu xương, còn mùa hè gió Lào bỏng rát, thế nhưng bước chân người lính biên phòng vẫn hiên ngang băng rừng, vượt suối sâu để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Lê Hồng Phong cho biết: "Tôi phụ trách 3 mốc giới của Đồn, trước đây, đi tuần tra từ Đồn vào đến mốc giới đều là đường rừng, suối sâu, vô cùng khó đi. Nay quãng thời gian đi tuần tra đã được rút ngắn, vì có đoạn đã có đường nhựa ở dọc biên giới. Những chỗ không có đường nhựa, anh em tiếp tục hành quân băng rừng, vượt núi hàng chục cây số. Mỗi lần đi tuần tra cũng mất từ 2 đến 3 ngày, anh em chúng tôi đều phải mắc tăng võng nghỉ đêm lại trong rừng hoặc điểm lán trại, bất kể là thời tiết mưa to, gió lớn hay sự khắc nghiệt giá rét của mùa đông".
Những bữa ăn trên đường tuần tra giữa rừng chủ yếu là lương khô, là những câu chuyện nhắc nhớ về gia đình, về quê hương để quên đi những khoảng lặng giữa rừng đêm u tịch, xua đi tiếng vo ve của muỗi và vắt.
"Tôi nhớ nhất là thời gian căng mình trực chốt phòng chống dịch covid -19 cùng đồng đội, hơn 1 năm không ai về thăm nhà, không ai nghỉ phép. Trực chốt và đi tuần tra liên miên, anh em ai cũng nhớ nhà, nhiều đêm không ngủ được. Chúng tôi chỉ biết ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa cũ về quê nhà, về vợ con, dù đó là những chuyện đã kể nhiều lần, đã nghe nhiều rồi… để vơi bớt nỗi nhớ nhà" - anh Phong xúc động nhớ lại.
Con đường tuần tra biên giới Việt - Lào nhiều lúc rất gian nan, nguy hiểm, nhất là những ngày mưa to gió lớn, những ngày mùa đông giá buốt, những lúc ấy anh em cán bộ, chiến sĩ phải luôn động viên nhau cố gắng vượt qua. "Ở quãng đường này, nơi rừng thiêng nước độc, nhiều đồng đội đi trước của chúng tôi đã không thể trở về đơn vị, sau chuyến đi tuần tra biên giới" - giọng thiếu tá Hồng Phong bỗng nghẹn lại. Dẫu đã cố nén lòng, những giọt nước mắt bất chợt vẫn lăn dài trên má, anh vội xua xua tay: "Đừng, các cô đừng chụp hình anh lúc này, lính biên phòng là phải mạnh mẽ…".
Trong câu chuyện của mình với phóng viên, người lính biên phòng hơn 20 năm gắn bó với nhiều tuyến biên giới, vốn rất dạn dĩ, phong trần bởi làn da sạm nắng gió, nhưng nước mắt anh vẫn rơi khi nhắc đến những đồng đội đã mãi nằm lại trên đường tuần tra của mình.
Biên giới Việt - Lào thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo quản lý không chỉ gian nan bởi tội phạm buôn lậu, ma tuý, mà còn vô cùng khắc nghiệt bởi những cơn mưa rừng xối xả, những nguy hiểm rình rập nơi rừng sâu, muỗi, vắt, rắn và cả những đợt sốt rét… đã khiến các đồng đội của đơn vị hy sinh ngay trên đường tuần tra, không đủ thời gian quay về chữa trị.
"Biết tôi yêu nghề lính biên phòng, yêu biên giới nơi đã gắn bó hơn nửa đời binh nghiệp, vợ tôi mỗi lần điện thoại đều không quên nhắc nhở tôi cẩn thận khi đi làm, chú ý an toàn. Còn tôi, điều mong mỏi nhất là sau mỗi chuyến đi tuần tra, các đồng đội của tôi đều trở về an toàn, để chúng tôi lại có dịp kể cho nhau nghe những câu chuyện về hậu phương, về vợ con ở quê nhà" - thiếu tá Lê Hồng Phong hướng đôi mắt đỏ hoe về vạt rừng xanh thẫm trước mặt. Ánh hoàng hôn đang tắt dần, bóng tối bao trùm với sự u tịch cũng cuốn theo nhiều cảm xúc lắng đọng của đời lính biên phòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn