Chị Phương từng nghĩ, với khuôn mặt sáng láng cộng với tính ham học, tiếp thu nhanh, con trai chị sẽ là niềm mơ ước của các bà mẹ. Thế nhưng, thời gian gần đây, con trai chị bị phản ánh rất nhiều khiến chị khá lo lắng. Nhiều người lớn than phiền rằng cu cậu ngang bướng, nói không nghe lời, luôn chống đối, thách thức người lớn khiến họ phát cáu, phát ghét.
Trong khi đó, chơi với bạn bè, con cũng không biết nhường nhịn, thích trêu bạn đến khóc. Thế nên, các bạn thường rủ nhau tẩy chay, không chơi với con. Nhìn con lủi thủi, mếu máo vì không có ai chơi, chị Phương rất xót xa. Quan sát con, chị thấy con không bao giờ nghe lời người khác mà chỉ nghe lời bố và mẹ. Chị hiểu, nếu không thay đổi tính cách ương ngạnh của con, sau này con sẽ gặp nhiều bất lợi khi ra ngoài xã hội.
Mỗi lần con cãi người lớn với thái độ câng câng, đặt ở địa vị người khác, chị cũng cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, thay vì quát mắng, ra lệnh con không được làm thế, chị kiên nhẫn nói chuyện với con về cảm xúc của người lớn khi con có thái độ không đúng đó. Chị cũng phân tích cho con, ngoài bố mẹ, con vẫn phải nghe lời người thân của mình khi những yêu cầu đó là đúng đắn.
Bên cạnh đó, để con không cảm thấy chán nản khi tất cả mọi người “quay lưng” với mình, chị vẫn động viên và khen ngợi con khi con làm việc tốt - dù đó là việc nhỏ. Những việc con làm sai, những việc con cãi lại người lớn, chị không gay gắt mà từ từ phân tích để con hiểu. Chị chia sẻ với con để con hiểu rằng việc người thân làm là muốn tốt cho con và con cần phải tôn trọng ý kiến của người lớn.
Khi con chơi với bạn bè, nhìn thấy con bị tẩy chay, chị rất xót xa. Thế nhưng, chị không “nhảy vào” bênh vực con. Ngược lại, chị để con khóc lóc thổn thức vì bị tẩy chay vài lần thì mới “can thiệp”. Rằng, nếu con ích kỷ, ngang bướng, không chịu nhường nhịn bạn bè thì không ai muốn chơi với con, như vậy con sẽ chịu thiệt thòi. Đây là bài học để con phải thay đổi thái độ khi muốn có bạn chơi cùng.
Với người thân của mình, chị cũng đề nghị đối xử với con mềm mại hơn chứ không nên cứng nhắc quá. Bởi cứng nhắc sẽ đối đầu với ngang bướng và đứa trẻ như con chị sẽ không bao giờ tuân theo sự cứng nhắc đó.
Đặc biệt, trước đây chị dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của con thì giờ chị học cách phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con. Chị hiểu, chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến con trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Từ đó, con sẽ hình thành thói quen “yêu cầu gì là được ngay” và phản ứng tức giận, la hét khi không được đáp ứng. Thế nên, bỏ qua những nhu cầu bất hợp lý của con là chiến lược hữu ích để con “biết thân biết phận” và phải thay đổi.