Trong bữa ăn, người Nhật nói không với thói quen "nhai nhanh, nuốt vội". Giáo dục Nhật Bản cũng thường xuyên hướng dẫn trẻ nhỏ phải nhai thật chậm, thật kỹ, thưởng thức từng miếng trong khi ăn.
Sở dĩ người Nhật không ăn nhanh là bởi họ muốn thưởng thức trọn vẹn những hương vị thơm ngon nhất của bữa ăn. Hơn nữa, ăn chậm nhai kỹ sẽ giúp thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn, đồng thời dạ dày cũng bớt "vất vả".
Ăn nhanh sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, gây đau dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn. Đồng thời, làm tăng nguy cơ bị hóc thực phẩm, hoặc bị chướng bụng sau ăn.
Theo Stephanie Eckelkamp (một chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe và biên tập viên sức khỏe): Nhai chậm và kỹ có ý nghĩa thiết yếu đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không cần phải đếm số lần nhai, chỉ cần chắc chắn về việc thức ăn đã thành dạng lỏng trước khi nuốt là được.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ người Nhật Haruhisa Fukuda, ăn chậm có thể giúp cho chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn.
Đáng nói, ăn chậm còn có thể giúp chúng ta phòng ngừa bệnh tiểu đường. Bởi việc nạp thức ăn quá nhiều trong một lúc có thể gây ra tình trạng kháng insulin và lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Hơn nữa, thói quen ăn nhanh có liên quan đến béo phì - và béo phì là nguyên nhân chính gây ra kháng insulin.
Một nghiên cứu thực hiện tại Luân Đôn, Anh cho thấy những người ăn chậm tiêu thụ ít hơn 66 calo mỗi bữa so với những người ăn nhanh, không những vậy họ còn cảm thấy nhanh no và no lâu hơn. Ngoài hiệu quả giảm cân, nhai chậm cũng là phương pháp cải thiện sức khỏe bằng cách hỗ trợ và tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp cơ thể dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm mức độ căng thẳng…
1. Luôn ăn sớm
Sau khi tan làm buổi tối, người Nhật sẽ về nhà nhanh chóng để ăn tối cùng gia đình, nếu bận rộn thì người dân nước này cũng cố gắng thực hiện nguyên tắc: Ăn tối trước khi đi ngủ 3 tiếng. Có như vậy mới đảm bảo dạ dày có đủ thời gian để tiêu hóa cơm và thức ăn, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng được hấp thụ đầy đủ. Để thức ăn tiêu hóa hết rồi mới lên giường đi ngủ chính là một nguyên tắc để người Nhật có giấc ngủ ngon mà lại tránh được tình trạng béo phì.
2. Luôn xây dựng bữa ăn khoa học, cân bằng
Người Nhật rất giàu kinh nghiệm về việc kết hợp các loại thực phẩm, nhằm tối ưu hóa quá trình tiêu hóa. Cụ thể, bất cứ khi nào mâm cơm có đồ ăn chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ, họ sẽ ăn kèm với củ cải hoặc bắp cải bào để bớt ngấy và giúp cơ thể tiêu hóa thực phẩm béo dễ dàng hơn.
Thêm vào đó, trên mâm cơm của người Nhật cũng thường xuyên xuất hiện các món lên men, súp miso – những thực phẩm chứa lợi khuẩn giúp dạ dày làm việc tốt hơn.
3. Ăn nhiều cá và hải sản
Nhật Bản là một quốc gia nằm ở ven biển, lượng hải sản tương đối dồi dào, nên người dân nơi đây có xu hướng tiêu thụ cá hoặc các loại hải sản mỗi ngày. Thực tế, trong thành phần của cá chứa nhiều protein, hàm lượng cholesterol cao, nếu dùng đúng cách sẽ giúp bổ sung các vi chất có lợi cho cơ thể. Vậy nên, chính lợi thế tự nhiên của đất nước đã hình thành thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe, giúp người dân sống trường thọ.
Ngoài ra, người Nhật cũng ăn nhiều rong biển do điều kiện môi trường ven biển. Rong biển được họ sử dụng để nấu súp, làm salad... Rong biển là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và rất giàu các nguyên tố vi lượng khác nhau như protein, chất béo, carbohydrate, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt, carotene, niacin và iốt. Ngoài có tác dụng ngăn ngừa xơ gan, huyết áp cao và bệnh tim, rong biển còn có thể ngăn ngừa bệnh béo phì.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn