Cơn bão số 3 vào đêm 7/9/2024 vừa đã quét đi toàn bộ công lao của chị Lượng (thôn Hổ Lao, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) sau nhiều năm tần tảo nắng mưa. 7.000 gốc đu đủ, 300 gốc tre, 500 gốc chanh và toàn bộ hoa màu trong vườn do bàn tay chị gây dựng giờ chỉ còn bùn và đất đá.
"Tôi có 2 ha vườn với hàng chục loại cây ăn quả và 2 ha vườn đi thuê nhà khác cũng bị bão lấy đi hết. Thế là bao nhiêu công lao vốn liếng giờ trắng tay. Tôi rất đau lòng dù biết rằng cơn bão số 3 đã cuốn đi bao nhiêu ngôi nhà và nhiều gia đình không còn người thân. Tuy tôi còn lại nhà nhưng vốn liếng đã mất hết ở tuổi đã xế chiều, sức khỏe có hạn. Nhìn khu vườn tan hoang tôi thực sự không biết sẽ bắt đầu từ đâu để tái tạo sản xuất theo đuổi ước mơ và đam mê của mình", chị Lượng khóc nấc khi chia sẻ.
Năm nay chị Lượng đã 57 tuổi và có 23 năm làm mẹ đơn thân tần tảo nuôi 3 con khôn lớn. Năm 2001, chồng mất, chị trở thành người mẹ đơn thân "gánh" trên vai 3 con thơ dại. Suốt một thời tuổi trẻ, chị Lượng đã mưu sinh, chăm chồng ốm, nuôi con nhỏ.
Khó có thể diễn tả được những lận đận mà chị Lượng đã trải qua trong suốt chặng đường ấy. Không chỉ thiếu thốn về kinh tế, chị còn phải đóng 2 vai, vừa làm cha, vừa làm mẹ để chăm sóc các con. Cảm giác khi chỉ còn một mình của chị là "bơ vơ không biết bắt đầu từ đâu", để giảm được gánh nặng nuôi con trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn.
Vật lộn mưu sinh bán từ vài cân hoa quả đến ít củi của nhà nhưng chị vẫn ao ước được làm giàu. Do học thức có hạn, bằng cấp cũng không có nên chị chẳng biết trông đợi vào đâu ngoài gánh hàng rong đi khắp nơi. Cái khó cứ quẩn quanh đeo bám mãi không thôi.
Rồi chị nghĩ, mình cứ đi làm khắp nơi mà mảnh vườn của nhà thì lại bỏ hoang hóa với vài cây nhãn không cho thu nhập. Trong đó, có 80 gốc nhãn khi xưa hai vợ chồng chăm bón giờ vườn đã pha tạp không còn phù hợp để nhãn cho năng suất. Thời gian đó, chị thấy nhiều người bắt đầu canh tác cây ăn quả với kỹ thuật công nghệ mới cho năng suất cao, chị mạnh dạn đề nghị Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay vốn chính sách.
Với số vốn vay, chị đã tự chăm sóc khu vườn, trồng cây ăn quả, một mình vật lộn với nắng mưa để chờ đợi đơm hoa kết trái. Niềm vui đến với chị khi mô hình cây ăn quả cho thu hoạch mỗi năm vài chục tấn. Chị hạnh phúc bởi quá nửa đời dãi nắng dầm sương cũng đã đến lúc "đổi đời".
Chị chia sẻ, làm vườn là đam mê của chị, với bao nỗ lực và cố gắng từ hai bàn tay trắng, chị đã tạo dựng được 2 ha vườn trồng cây ăn trái như nhãn, bưởi, chanh, tre và các loại hoa màu. Gần đây, xét thấy thị trường cây đu đủ cho năng suất cao, giá cả ổn định chị đã đầu tư trồng 7.000 gốc.
Thời điểm trước bão, đu đủ đã bắt đầu cho thu hoạch với 50-60 kg quả/cây, dự tính sẽ đạt trên 200 tấn năm nay. Cùng với đó là 1.500 gốc chanh đang phát triển, 4.000 gốc tre lấy măng năm sau sẽ thu hoạch và các loại hoa màu đang xanh tốt. Xung quanh vườn chị đã xây bờ vững trãi, tưởng rằng ông trời sẽ thương, giúp mẹ con chị vượt qua cơn bão.
Nào ngờ đâu, chỉ sao một đêm, nơi chị gọi là "lương hưu tuổi xế chiều" cùng công sức của chị đã tan tành mây khói. Năm nay chị còn dự định xây cái này, sửa cái kia, rồi mang một chút thành quả tặng những người nghèo, mang chút cây giống cho bà con cùng xã để xóa nghèo, làm giàu… còn biết bao dự định khác. Vậy là bây giờ đã chẳng còn gì.
Ở tuổi gần 60, cái khó khăn, cái nắng gió, cái tảo tần đã tạc lên da thịt chị, và rồi ai cũng nghĩ chị sẽ được an nhàn, nghỉ ngơi. Thế nhưng lúc này đây, ý nghĩ quay lại gánh hàng rong từ năm 30 tuổi khiến chị rùng mình. Các con chị chỉ biết động viên chị làm lại từ đầu, còn người còn của.
"Mấy ngày qua, tôi được Hội LHPN địa phương và cơ quan chính quyền động viên và chia sẻ. Tôi hy vọng mình còn đủ sức khỏe để trồng lại những cây mới, đủ dũng cảm để đối mặt với mất mát", chị Lượng chia sẻ.
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại nặng nề. Nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả... bị gãy, đổ, ngập úng, nhiều nông dân mất trắng sau bão lũ. Toàn tỉnh có nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, ách tắc, hư hại. Nhiều khu dân cư bị ngập lụt chia cắt, cô lập; một số tuyến đê bối, đê bao, bờ vùng trên địa bàn tỉnh bị tràn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn