Những bậc phụ huynh trong xã hội hiện đại đều thừa nhận rằng đòn roi không phải là một phương pháp giáo dục con đúng đắn. Lý do là bởi điều đó xảy ra khi bố mẹ cảm thấy ''bất lực'', không có đủ khả năng nói con cái nên lấy quyền người lớn ra để trừng trị con. Sau mỗi lần như vậy, trẻ tuyệt nhiên không thấy sợ, điều con cảm thấy là ghét chiếc roi và cả chính người đã đánh con. Vậy phải làm thế nào để có thể trở thành một người mẹ vừa dịu dàng, kiên nhẫn nhưng thông minh, tinh tế, hãy thử xem bạn đã làm những điều này chưa nhé?
Giao tiếp cần có hai chiều, nếu bạn muốn con bạn lắng nghe bạn, bạn phải sẵn sàng lắng nghe trước. Khi con khăng khăng làm hoặc không làm gì đó, hãy lắng nghe con và nói chuyện cởi mở về các vấn đề con đang thắc mắc. Nhiều bà mẹ có xu hướng nghe thấy ở đâu đó một thông tin đã vội khẳng định người làm sai chỉ có con mình. Sau đó không cho chúng cơ hội giải thích mà cứ thế quát mắng. Đây là cách giáo dục sai lầm mà một người mẹ thông thái không bao giờ làm.
Hãy cho con một cơ hội được bày tỏ lý do hành động của con, biết đâu sau khi nghe con nói, bạn sẽ phải lập tức thay đổi suy nghĩ của mình. Đôi khi động cơ của trẻ không xấu, chỉ là con chưa biết cách thể hiện nó. Đây chính là lúc bé cần nhận sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Khi bạn ép trẻ làm một điều gì đó, trẻ có xu hướng nổi loạn thường có tâm lý phản kháng. Lý do là vì con chưa hiểu rằng làm điều đó có ý nghĩa gì hoặc làm chỉ vì do bắt ép chứ không phải con tự nguyện. Con sẽ vui vẻ khi mẹ chịu ngồi xuống, lắng nghe và trò chuyện với con như một người bạn.
Ví dụ, bạn không nên ép buộc đứa con 6 tuổi của bạn phải đi ngủ khi bé nằng nặc đòi xem TV. Thay vào đó, ngồi xuống với con và thể hiện sự quan tâm đến những gì con đang xem. Khi bạn bày tỏ quan tâm, bé cũng sẽ đáp lại. Sau đó, hãy giao kèo với con còn bao nhiêu phút nữa là con phải tắt. Chắc chắn bé sẽ nghe lời hơn so với việc bạn tắt luôn TV và để lại con trong nước mắt lẫn tủi hờn.
Trẻ con cũng có suy nghĩ của riêng mình và không thích được bảo phải làm gì. Nếu nhóc con 4 tuổi bị bắt phải đi ngủ từ 9h, chắc chắn bé sẽ ném lại một chữ "Không" to đùng. Hãy để bé lựa chọn thay vì ra lệnh cho bé, đừng bắt con đi ngủ, hãy hỏi bé xem con có thích đọc truyện A hay B không?
Bé có thể vẫn không chịu đi ngủ. Khi điều đó xảy ra, hãy bình tĩnh và nói với con một cách thực tế rằng đó không phải là một trong những lựa chọn. Bạn có thể lặp lại nhiều lần và bình tĩnh nhất có thể và bé sẽ nhượng bộ. Việc của một người mẹ thông minh là hãy tối giản các lựa chọn, để bé chọn giữa 1 trong 2 phương án. Có như vậy, mẹ vừa chủ động mà con cũng vui vẻ vì là người được quyết định.
Cuộc sống ngày nay khiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều áp lực, từ công việc đến cuộc sống, khi về nhà còn phải làm mẹ, làm vợ. Stress hay áp lực là chuyện không thể tránh khỏi. Thế nhưng thật là sai lầm khi bạn mang những điều đó để trút lên các con, những đứa trẻ ngây thơ cần tình yêu từ mẹ. Bạn cứ thử mà xem, nếu bạn dễ nổi giận, con cũng sẽ hình thành tính cách như thế trong tương lai và ngược lại.
Nếu cảm thấy không thể giữ bình tĩnh trước mặt con, hãy ra ngoài làm điều gì đó bạn thích. Đơn giản là nghe nhạc, tập thể dục hoặc tưới cây. Đừng nên nói gì khi đang nóng giận trong bất cứ tình huống nào. Hãy để cơn giận qua đi rồi hãy quyết định.
Nếu bạn muốn con tôn trọng bạn và quyết định của bạn, bạn cần tôn trọng các con trước. Trẻ sẽ không tuân thủ vô cớ nếu cứ ép buộc. Dưới đây là một vài cách bạn có thể thiết lập mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau: Đừng chỉ ra yêu cầu, mệnh lệnh; Thông cảm với con - không bao giờ gạt bỏ cảm xúc hoặc ý tưởng của các bé; Hãy để con tự làm những gì có thể, dù cha mẹ đôi khi mềm lòng và định giúp con, hãy cố gắng để bé tự lập, điều này sẽ cho thấy sự tin tưởng của cha mẹ với con cái.
Việc có bạn luôn ở sau lưng sẽ giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh và cố gắng trước mọi tình huống. Hãy thử tưởng tượng 2 em bé có 2 người mẹ khác nhau. Một người mẹ lúc nào cũng mắng mỏ, điên lên nếu phát hiện con bị điểm kém, trong khi người mẹ kia hoàn toàn dịu dàng, thoải mái và luôn hứa sẽ giúp con học tốt hơn nếu con không may làm bài chưa tốt. Chắc chắn tâm lý của em bé thứ 2 sẽ thoải mái hơn, từ đó việc học tập cũng dễ dàng hơn.
Sử dụng các câu như "Cùng làm bài tập con nhé" hoặc "Mình thử làm bài này được không con?" thay vì "Mẹ muốn con đi làm bài tập ngay". Hãy biến "công việc" thành "trò chơi". Ví dụ, nếu bạn muốn con dọn đồ chơi, hãy tự dọn và khéo léo nhờ con đóng vai "trợ thủ đặc biệt" để giúp mình hoặc đặt ra thời gian và thử thách giữa con với bố, mẹ thi xem ai là người xếp đồ gọn gàng nhanh hơn.
Có một gia đình hòa thuận, hạnh phúc sẽ là tiền đề để trẻ phát triển. Con được chứng kiến hành động yêu thương của bố mẹ hàng ngày sẽ cảm nhận được điều đó. Sự bất hòa trong hôn nhân giữa cha mẹ có thể dẫn đến một môi trường căng thẳng trong nhà, ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của những đứa trẻ.
Khi bố mẹ hạnh phúc thì con mới có thể hạnh phúc. Và nếu như không thể cho con một mái ấm trọn vẹn, vẫn hãy cố gắng dành thời gian yêu thương và quan tâm đến con nhé.
Cha mẹ hãy thử nhìn tình huống từ quan điểm của con. Đặt mình vào vị trí của con và suy nghĩ tại sao con làm vậy. Bạn càng hiểu về con mình, bạn càng có thể đối phó với sự bướng bỉnh dễ dàng hơn.
Ví dụ, nếu con bạn không chịu làm bài tập về nhà, có thể bé bị quá tải bởi nhiệm vụ. Nếu có quá nhiều bài hoặc nếu con không thể tập trung, cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách chia bài tập về nhà thành các bài nhỏ hơn và làm trong các thời gian ngắn. Có thể sắp xếp thời gian nghỉ ngơi giữa các bài để trẻ được thư giãn. Hãy hỏi con có mệt không, có cần nghỉ không và xem con muốn học môn gì trước. Khi con đã thích thì bé sẽ hào hứng với việc học hơn nhiều.
Nếu bạn hội tụ đủ những yếu tố trên, chắc hẳn con bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì có một người mẹ tuyệt vời như vậy!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn