Không chỉ là một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, làm quà tặng hồi môn, vàng còn là món quà thể hiện tình cảm của người tặng dành cho đôi uyên ương, là lời chúc mừng hạnh phúc viên mãn, sung túc, giàu sang cho các cặp vợ chồng khi bước vào hôn nhân. Đối với nhiều người, sính lễ quan trọng nhất trong lễ cưới là bộ vàng cưới.
Song, trước diễn biến giá vàng liên tục nhảy múa, xu hướng tăng vẫn còn tiếp diễn, khiến nhiều người mừng cưới lo lắng, thậm chí rơi vào tình trạng "cháy ví".
Người mừng cưới đau đầu vì vàng
Thời điểm cuối năm được cho là thời gian đẹp nhất trong năm để tổ chức đám cưới. Xung quanh chị Nguyễn Hoàng Lan (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều bạn bè liên tục tổ chức đám cưới, trong đó nhiều bạn bè, gia đình thân thiết, khiến chị đau đầu trong khoản quà mừng.
Chị Lan thở dài chia sẻ: "Đầu tháng 12 năm ngoái, tôi vừa rút hết tiền, mừng cưới cho em họ 2 chiếc nhẫn vàng trị giá khoảng gần 13 triệu đồng. Chưa được bao lâu thì bạn thân cũng bất ngờ thông báo cưới sau đó 2 tuần, vậy là bay luôn 1 tháng rưỡi lương, tôi gần như "rỗng túi". Nếu là bạn bè bình thường hay đồng nghiệp thì chỉ cần tặng phong bì vài trăm đến 1.000.000 đồng, nhưng toàn gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết, vì tình cảm nên tôi vẫn cố gắng".
Chung cảnh ngộ, chị Đặng Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay có người cháu kết hôn. Vài năm trước, con gái chị cưới chồng, gia đình nhà cháu đã mừng tới 3 chỉ vàng, khi đó giá chỉ quanh ngưỡng 4-5 triệu đồng/chỉ. Đến nay, người cháu đi lấy chồng, chị dự tính sẽ mừng lại ít nhất cũng phải 3 chỉ, nhưng giá vàng nay đã lên cao hơn mức 6,2 triệu đồng/chỉ, điều này làm chị canh cánh trong lòng.
Đau đầu vì giá vàng không chỉ là câu chuyện của người mừng cưới mà còn là vấn đề của chính các chú rể, đằng nhà trai trong mùa cưới năm nay.
Anh Trần Huỳnh Đông (Đống Đa, Hà Nội) đã hỏi cưới vợ năm ngoái nhưng do chọn năm cưới theo tuổi cô dâu nên tới nay mới tổ chức lễ cưới. Bản thân tự kinh doanh, cần dòng tiền xoay chuyển liên tục, anh không tính toán trước vàng cho đám cưới, đến gần thời điểm tổ chức mới để ý, lúc này anh Đông bất ngờ trước giá vàng tăng vọt.
"Vàng cứ liên tục tăng, tôi và mẹ thay nhau canh chờ giá giảm, tôi dự định mua 2-3 lượng vàng SJC cùng một số trang sức vàng như nhẫn, vòng để thể hiện lòng thành với nhà gái. Nhưng giá vàng liên tục lập đỉnh, có xuống thì vẫn còn khoảng 74-76 triệu đồng/lượng, vượt quá mức kinh phí của tôi. Đám cưới vẫn phải diễn ra nên tôi đành chấp nhận mức giá này nhưng phải giảm số lượng xuống vì còn nhiều chi phí cần lo toan. Nếu biết trước, tôi đã mua vàng trước hẳn 1 năm" - anh Đông chia sẻ.
Thậm chí, với trường hợp gia đình chị Phạm Thị Thu (Vũ Thư, Thái Bình), vàng lên quá cao, gia đình thì không có điều kiện, không đủ kinh phí, chị đã nghĩ đến việc sử dụng dịch vụ thuê trang sức vàng cho lễ cưới của con trai.
Vàng xuất hiện xu hướng tăng
Thực tế, trong khi vàng SJC phi mã, vàng 9999, vàng nhẫn trơn, vàng trang sức cưới biến động không quá mạnh nhưng cũng phần nào chịu ảnh hưởng khi tăng nhẹ, dao động từ 6,3 - 6,5 triệu đồng/chỉ.
Còn với vàng miếng SJC, sau cú rơi mạnh từ cuối năm ngoái, biến động vẫn chưa thực sự ổn định, liên tục nhảy múa. Theo dõi các phiên gần đây, vàng SJC đang trong xu hướng tăng trở lại trong các phiên gần đây, lên mức 73,3-75,8 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, vàng đang đứng quanh ngưỡng 2.033,4 USD/ounce, tăng 3,2 USD so với hôm qua. Giá vàng quốc tế vẫn giữ ổn định tại mức giá trên 2.000 USD/ounce trước tác động của báo cáo số liệu công nhân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước thấp hơn kỳ vọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn