Người mẹ kế yêu thương tôi vô bờ bến

13:17 | 20/04/2019;
Nếu như có ai đó hỏi tôi rằng, ai là người yêu thương tôi nhất, yêu vô điều kiện thì chắc chắn câu trả lời của tôi là: Mẹ kế.
Vì sự ra đời của tôi chính là nguyên nhân khiến mẹ tôi phải ra đi. Khi đó, y học chưa phát triển như bây giờ, vì khó sinh nên mẹ mất nhiều máu, rồi mẹ mãi mãi rời xa trần gian này. Tôi chưa bao giờ được gọi tiếng mẹ, chỉ được nhìn mẹ qua những bức ảnh và qua những câu chuyện của bà ngoại. 
 
Bố luôn cho rằng tôi chính là “khắc tinh” của mẹ, nên từ nhỏ, bố luôn đối xử lạnh nhạt với tôi. Khi tôi được một tuổi, bố lấy vợ hai. Người ta vẫn thường nói, đứa trẻ không có mẹ thật bất hạnh, “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá nằm”, rồi thì mẹ kế luôn cay độc, ác nghiệt… Nhưng trong ký ức của tôi, mẹ kế lại luôn đối xử với tôi rất tốt, tốt hơn cả bố đối với tôi.
jzt1543015741.jpg
Tôi được mẹ kế chăm sóc và yêu thương như con ruột - Ảnh minh họa

 

Mẹ kế và bố sinh được một em trai, nhỏ hơn tôi 3 tuổi. Tuy nhiên, dường như mẹ đối xử với tôi còn tốt hơn với em. Vì em hay bị mẹ quát mắng, còn tôi thì không, cho dù tôi có làm sai bất kỳ chuyện gì.
 
Có khi tôi bị bố đánh, mắng, mẹ kế thường can ngăn, che cho tôi khỏi bị đòn. Tôi muốn ăn gì, mặc gì, nếu trong khả năng, mẹ kế đều đáp ứng tôi. Mẹ kế chưa bao giờ đánh tôi một lần, chưa bao giờ nói nặng, mắng mỏ tôi lấy một lời. Tôi luôn coi mẹ như mẹ đẻ của mình. Mà sự thực cũng là như vậy, vì mãi cho đến khi tôi học cấp hai mới biết mẹ không phải là người sinh ra tôi. Một lần, tôi nghe mẹ nói chuyện với em trai: “Anh Nam – tên tôi – từ nhỏ đã rất thiệt thòi vì mẹ anh ấy mất khi sinh ra anh. Anh chưa bao giờ được gặp mẹ, được mẹ chăm sóc. Con may mắn hơn anh, vì vậy, con đừng bì tị với anh, phải biết yêu anh rõ chưa?”. Em tôi gật gật đầu.
 
Tôi còn nhớ, khi tôi học lớp 3, buổi chiều tan học, tôi cùng mấy người bạn đi chơi, ham vui đến tận khi trời tối sẩm mới chịu về nhà. Bố tôi nổi trận lôi đình, mắng tôi hại ông đi tìm khắp nơi không thấy, định đánh tôi thì mẹ kế từ trong bếp chạy tới ngăn bố lại, chứ nếu không, chắc chắn tôi sẽ bị một trận thừa sống thiếu chết.
 
Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên được, đó chính là năm tôi 22 tuổi, mới đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bị tai nạn, mà bố tôi lại đi công tác không thể về được. Trong suốt cả tháng trời nằm viện, mẹ tôi đã nghỉ làm, xoay xở đủ cách. Tôi rớt nước mắt, mang ơn người mẹ không cùng chung huyết thống. Nằm viện, người chăm sóc tôi là mẹ, người dìu tôi tập đi là mẹ, người thức đêm bóp tay, bóp chân xoa dịu những cơn đau cho tôi cũng là mẹ. Từ giây phút đó, tôi đã tự hứa sẽ phụng dưỡng mẹ thật tốt.
 
Ngày tôi lấy vợ, mẹ cũng là người đứng ra lo liệu đám cưới cho tôi. Mẹ nắm lấy tay tôi và vợ tôi rưng rưng: “Vậy là mẹ đã có thể lo được đại sự cho con rồi. Mẹ mong hai con sẽ mãi yêu thương nhau và sống hạnh phúc. Mẹ tin rằng, đó không chỉ là mong muốn của mẹ, mà còn là mong muốn của mẹ con ở nơi xa xôi nữa”.
 
Tôi cũng không cầm được nước mắt. Mẹ kế, dù không sinh ra tôi, nhưng giờ chảy trong tim tôi là dòng máu của mẹ. Mẹ đã yêu thương tôi như khúc ruột của mẹ. Vậy cớ gì, tôi lại không thể coi mẹ như mẹ đẻ? Tôi cảm thấy mình may mắn vì được là con của mẹ và luôn hạnh phúc về điều đó.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn