Những ngày cuối tháng 7, bất chấp trời mưa dầm dề dội xuống miền biên giới Pò Hèn, từng đoàn người từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn nối nhau đến tri ân tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
Trung tá Đàm Quang Đô là người quản lý Khu di tích luôn tất bật, vội vã hướng dẫn các đoàn khách làm thủ tục tri ân tại Đài tưởng niệm. "Tôi không lo bị mưa ướt, vì có đồ để thay. Chỉ lo người dân, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em từ xa xôi lên đến đây vất vả, nên tôi phải hỗ trợ họ làm lễ nhanh, gọn kẻo bị mưa ướt lại ốm"- Trung tá Đàm Quang Đô bày tỏ.
Giọng nói của trung tá Đàm Quang Đô bỗng trầm lại, anh giới thiệu đến từng đoàn khách về cảnh quan Khu di tích, về ý nghĩa sâu sắc ở Đài tưởng niệm: "Đặc biệt, ở 2 bên phía trước có 2 nhà bia, trong đó đặt 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng hy sinh tại Đồn sáng ngày 17/2/1979; tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và có chiến sĩ hy sinh tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991, cùng 28 Liệt sĩ, trong đó có nhiều nữ Liệt sĩ như Hoàng Thị Hồng Chiêm, Vũ Thị Tới, Bùi Thị Nguân, Đỗ Thị Mâu, Phạm Thị Ly, Đặng Thị Vượng… là thanh niên xung phong, công nhân nông lâm trường Hải Sơn cùng hy sinh ngày 17/2/1979".
Đã quen với công việc thường ngày ở Khu di tích lịch sử Pò Hèn, mỗi khi vắng khách đến tri ân, Trung tá Đàm Quang Đô lại lúi húi cắt tỉa, quét dọn sạch sẽ Khu di tích. Anh cho biết: "Tôi xung phong nhận nhiệm vụ ở Đài tưởng niệm đến nay được hơn 3 năm. Trước kia, tôi công tác ở Đồn biên phòng cửa khẩu Móng Cái, từng là nhân viên phiên dịch tiếng Trung Quốc. Bây giờ, công việc ở Đài tưởng niệm khác hoàn toàn so với trước, lặng lẽ hơn rất nhiều, nhưng trong trái tim tôi luôn cảm thấy ấm áp, tự hào".
"Tôi xung phong lên Đài tưởng niệm công tác, vì từ lâu đã rất ngưỡng mộ sự chiến đấu, hy sinh quên mình của thế hệ cha anh, của đồng đội đi trước"- Trung tá Đô bộc bạch.
Thương nhớ các Liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi
Hơn 3 năm nhận nhiệm vụ "canh giấc ngủ" cho các Anh hùng Liệt sĩ ở Pò Hèn, trung tá Đàm Quang Đô đã gặp rất nhiều gia đình, thân nhân của các Liệt sĩ nằm lại mảnh đất này đến thắp hương, tri ân với biết bao tâm trạng, cảm xúc không thể nói thành lời.
Cũng không biết bao lần, trung tá Đàm Quang Đô không cầm được nước mắt khi thắp hương, lau chùi những tấm bia có khắc tên các Liệt sĩ, bởi họ đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ mười tám, đôi mươi, khi bao ước mơ cuộc đời còn dang dở. Hoặc những tấm gương Anh hùng chiến đấu quả cảm, đánh địch đến hơi thở cuối cùng… như liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1961), hy sinh ngày 17/2/1979 lúc đó anh vừa tròn 18 tuổi; Hay Liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa, quê ở Hưng Yên, sinh năm 1947, đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Ba, Huân chương Quân công Hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 12/1979).
Trước khi hy sinh tại mảnh đất biên cương Pò Hèn, Liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong trận chiến ngày 17/2/1979, với vai trò là Trung úy, Phó đồn trưởng Đỗ Sỹ Họa đã chỉ huy anh em chiến đấu kiên cường. Mặc dù bị thương rất nặng, đồng chí vẫn đến từng vị trí động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, và đã anh dũng hy sinh. "Bản thân tôi tự thấy phải biến sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh thành hành động cụ thể. Tôi phải quyết tâm làm thật tốt mọi nhiệm vụ, để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới"- Trung tá Đô chia sẻ.
Ngày nào cũng từ tờ mờ sáng, trung tá Đàm Quang Đô đã thay nước các bình hoa, thắp hương, quét dọn, lau chùi các bia thờ, cắt tỉa cây cảnh ngoài sân. Những ngày tháng 7, các anh em, chiến sĩ ở Đồn biên phòng Pò Hèn lại lên hỗ trợ trung tá Đô tiếp đón khách, dọn dẹp vệ sinh. Cũng có lúc, chỉ mình anh Đô lặng lẽ với mọi công việc thường ngày ở Đài tưởng niệm. "Tôi làm nhiệm vụ ở đây, canh giấc ngủ cho các Anh hùng Liệt sĩ quen rồi, như người thân trong gia đình, như đồng chí, đồng đội gắn bó bên nhau mỗi ngày. Nhiều đêm mưa bão, tôi lại soi đèn pin để kiểm tra các bia, lư hương, tượng đài xem có nơi nào bị ảnh hưởng gì không, rồi mới yên lòng ngủ được"- Trung tá Đô kể.
Buổi tối, mỗi khi rảnh, từ đồng chí Đồn trưởng đến các cán bộ, chiến sĩ trong Đồn lại lên Đài tưởng niệm như một thói quen. Nơi tâm linh, nhờ bàn tay chăm sóc kỹ càng của trung tá Đô và các anh em Đồn biên phòng Pò Hèn, nên dẫu Đài tưởng niệm nằm giữa rừng sâu biên giới, nhưng luôn có không khí ấm áp, bình yên như ở nhà. "Buổi tối còn có các bà, các chị đi tập thể dục ghé qua ghế đá ở sân Đài tưởng niệm nghỉ chân, uống trà với bộ đội biên phòng. Đôi khi, bà con mang khoai lang đến luộc, nướng để cùng trò chuyện về cuộc sống, gia đình, thôn bản đổi thay..."- Trung tá Đô kể.
Thi thoảng được nghỉ phép về quê thăm vợ con, trong câu chuyện của mình, anh Đô thường kể cho các con nghe về lịch sử linh thiêng ở Pò Hèn, để vợ con và gia đình thấu hiểu và thêm tự hào với công việc thầm lặng của anh. "Với tôi, những ngày tháng được làm nhiệm vụ ở Đài tưởng niệm- Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn là niềm vinh dự lớn lao không gì so sánh được. Tôi tự hào khi được "canh giấc ngủ" cho các Anh hùng liệt sĩ - những người đã không tiếc tuổi Xuân, hy sinh để đổi lấy đất nước hòa bình hôm nay"- Trung tá Đàm Quang Đô xúc động nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn