Người Mông ăn Tết Độc lập

11:20 | 04/09/2015;
Tết Độc lập 2/9 trở thành ngày hội đoàn kết của bà con người Mông ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Các dân tộc vùng Tây Bắc cùng kéo nhau về cao nguyên để múa hát mừng quê hương ngày càng phát triển.
Thời điểm này cũng là lúc bà con người Mông ở cao nguyên Mộc Châu đã thu hoạch ngô xong. Những đặc sản gà xương đen, lợn bản, rau cải mèo của vùng Tây Bắc cũng được bà con chuẩn bị đầy đủ. Ai cũng mong muốn nấu những món ăn ngon nhất để đãi khách. Những nghệ nhân thổi khèn Mông, hạ khèn xuống lau chùi cho cây khèn sáng bóng. Các cô gái trong đội văn nghệ của các bản cũng tập tành thật khẩn trương. Tất cả như hối hả, tất cả như xôn xao, náo nức đón Tết độc lập.

Ông Tráng A Súa (ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) bảo: "Không chỉ người Mông đón Tết độc lập đâu mà bà con người Kinh, người Thái, người Mường... cũng về Mộc Châu. Bà con người Mông thường coi mình như là chủ nhà để đón những vị khách từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong ngày Tết Độc lập, ai đến Mộc Châu cũng được bà con chào đón, mời về nhà, ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau chén rượu ngô”.
Tết Độc lập không thể thiếu điệu khèn truyền thống của người Mông
 
Gia đình ông Súa cũng vừa hoàn thiện ngôi nhà sàn sạch sẽ ở cạnh nhà văn hóa của bản. Năm nay, gia đình ông có thể đón 30 - 40 khách.

Ông Hà Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ cho biết: “Ai ai xác định, đói nghèo bị đẩy lùi thì ngày độc lập mới thêm nhiều ý nghĩa”. Cũng theo ông Hóa, tận dụng địa thế là rừng núi, xã Tân Xuân đã nuôi được cả nghìn, trâu bò. Gia đình nào cũng ra sức thi đua, nâng đàn gia súc của gia đình lên nhiều hơn nữa.

Theo các cụ già người Mông ở bản Ba Kha, xã Loóng Luông, khoảng cuối những năm 50 thế kỷ XX, vào những ngày này, khắp thị trấn Mộc Châu treo nhiều cờ đỏ sao vàng mừng Quốc khánh. Thanh niên ở các bản xa xuống chơi thị trấn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng, họ chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. 

Không biết ai đó đã đặt tên cho ngày hội này là Tết Độc lập, mọi người cùng gọi theo cho đến nay. Tết Độc lập bị gián đoạn khoảng chục năm trong chiến tranh. Từ 1975, Tết này lại được khôi phục và phát triển cho đến nay.

Người Mông cũng diễu hành, biểu diễn văn nghệ trên đường phố mừng ngày 2/9
 
Ông Tráng A Páo ở xã Vân Hồ, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông là người già nhất cái xã Vân Hồ này chứng kiến bao đổi thay của quê hương. Nhớ lại những ngày trước cách mạng tháng 8/1945, ông vẫn còn chưa hết xót xa.

Người Mông vốn sống du canh, du cư, đến đâu khai hoang, phát nương cũng bị bọn phìa tạo, thực dân Pháp bóc lột và đánh đuổi. Người Mông sống khổ sở bao năm trời.

Thế rồi cách mạng nổ ra, đất nước giành được độc lập. Bà con được sống trong bầu không khí độc lập, tự chủ. Đây là dấu ấn quan trọng nhất đánh dấu bước thay đổi lớn của bà con người Mông. Bà con không du canh, du cư nữa mà bắt đầu chọn đất, lập bản, sinh sống yên ổn trên cao nguyên Mộc Châu này.

Từ một vài bản người Mông ban đầu, dần dần người Mông ở khắp nơi từ Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Than Uyên cũng kéo xuống tụ họp về đây. Sau mỗi năm cao nguyên lại đông hơn.

“Tôi được đi học chữ, rồi trở thành thầy giáo. Các điểm bản bắt đầu có trường, có lớp. Một việc mà chưa bao giờ con em người Mông trước đó có được”, ông Páo nhớ lại.
Các em bé vui mừng tham dự Tết Độc lập của dân tộc

Giã bánh giầy trong ngày Tết Độc lập

Không chỉ riêng các dân tộc thiểu số, từ lâu ngày 2/9/1945 đã có một dấu ấn lớn cả với những người của thời đại đó cũng như những thế hệ sau này. Tuy nhiên chỉ các dân tộc thiểu số mới có một cái tên hay như thế để đặt cho dịp đặc biệt này. Cùng với thời gian tết Độc lập đi vào văn hóa các dân tộc. Đời sống của đồng bào càng được cải thiện Tết Độc lập càng đầy đủ hơn và mang nhiều ý nghĩa hơn...

- GS.TS Hoàng Nam-

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn