Trao đổi xung quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết: "Hiện nay, Trung tâm đang triển khai tiêm chủng tại 11 phòng tiêm, trong đó trung tâm có 1 phòng tiêm, 10 trạm y tế mỗi trạm triển khai một phòng tiêm. Trung bình đối với phòng tiêm của Trung tâm, mỗi năm có khoảng 1.000 lượt người tiêm, còn đối với mỗi trạm thì mỗi năm cũng khoảng 400-500 lượt người tới tiêm".
PV: Những mũi tiêm cho trẻ đã được phổ biến rộng rãi. Với người lớn thì cần phải tiêm những loại vaccine nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang: Đối với người trong độ tuổi sinh đẻ thường tiêm vaccine ung thư cổ tử cung. Còn với người chuẩn bị sinh đẻ sẽ tiêm những vaccine như sởi, quai bị, rubella, đến khi mang thai thì cần tiêm vaccine phòng uốn ván. Ngoài ra còn nhiều vaccine khác cho người lớn, như phòng bệnh viêm phổi, viêm gan B, vaccine cúm…
Ở đây thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả những đối tượng tới tiêm sẽ được khám phân loại, tư vấn và theo dõi sau tiêm, hẹn các mũi nhắc lại với những loại vaccine phải nhắc lại.
PV: Xin bác sĩ cho biết, việc tiêm chủng với những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…thì thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang: Đối với những người mắc bệnh mạn tính, chúng tôi khuyến khích nên tiêm các loại vaccine để có miễn dịch chủ động phòng, chống dịch bệnh. Từng loại vaccine sẽ có loại chống chỉ định khác nhau, nhưng thông thường chỉ là các bệnh cấp tính, những bệnh thuộc về hệ miễn dịch, hoặc có ốm đau trong các thời điểm tiêm, sẽ phải trì hoãn lịch tiêm cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh. Các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp không phải chống chỉ định.
PV: Thực tế vẫn có một số người lo lắng về những phản ứng sau tiêm. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nào cho người dân trong trường hợp này?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang: Từ trước đến nay, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông có các bài truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, người đến tiêm được tư vấn rất kỹ. Tại phòng tiêm, chúng tôi tư vấn rất kỹ việc theo dõi phản ứng sau tiêm.
Có những mức độ người dân được xử lý ở nhà, có mức độ phải đưa đến trung tâm y tế hoặc điểm y tế gần nhất để được xử lý. Từ trước đến nay, đối với trung tâm y tế, chúng tôi từng ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng. Nhưng đây là những phản ứng hoàn toàn tự nhiên và an toàn với người được tiêm chủng.
Với những trường hợp nếu như có chống chỉ định đối với tiêm chủng thì bác sĩ tại điểm tiêm sẽ khám, tư vấn và có thể trì hoãn việc tiêm để điều trị các biểu hiện, triệu chứng rồi mới tiêm. Vậy nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về việc tiêm chủng.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn