Người mẹ đơn thân "ngủ" ở nghĩa trang Hòa Bình để kiếm tiền nuôi con

17:24 | 08/03/2023;
“Khu nghĩa trang ở đây sạch, đẹp và khang trang quá” - Đây là những câu nói của không biết bao nhiêu người khi đến khu nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn, Hoà Bình. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau các ngôi mộ luôn được giữ gìn sạch sẽ là công sức của chị My - người phụ nữ bảo vệ nơi đây.

10 năm bảo vệ "nơi ở của người âm"

Chị Trần Thị My (45 tuổi, ở Hòa Bình) hàng ngày làm việc ở nghĩa trangc. Công việc chính của chị là bảo vệ ca đêm (17h30 chiều ngày hôm trước đến 6h30 sáng hôm sau). Bên cạnh đó, chị còn nhận làm thêm các dịch vụ mộ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Dáng người nhỏ nhắn, có phần gầy guộc, không ai nghĩ người phụ nữ này có thể là bảo vệ của một nghĩa trang rộng lớn. Tuy nhiên, chị My đã làm công việc này được gần 10 năm. Dù nửa đêm, mưa bão hay gió lạnh, chị My vẫn một mình đi xe đi hơn 3km vào khuôn viên nghĩa trang để đi tuần hoặc chuẩn bị công tác hậu cần nếu có lịch đón mộ.

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 1.

Chị Trần Thị My - người mẹ 10 năm làm bảo vệ tại nghĩa trang.

Thấy chúng tôi, chị My cởi mở: "Các chú vào đây thăm mộ à, có nhớ vị trí không để tôi dẫn đường, ở đây tôi thuộc như lòng bàn tay rồi."

Hôm nay, chị My nhận một phần mộ mới đưa vào nghĩa trang. Mỗi khi có người mất đưa vào, chị My lại bàn giao công việc cho người làm cùng rồi một tay cầm khăn lau, một tay xách theo xô nước và cây chổi ra phần mộ đã được định sẵn lom khom lau dọn từng ngôi mộ thật tỉ mỉ.

"Trước đây, khi nghĩ đến công việc trong khuôn viên nghĩa trang, ai nấy cũng sẽ nghĩ ngay đến những người lớn tuổi hay nam giới. Bởi chỉ họ mới đủ bản lĩnh "sống chung cùng người âm".

Lúc đầu nhận làm công việc này, tôi cũng e ngại bởi vừa làm ở nơi hẻo lánh, nhiều âm khí nhưng làm mãi rồi cũng quen. Biết làm thêm công việc thì có thêm thu nhập nhưng không nhiều người dám gắn bó với công việc này.

Có người xin vào làm ca đêm được mấy hôm thì sợ phải bỏ việc. Có người đi làm vẫn mang theo tỏi đấy. Nhiều lúc tôi nghĩ bụng, bảo may các cụ thương nên giữ lại đến giờ", chị My cười, nói.

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 3.

Chị My chia sẻ: "Ngày nào nhiều ca mình chỉ ngủ có 4-5 tiếng. Vất vả nhưng so với công việc tay chân khác như đi phụ hồ thì làm việc tâm linh này mình thấy phù hợp, chỉ hơi tốn thời gian"

Nữ bảo vệ chia sẻ: "Tôi làm ở đây ngót cũng gần chục năm rồi. Mới đầu về đây làm, tôi cũng thấy sợ, nhưng sau này công việc này như một phần cuộc sống của tôi. Công việc chính của tôi là làm bảo vệ ca đêm, còn công việc "nhân viên lễ tân cho các ngôi mộ" này đến với tôi như một cái duyên..

Thường khi có người mất an táng tại đây, nhận được thông tin là tôi ra mộ sớm hơn 1 tiếng để lau dọn bàn ghế, dọn khuôn viên phần mộ đó cho sạch sẽ. Ca nào cũng thế, tôi là người đến sớm nhất và ra về sau cùng khi việc an táng hoàn tất".

Theo chị My, người Việt có quan niệm "trần sao, âm vậy" khi sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia, ai cũng mong được an táng ở nơi tương tự. Bởi vậy, khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm tròn đạo hiếu.

"Nhiều đêm mưa rét, một mình mặc áo mưa vẫn lọ mọ giữa các hàng mộ 4-5 tiếng, có ngày tới 3 phần mộ đưa vào, một mình làm hết... những người quen biết của tôi đều phục đấy.

Làm ở đây chỉ thương các con vì mẹ ít có thời gian ở bên. Con út nhà tôi ngày bé đòi mẹ suốt, may đến giờ lớn hơn, đi học rồi nên cũng hiểu cho công việc của mẹ, nhờ đó mà mình mới có thể gắn bó với công việc này cho đến hiện tại"

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 4.

Là phụ nữ, tuy nhiên chị My luôn là người đến sớm nhất và ra về sau cùng.

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 5.

Một buổi trực đêm của người phụ nữ đã ngoài 40.

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 6.

Khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm trọn đạo hiếu.

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 8.

Giây phút giải lao hiếm hoi của nữ bảo vệ nghĩa trang.

Gia đình phản đối công việc, hôn nhân đổ vỡ, một mình gồng gánh nuôi 2 con

Chị My tâm sự, chị và chồng kết hôn sinh được hai cô con gái. Hiện con gái lớn đã lập gia đình, có cuộc sống riêng; cô con gái nhỏ năm nay đã 12 tuổi. Từ 5 năm nay, một mình chị gồng gánh nuôi 2 cô con gái vì hôn nhân sứt mẻ.

Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn, khi con gái út tròn 3 tuổi cũng là lúc chị My xin vào làm công việc ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Lúc này chồng và gia đình phản đối nhưng chị My vẫn nhất quyết bám trụ.

"Tôi đi làm nhiều khi cả một ngày, nên không thể ở nhà chăm lo cho các con, gia đình nhất quyết phản đối, thêm nhiều mâu thuẫn khác, kéo theo tình cảm vợ chồng rạn vỡ.

Nhưng nếu không làm thì tiền đâu để lo cho gia đình, con cái… Chồng tôi thì bệnh tật không làm được gì, bản thân tôi lại không được học hành đến nơi đến chốn, rất khó xin việc. Khi làm việc tại đây tôi có nguồn thu nhập ổn định, có thể lo được cho các con nên tôi mới chọn công việc này.

Sau nhiều lần mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung, tôi xin phép gia đình chồng đưa hai con về ngoại ở. Vợ chồng tôi đã ly thân được 5 năm, một mình tôi nuôi hai con", chị My bật khóc nói.

Người phụ nữ 10 năm làm công việc bảo vệ “nơi ở của người âm” - Ảnh 9.

Chị My bật khóc khi nhớ về quãng thời gian khó khăn của cuộc đời,

Sau khi ly thân, bản thân như rơi vào "hố đen", buồn chán, tủi phận nhưng chị My vẫn gắng gượng làm lụng, trở thành là chỗ dựa vững chắc cho hai con.

"Nhiều đêm đi làm con nhỏ gọi điện thoại, khóc bảo "mẹ ơi về với con" mà lòng tôi như đứt cắt. Nghe giọng con, tôi chỉ muốn từ bỏ công việc ngay, chạy thật nhanh về ôm con ngủ. Thế nhưng, nghĩ về đồng tiền trang trải cuộc sống, tôi lại động viên con rồi nén nỗi đau, gạt vội những giọt nước mắt để tiếp tục công việc. 

Nhiều khi thấy hoàn cảnh của mình, đồng nghiệp đều an ủi và giúp đỡ rất nhiều, vì vậy tôi có thêm thời gian cũng như động lực lo cho con cái." chị My kể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn