TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm liên quan đến vụ án hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là chị N.T.H. (34 tuổi, trú tại Hà Nội) và bị đơn là anh T.Q.T. (34 tuổi, trú tại Hà Nội).
Theo đó, HĐXX TAND TP Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo xin được trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn của anh T.Q.T. HĐXX đánh giá, về điều kiện nuôi con cũng như thu nhập, nhà ở, văn hóa, đạo đức, sự quý mến con chung, cách ứng xử, trình bày cũng như việc đưa ra tài liệu chứng minh, HĐXX nhận thấy cả anh T. và chị H. đều đủ điều kiện để nuôi dưỡng con chung sau ly hôn.
Đến thời điểm hiện tại, con chung của chị H. và anh T. đã trên 42 tháng tuổi, cháu bé ở trực tiếp với anh T. từ thời điểm 13 tháng tuổi tới nay. Trong quãng thời gian trên, HĐXX đánh giá anh T. đã chăm lo sức khỏe, học tập tốt cho cháu bé (điều này đã được các đương sự có mặt tại phiên xử ngày 19/6 xác nhận).
HĐXX cho rằng, mặc dù chị H. không thoái thác việc nuôi con chung nhưng thời điểm hiện tại, cháu bé đã quen với môi trường sống và được anh T. chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nên khi giao cháu bé cho chị H. nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu bé. Từ những lý do trên, HĐXX cho rằng kháng cáo xin được trực tiếp nuôi dưỡng con chung sau ly hôn của anh T. được chấp nhận.
Do anh T. có yêu cầu được trực tiếp nuôi con và không cần chị H. cấp dưỡng nên HĐXX tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với chị H. cho đến khi anh T. có yêu cầu hoặc có sự thay đổi khác. Mặt khác, chị H. được tuyên có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, thăm non con chung mà không ai được quyền cản trở. Tòa yêu cầu anh T. và người thân không được phép cản trở mà phải tạo điều kiện để chị H. thăm nom, chăm sóc con theo quy định của pháp luật.
Trước phán quyết của phía tòa phúc thẩm, chị H. cho biết bản thân chị và người thân cảm thấy bức xúc và bất lực. Đồng thời, chị H. cũng đặt là nhiều câu hỏi liên quan đến việc một vụ án hôn nhân gia đình đơn thuần nhưng lại bị câu kéo trong một thời gian quá dài. Người mẹ trẻ chia sẻ rằng, liệu có sự tác động nào để cơ quan xét xử và thi hành án kéo dài vụ án từ khi con chị hơn 1 tuổi cho đến tận khi cháu bé hơn 3 tuổi?
"Nếu tòa án thụ lý và giải quyết vụ án từ thời điểm đầu năm 2021 thì mẹ con tôi đã được đoàn tụ chứ không phải lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như bây giờ. Tuy nhiên, trong thời gian hơn 2 năm phiên tòa nhiều lần bị hoãn và hòa giải (mặc dù chị H. đã có đề nghị không hòa giải).
Về điều kiện, đạo đức, lối sống, sự quý trọng của cháu bé, tôi và chồng cũ đều có đủ yêu cầu đề nuôi dưỡng cháu bé. Nhưng thời điểm năm 2021, khi ấy con tôi dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định nếu phiên tòa được mở, tôi sẽ được quyền nuôi con. Tuy nhiên, tính đến thời điểm phiên phúc thẩm được mở, con tôi đã hơn 42 tháng tuổi, lúc này mọi việc đã diễn biến khác", chị H. chia sẻ.
Theo phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm, việc giao cháu bé cho anh T. nuôi dưỡng, chăm sóc, một nguyên nhân quan trọng là vì "thời điểm hiện tại, cháu bé đã quen với môi trường sống và được anh T. chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nên khi giao cháu bé cho chị H. nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu bé".
Về điều này, chị H. cho biết đó là sự bất công rất lớn đối với chị. Cụ thể, theo chị H., tháng 10/2022, TAND quận Hai Bà Trưng đã mở phiên sơ thẩm giải quyết vụ án (thời điểm này, cháu bé dưới 36 tháng tuổi). Tại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên trao cháu bé cho chị H. trực tiếp nuôi dưỡng. Anh T. có quyền và nghĩa vụ thăm nom con.
Tuy nhiên, sau phiên tòa, chị H. cho biết chồng cũ đã không chấp hành bản án tòa sơ thẩm tuyên mà liên tục có hành động trì hoãn, ngăn cản việc chị H. đón con. "Nếu thời điểm đó, anh T. chấp hành nghiêm bản án của tòa sơ thẩm thì cháu đã về sinh sống cùng tôi. Thời gian từ đó đến nay, cháu sẽ quen với môi trường sống và sẽ không bị xáo trộn tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển như tòa phúc thẩm lo lắng", chị H. cho biết.
Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào sáng ngày 19/6 mới đây, anh T. cho biết bản thân không có hành động ngăn cản việc vợ cũ đón con nhưng trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, một cán bộ Hội LHPN phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho biết bản thân chị đã 2 lần chứng kiến những hành vi cản trở việc chị H. và con trai gặp nhau.
Là một người theo dõi những diễn biến của vụ án trên, Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá việc HĐXX TAND TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh T. trong việc giành quyền nuôi con là không có căn cứ, cơ sở.
Luật sư An lý giải, trong vụ án này, chị H. là người được tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận trao quyền nuôi con. Điều này đồng nghĩa với việc xét về kinh tế, môi trường sống, quá trình chăm sóc… thì chị H. đáp ứng đủ những điều kiện trên để giành được quyền nuôi con.
Mặt khác, trong vụ án này, khi tòa án cấp sơ thẩm thụ lý thì cháu bé dưới 36 tháng tuổi. Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 thì cháu bé phải được giao cho chị H. nuôi.
"Khi lên đến cấp phúc thẩm, mặc dù cháu bé đã hơn 36 tháng tuổi nhưng xét về thời điểm thụ lý vụ án (khi đó cháu bé dưới 36 tháng tuổi) nên theo quy định của luật thì cháu bé phải được giao cho chị H. nuôi", Luật sư An phân tích.
Bên cạnh đó, Luật sư An cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm, vị đại diện Viện KSND TP Hà Nội cũng không chấp nhận việc kháng cáo của anh T. vì anh này đã vi phạm nghiêm trọng quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trong khi cả hai người vẫn chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án.
"Cụ thể, đó là việc anh T. đã ngăn cản quá trình thăm nom, chăm sóc con chung của chị H. Chứng cứ này đã được thể hiện ở việc các cấp Hội đã có công văn, văn bản để yêu cầu tòa án xem xét, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị H. trong vụ án này. Chính vì vậy, tôi thấy rằng bản án tòa cấp phúc thẩm đưa ra không khách quan và không đảm bảo quyền lợi cho người mẹ là chị H.", Luật sư An cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn