Người nhà dự định sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo gương mặt Thái Thiên Phượng trong tang lễ

13:51 | 11/05/2023;
Theo tờ SCMP đưa tin, khuôn mặt của cựu người mẫu Hong Kong (Trung Quốc) Thái Thiên Phượng (Abby Choi) dự kiến sẽ được tái tạo bằng công nghệ in 3D để người thân có cơ hội nhìn mặt cô lần cuối.

Theo truyền thông đưa tin, gia đình Thái Thiên Phượng đã lên kế hoạch thuê một công ty nước ngoài sử dụng công nghệ in 3D và dịch vụ trang điểm tái tạo khuôn mặt để những người đưa tang có thể nhìn thấy hình hài trọn vẹn của cô tại tang lễ.

Tờ Sina cho biết, người nhà muốn thể hiện sự tôn trọng dành cho nạn nhân bằng cách phục hồi di thể. Mẹ của Thái Thiên Phượng cho biết con gái bà sinh thời rất thích làm đẹp, nên gia đình muốn dùng cách này xem như tiễn cô đoạn đường cuối cùng.

Việc mở nắp quan tài để người thân nhìn mặt lần cuối rất phổ biến tại các đám tang Trung Quốc. Điều này có nghĩa các bộ phận cơ thể, đặc biệt là phần đầu cần phải được khôi phục sao cho càng giống với trạng thái ban đầu càng tốt.

Trên thực tế, công nghệ này cũng đã được áp dụng trước đây. Một số nhà tang lễ ở Trung Quốc đại lục đã sử dụng công nghệ in 3D để khôi phục khuôn mặt của người quá cố bị biến dạng.

Đầu tiên, họ sẽ quét ảnh của người quá cố do gia đình cung cấp để tạo dựng mô hình 3D. Quá trình này thường kéo dài khoảng hai giờ. Tiếp đó, một mặt nạ 3D sẽ được tạo ra từ nhựa, thạch cao, silicon và sợi. Cuối cùng, chuyên gia trang điểm cho thi thể tiến hành trang điểm gương mặt và đội tóc giả cho người đã khuất.

Người nhà Thiên Phượng dự định sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo gương mặt nạn nhân trong tang lễ - Ảnh 1.

Phần đầu của nữ người mẫu có thể được khôi phục nhờ công nghệ in 3D

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu gia đình Thái Thiên Phượng có sử dụng loại mặt nạ này không, cũng chưa rõ là chỉ tái tạo khuôn mặt hay cả cơ thể. Peggy Yuen, Giám đốc điều hành của MakeOmnia, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ in 3D ở Hong Kong, cho biết công nghệ này có thể được sử dụng để sản xuất các bộ phận cơ thể người. Mặc dù vậy, chỉ một số ít công ty ở Hong Kong có khả năng làm được.

“Một số trường đại học hoặc bệnh viện ở Hong Kong thực hiện in sinh học nhằm mục đích y tế, chẳng hạn như sản xuất tế bào người hoặc một bộ phận giả với tế bào ban đầu. Số lượng công ty có thể in sinh học không nhiều”, Peggy Yuen nói.

Được biết, việc sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo khuôn mặt cho người mất là rất hiếm ở Hong Kong. Thay vào đó, hầu như các gia đình đều lựa chọn kiểu trang điểm truyền thống vì lo ngại về thời gian và chi phí đắt đỏ. 

Ngoài ra, công nghệ này vẫn còn nhiều điểm thiếu sót, chẳng hạn như không đủ tính di động. Trong khi những người làm dịch vụ trang điểm có thể mang dụng cụ của họ đi đến những ngôi làng xa xôi theo yêu cầu, in 3D lại đòi hỏi những thiết bị cụ thể và chỉ có thể thực hiện ở một số địa điểm nhất định.

Mặc dù vậy, công nghệ in 3D có thể khắc phục một số nhược điểm của phương pháp truyền thống, chẳng hạn như tình trạng thiếu da hoặc bị tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, sử dụng máy móc cũng giúp giảm bớt tổn thương tâm lý lên những người thực hiện công việc trang điểm, giúp họ không phải đối mặt quá lâu với những thi thể bị biến dạng và nhiều vết thương hở.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tang lễ ở Hong Kong, Kwok Hoi-pong, chia sẻ rằng thời gian để sản xuất một chiếc mặt nạ silicon cho người quá cố mất đến vài tháng. Các kích thước của gương mặt cần được gửi ra nước ngoài, thường là đến Châu Âu hoặc Úc, để tạo ra khuôn và đúc silicon.

Vụ sát hại người mẫu Thái Thiên Phượng: Người nhà dự định sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo gương mặt nạn nhân trong tang lễ - Ảnh 2.

Công nghệ in 3D tại Hong Kong thường chỉ dùng cho mục đích y học, hiếm khi dùng cho tang lễ

Ngoài ra, vị chủ tịch cũng cho biết thêm chi phí cho mỗi lần in sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào người thực hiện và mức độ tái tạo các bộ phận trên khuôn mặt. Chi phí tái tạo cho toàn bộ khuôn mặt có thể lên đến 6 con số tính bằng đô la Hong Kong. Trong khi đó, chi phí trang điểm người mất truyền thống chỉ dao động từ 1.000 - 10.000 đô la Hong Kong (khoảng 3 - 30 triệu đồng).

Trong trường hợp vật liệu sản xuất là polymer, giá để tái tạo phần đầu sẽ rơi vào khoảng từ 3.000 - 5.000 đô la Hong Kong (khoảng 9 - 15 triệu đồng) tuỳ thuộc vào kích cỡ, Jay Tse, giám đốc công ty in 3D VPrint3D Limited cho hay. Để tạo ra một phần đầu hoàn chỉnh cần khoảng 3 ngày, tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng các đơn đặt hàng của công ty thường phục vụ cho mục đích y tế, hiếm khi làm cho đám tang. 

Lễ viếng của Thái Thiên Phượng diễn ra tại Nhà tưởng niệm Po Fook thuộc khu vực Tai Wai, quận Sha Tin vào ngày 18/6. Lễ đưa tang sẽ được tiến hành vào sáng hôm sau, trước khi hài cốt cựu người mẫu xấu số được đưa đến tu viện trên đảo Lantau để hoả táng.

Vụ sát hại người mẫu Thái Thiên Phượng: Người nhà dự định sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo gương mặt nạn nhân trong tang lễ - Ảnh 3.

Nhà tưởng niệm Po Fook - nơi lễ viếng Thái Thiên Phương được tổ chức

Vụ giết người chấn động Hong Kong được đưa ra ánh sáng vào ngày 24/2, khi cảnh sát tìm thấy hộp sọ, chân và một số xương sườn bị gãy của nữ người mẫu trong một căn hộ ở Lung Mei Tsuen, Tai Po. 

Một cuộc tìm kiếm các phần thi thể quy mô lớn đã được tiến hành tại bãi rác New Territories và nghĩa trang Tseung Kwan O, tuy nhiên không mang lại kết quả gì lớn. Sau khi hoàn thành tất cả các cuộc kiểm tra bao gồm xét nghiệm DNA, hài cốt nạn nhân đã được trao lại cho gia đình cô vào cuối tháng trước.

Hiện nay, 3 người trong gia đình chồng cũ của Thái Thiên Phượng gồm: chồng cũ Quảng Cảng Trí (Alex Wong, 28 tuổi), bố chồng cũ Quảng Cầu (65 tuổi) và anh chồng cũ Quảng Cảng Kiệt (31 tuổi) đang ngồi sau song sắt với tội danh giết người. 

Mẹ chồng của Thái Thiên Phượng là bà Lý Thụy Hương bị buộc tội cản trở công lý. Ngoài ra còn có hai người khác bị buộc tội giúp đỡ Quảng Cảng Trí trốn thoát và cản trở quá trình bắt giữ. Các bị cáo sẽ xuất hiện trước toà án trong phiên xét xử thứ 3 vào ngày 31/7 tới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn