Đi bơi hay tắm biển là một trong những hoạt động bổ ích cho trẻ, tuy nhiên khi trẻ tham gia bơi lội cần có sự quan sát cẩn thận từ bố mẹ, chỉ một giây phút sơ sẩy cũng sẽ đẩy con trẻ vào những tình huống nguy hiểm. Mới đây, chị Đặng Thị Huyền Trang (thường được gọi với tên Ngọc Lạc, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của bản thân khiến nhiều bố mẹ không khỏi hoảng sợ.
Cụ thể, trong chuyến du lịch mới đây của gia đình, con gái chị Trang là bé Bao Bao đã gặp phải sự cố mà theo bà mẹ trẻ, đó là khoảnh khắc sẽ ám ảnh chị cho đến cuối cuộc đời. May mắn là sức khỏe của bé Bao đã ổn định trở lại nhưng câu chuyện này sẽ trở thành bài học đắt giá cho tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ.
''Ám ảnh cả đời...
Cảm giác tồi tệ nhất trên đời là khi mình thấy con gái được vớt lên từ bể bơi, môi tái nhợt, mắt nhắm nghiền, người lả ra.
Mình hét lên hỏi chồng vì chú Hải và ba Bao ở gần Bao hơn mình: "BAO CÒN THỞ KHÔNG?".
Khi ba Bao trả lời: "Không thấy thở nữa!"- Nghe câu đó là mình cũng muốn ngừng tim luôn thời điểm đó rồi.
Trước giờ mình cứ nghĩ 30 giây - 1 phút chẳng là gì cả. Nhưng đối với con nhỏ ở dưới nước chỉ vài giây bất cẩn lơ là của người lớn sẽ phải trả cái giá quá đắt.
Chỉ chưa tới 1 phút không để ý đến con, đang bơi với em Mô, tự nhiên linh tính thế nào lại hốt hoảng hỏi "Bao Bao đâu?", nhìn quanh bể bơi chỉ thấy phao bơi và quả bóng của con mà không thấy con. Con đi bơi từ hồi bé xíu, được học bơi ở trường và rất thích bơi, mình luôn mang cho con chiếc phao bơi riêng vừa với con và để con tự bơi được. Bao có đến hơn chục cái phao - rất nhiều phao.
Nhưng chỉ không để ý chưa tới 1 phút, con mải chơi đuổi theo quả bóng bị trượt chân tuột phao, ngã xuống nước chới với.
Nghe chú Hải nói: "Bao đang lặn", mình hét lên: "BAO KHÔNG BIẾT LẶN!" - vì mình biết con rất ghét nước vào mặt. Lúc đó chú đã nhảy xuống bể bế con lên luôn. Chú bảo thấy con đang nằm ngửa bơi và há miệng nên người lớn tưởng con đang bơi, cho nên ranh giới giữa đuối nước và đang bơi trong bể bơi mong manh lắm.
Sau đó con kể, con ở trường được học bơi nên con nhớ thầy dạy con cách nổi lên để thở mẹ ạ...
May mắn của con khi ở bể bơi của resort có 2 cô khách đều là bác sĩ đang bơi ở đó, trong khi resort ở xa trung tâm và không thể đợi bác sĩ tới được.
Sơ cứu những giây phút đầu vô cùng quan trọng, mà những kiến thức sơ cứu mình học qua rồi đều mờ nhạt hết. Chỉ nhớ là phải cố gắng giữ bình tĩnh và nhanh chóng kiểm tra nhịp thở của con, bế vác con lên vai cho nước và đờm dãi chảy hết ra ngoài, cởi đồ bơi ướt và ủ ấm khăn cho con.
Thời khắc đó mình chỉ biết nói đi nói lại chỉ 2 câu: "Mẹ yêu Con" - "Mẹ xin lỗi con"...
Cô bác sĩ người Thụy Điển hướng dẫn đặt con nằm nghiêng xuống đất cho con thở đều, để khi nôn ra không bị hóc đường thở. Sau khi nhịp tim mạch đập con ổn hơn, có thể ra hiệu trả lời, gọi "Mẹ" và môi hồng hào hơn..., cô giúp mẹ đưa con về phòng nằm nghỉ ngơi thay đồ và đưa xuống bệnh viện trung tâm kiểm tra lại.
Giây phút cô bác sĩ nói với mình "Con đã ổn rồi", là bao nhiêu sức lực lúc đón con từ bể bơi lên tới khi con hồng hào trở lại đã mất sạch, chân tay run rẩy ngã xuống ngay tại chỗ, nước mắt chảy không ngừng. Bản thân tự trách mình vô cùng vì đã không bảo vệ được con, không để mắt đến con... Thật sự con có làm sao thì mình cũng sẽ tự chọn điều tiêu cực nhất mặc kệ hậu quả thế nào...
Con gái đến bệnh viện được làm mọi thủ tục để kiểm tra oxy trong máu, chụp phổi... kết quả đều ổn. Nhưng cả tối con không ăn uống được gì, mẹ giúp con nôn thêm ra nhiều nước, bụng sạch rỗng và mệt lả. Con uống chút nước gạo rang rồi ngủ tới gần sáng là bắt đầu đói bụng muốn ăn.
Cả đêm đó ba mẹ, dì Hằng đều lo cho con, cầu cho sáng mai con lại là cô bé thông minh, nhõng nhẽo, ồn ào, hiểu chuyện của mọi ngày.
Cả đêm, mẹ chỉ biết niệm Phật để tạ ơn con đã được bình an. Đến sáng đã thấy con gái nằm ôm em MôBi, cho em gối lên tay và hai chị em ôm nhau say sưa ngủ. Cô con gái ngọt ngào của mẹ tỉnh ngủ là nhanh nhẹn dậy đi ăn sáng, tự làm vệ sinh cá nhân, tự thay đồ, chơi đồ chơi tối qua mẹ mua cho em mà em mệt quá không chơi được''.
Hiện tại, cô bé Bao Bao đã khỏe mạnh trở lại, thế nhưng chị Trang vẫn không thế nào quên khoảnh khắc khủng khiếp đó. Chia sẻ thêm về con gái, bà mẹ trẻ tâm sự: ''Mình đã ước bản thân trong quá khứ ghi nhớ những kiến thức sơ cứu vô cùng quan trọng, để có bất kì sơ suất nào không may xảy ra cũng đừng hoảng loạn mà bình tĩnh làm tốt nhất có thể. Vì nhà có trẻ nhỏ như hoa như hương, nâng niu cẩn thận vô cùng không thể rời mắt lơ là được.
Cả đời này mẹ sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc kinh hoàng khi con được vớt lên từ dưới nước, mắt nhắm nghiền và da dẻ, môi tái nhợt như thế nào. Nó ám ảnh đến mức cả đêm đó khi con về phòng rồi mẹ vẫn sợ đến mức vài chục phút lại kiểm tra hơi thở của con, nhịp tim của con. Ám ảnh đến mức không dám ngủ, tự trách bản thân đến mức buốt hết cả đầu, phải niệm Phật để tâm an tĩnh lại.
Công chúa nhỏ có chút phiền hà khi nói quá nhiều, nhưng khi con bất tỉnh nằm mềm oặt ra còn đáng sợ hơn ngàn vạn lần. Đây là bài học mà mẹ không bao giờ quên được. Yêu em thương em. Yêu em bằng tất cả trái tim này''.
Bà mẹ trẻ rất mong rằng câu chuyện của chị sẽ giúp các ba mẹ lưu tâm hơn đến con vì những chuyện ngoài ý muốn xảy ra nhanh vô cùng. Và dưới đây là 4 điều mà ba mẹ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP QUÊN khi đưa con đi bơi mà chị Trang đã rút ra.
1. Không dùng điện thoại khi trông con.
2. Ba mẹ phải tự để mắt đến con, không tin tưởng hay ỷ lại vào bất kì ai khác: Vì khoảng cách giữa việc con đang bơi - lặn và đuối nước mong manh lắm. Nên tuyệt đối không thể chủ quan!
3. Con biết bơi, con có phao, vẫn phải để mắt tới con: Sự cố ở hồ bơi, ao hồ, sông suối không ai nói trước được điều gì. Chuột rút, phao xịt, tuột phao, trượt chân... ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra?
4. Học sơ cứu để có thể giúp con ngay khi gặp sự cố: Sơ cứu đuối nước, sơ cứu điện giật, sơ cứu ngã cầu thang, sơ cứu chảy máu, sơ cứu động vật cắn... ba mẹ rất nên học qua. Lúc con gặp sự cố thế này tuyệt đối bình tĩnh nhớ lại hết xem cần làm gì để giúp con vì thời khắc quan trọng nhất rất ngắn ngủi.
Không phải lúc nào cũng may mắn gặp được bác sĩ, gọi được bác sĩ tại thời điểm cần thiết. Trộm vía Bao quá may mắn khi ngã nước mà gặp đến 2 cô bác sĩ đang ở ngay tại bể bơi.
Dưới đây là kinh nghiệm cá nhân và trong trường hợp của bé Bao nhà chị Trang đã được xử lý như vậy. Các ba mẹ nên tham khảo thêm các nguồn khác để có thêm kinh nghiệm nhé!
- Đưa con ra khỏi nước ngay khi thấy dấu hiệu lạ: Chới với, hoảng sợ, lặn dưới nước lâu bất thường...
- Kêu cứu - xin trợ giúp từ những người xung quanh. Sự giúp đỡ của những người xung quanh vô cùng quan trọng, khi trong số họ có những người có khả năng sơ cứu hoặc là bác sĩ - hoặc gọi cấp cứu...
- Đặt con nằm nghiêng xuống sàn (có lót khăn) và kiểm tra hơi thở, nhịp tim của con. Nếu không có dấu hiệu thở hay có nhịp tim thì cần nhanh chóng thực hiện ép tim - hô hấp nhân tạo cho con.
- Trường hợp con ọc nước ra ngoài, có biểu hiện thở thì cần bế xốc con lên vai hoặc bế con theo chiều nằm ngang - vỗ lưng con xuống để con ọc hết nước và đờm dãi ra ngoài (không quá 1 phút).
- Tiếp tục đặt con nằm nghiêng xuống đất để con có nôn thì không bị ngạt đường thở (lót khăn hay quần áo cho con đỡ lạnh)...
- Kiểm tra con có hơi thở hay nhịp tim không? Liên tục gọi tên con, hỏi con những câu hỏi để con phải trả lời: "Con có nghe thấy Mẹ nói gì không?"; "Con có lạnh không?"; "Con gọi Mẹ đi...".
- Móc đờm dãi trong họng con nếu có, giúp con nôn ra ngoài.
- Cởi quần áo ướt cho con và ủ ấm cho con vì con sẽ rất lạnh.
- Cho con nằm nghỉ ngơi 1 lúc, khi thấy con ổn hơn như sắc mặt hồng hào - đồng tử mắt linh hoạt và xe cấp cứu vừa đến thì đưa con đi bệnh viện làm các xét nghiệm kiểm tra luôn.
- Không cho con ăn uống sau 2 tiếng đuối nước.
- Nếu con không ăn uống được vì yếu, ba mẹ rang gạo và thêm nước sôi cho thêm vài hạt muối đun lên cho con uống nước cho hồi sức. Ăn nhẹ nhàng để con quen dạ.
- Con sẽ bị lạnh nên ủ ấm cho con, sấy tóc che đầu cẩn thận vì con yếu người dễ bị gió vào.
Với trường hợp ngưng tim ngưng thở ba mẹ hãy xem thêm các cách giúp con thổi ngạt - ép tim. Nhưng mình ngàn vạn lần mong các con không cần đến bước này...
''Và cuối cùng là linh cảm của người mẹ thường rất đúng'', chị Trang trải lòng sau sự cố của con gái.
Ảnh: NVCC
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn