Người 'mở lối' cho nghệ thuật múa đương đại

08:55 | 24/08/2016;
Martha Graham là biên đạo múa người Mỹ được xem là một trong những nhà tiên phong hàng đầu của múa hiện đại. Bà đã cống hiến cả đời mình cho môn nghệ thuật này.
Martha Graham sinh ngày 11/5/1894 tại Pennsylvania, Hoa Kỳ. Năm bà 14 tuổi, cả gia đình chuyển đến Pittsburgh sau đó lại dọn đến Santa Barbaca ở California. Khi bà còn rất nhỏ, bà bảo mẫu người Ireland thường biên đạo những điệu múa đơn giản và tập cho bà. Cũng chính từ sự dẫn dắt của người bảo mẫu này, Martha tiếp xúc với thế giới vũ đạo.
1.jpg
 Nghệ sĩ múa Martha Graham
Năm 1911, khi 17 tuổi, sau khi xem buổi biểu diễn của Luci Sait Danie, Martha bắt đầu mơ ước trở thành diễn viên múa. Bà từng viết: “Nhóm múa của Luci đã giúp tôi mở ra cánh cửa để nhìn thấy cuộc sống rộng lớn và bao la này”.

Năm 1916, Martha rời Los Angeles vào học tại trường múa Denishawn do Luci và chồng sáng lập. Lúc đầu Martha là người rất nhút nhát nhưng dần dần bà cũng lấy được sự tự tin để trở thành diễn viên múa. Điều này chủ yếu do những động viên khích lệ đến từ vũ sư Luis, người chỉ huy dàn nhạc trong trường. Bà đã từng nói về người thầy như sau: “Sự thông cảm và hiểu biết của thầy đã mang lại cho tôi hy vọng để tiếp tục theo học”. Về sau, Luis đã trở thành cố vấn và người dàn dựng nhạc nền cho Martha trong suốt 30 năm.

Năm 1920, Martha lần đầu tiên lên sân khấu trong vũ đoàn Ted Shawn và là diễn viên chính trong bài múa Xochtil. Đây là bài múa ba lê thiết kế dành riêng cho bà.

Bà tham gia vũ đoàn này mãi đến năm 1923 mới chuyển sang đoàn ca múa kịch Greenwich và là diễn viên múa đơn trong đoàn. Ngoài ra, bà còn tham gia sáng tác và biên đạo.
5.jpg
 Bà đã sáng tạo ra những kỹ thuật múa độc đáo
Hai năm sau, bà rời đoàn ca múa Greenwich và nhận lời dạy múa cho trường Eastman ở Rochester, New York. Tại đó, bà bắt đầu luyện tập những phương pháp mới lạ và những động tác vô cùng độc đáo. Bà từ bỏ phong cách múa truyền thống mềm mỏng và hơi ướt át, chuyển sang các động tác mạnh mẽ và những nhịp nhảy rất tự do nhưng thông qua động tác cơ thể của diễn viên lại có tác dụng thể hiện và phản ánh nội tâm một cách hiệu quả. Bà nói: “Cuộc sống rất căng thẳng, kịch liệt và lắm bấp bênh. Nó thường là những gì đó thuộc về hư không. Đó chính là điều mà tôi muốn thể hiện trên sân khấu”.

Năm 1926, Martha biểu diễn một buổi múa nghệ thuật cá nhân tại rạp hát 18 New York. Những quan niệm mới của bà hoàn toàn được thể hiện trong buổi biểu diễn này. Do nhạc nền trong những bài múa của bà là sáng tác của những tác giả theo trường phái ấn tượng, vì thế chúng bị những người theo chủ nghĩa truyền thống xem thường. Tuy vậy, nghệ thuật biểu diễn của bà vẫn thu hút đông đảo khán giả.

Bà không ngừng truyền bá những chủ đề mang tính chất khát vọng và đột phá trong tác phẩm của mình, vạch trần những vấn đề khi người phụ nữ bị khinh rẻ. Những tác phẩm ấy bao gồm: Phản kháng (Revolt - 1927) và Dị giáo đồ (Heretics - 1929).

Đầu thập niên 1930, Martha sáng lập trường múa đương đại Martha Graham và vũ đoàn Martha Graham nổi tiếng. Bà phát triển trường phái ba lê riêng, múa với nhạc cổ điển và hiện đại, với phong cách đặc biệt giàu trí tưởng tượng. Những điệu múa của bà là sự ảnh hưởng từ âm nhạc của Stravinsky, hội họa của Picasso, kiến trúc của Frank Lloyd Wright.

Năm 1934, bà bắt đầu dạy các khóa học hè tại trường Vermont. Trong thời gian đó, bà sáng tác tác phẩm quan trọng nhất Letter to the world. Martha cũng dàn dựng những chủ đề về nước Mỹ,  thể hiện trong các tác phẩm như: Biên cương (Frontier) hay Văn kiện nước Mỹ (America document). Trong tác phẩm Appalachian Spring, một tác phẩm ba lê nổi tiếng nhất được dàn dựng năm 1944, sự độc đáo của bà được phát huy một cách triệt để.
8.jpg
Năm 1949, Martha kết hôn với Erick Hawkins - người yêu, người bạn diễn suốt bao năm của mình nhưng cuộc hôn nhân này tan vỡ chỉ sau 2 năm.

Những năm sau đó, còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác được Martha dàn dựng thành công. Đặt biệt năm 1958, Martha ra mắt vở ballet Clytemnestra được xem là một kiệt tác thế kỷ XX của Mỹ.

Có thể nói, Martha Graham là người đã sáng tạo ra những kỹ thuật múa hiện đại, dàn dựng hơn 150 tác phẩm trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Bà là một nghệ sĩ kiên cường, một biên đạo múa có những bước di chuyển đáng kinh ngạc; là người đã phát minh ngôn ngữ chuyển động và sử dụng chúng để bộc lộ niềm đam mê. Kỹ thuật đi chệch với ba lê cổ điển của bà và việc sử dụng các chuyển động cơ thể độc đáo như co lại, mở ra, và xoắn ốc đã tạo ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật múa thế giới.
 
Suốt cuộc đời gắn bó với nghệ thuật múa, bà nhận được nhiều danh hiệu khác nhau, vinh dự là vũ công đầu tiên biểu diễn tại Nhà Trắng, vũ công đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài như một đại sứ văn hóa.
3.jpg
 Bà được trao tặng Huân chương Tự do, một trong những biểu tượng thế kỷ do tạp chí People bình chọn.
Năm 1976, bà vinh dự được trao tặng Huân chương Tự do -  giải thưởng cao quý nhất dành cho cá nhân của Mỹ và được Tổng thống Grerald R.Ford ưu ái gọi là “một kho báu quốc gia”.

Martha Graham qua đời ngày 1/4/1991 sau 75 năm tận tụy với nghề. Bà không ngừng sáng tác cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, với tác phẩm sau cùng còn đang dang dở là The Eyes of the Goddess năm 1991.
 
Nhà hát Martha Graham ở New York vẫn còn nguyên vẹn cho đến này và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Còn Martha Graham Center of Contemporary Dance là trường dạy múa đương đại lâu đời nhất tại Mỹ hiện nay vẫn đang hoạt động.

Xem: "Night Journey" by Martha Graham, 1947



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn