Người nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh, hạnh phúc và an toàn

10:08 | 15/08/2018;
Thông tin 42 người dân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, bị nhiễm HIV đang khiến nhiều người lo lắng. Trong trường hợp chẳng may bị nhiễm HIV, bạn đừng quá hoang mang và tuyệt vọng vì người nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh, hạnh phúc và an toàn.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), HIV có thể lây truyền qua đường máu (dùng chung bơm kim tiêm, dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da có dính máu của người nhiễm HIV, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV mà vùng da tiếp xúc đó bị tổn thương; truyền máu của người bị nhiễm HIV hoặc trong giai đoạn cửa sổ). 

anh-hiv1.jpg
HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn

 

HIV còn có thể lây qua đường tình dục (do quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người nhiễm HIV mà da, niêm mạc vùng tiếp xúc đó không lành lặn).

Trong giao hợp thông thường, dương vật của người nam và âm đạo người nữ tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau. Nếu người nam mang HIV thì HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo người nữ vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm virus HIV.


Nếu người nữ mang HIV thì HIV có thể truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ dương vật hoặc qua lớp da bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Lớp da này mỏng nên trong khi giao hợp dễ bị vết xước rất nhỏ không nhận thấy, tạo điều kiện cho HIV xâm nhập.

Còn khi giao hợp bằng miệng (như dương vật - miệng, hay miệng - âm hộ), khả năng lây truyền HIV thấp hơn nhưng nếu trong miệng có vết lở, xước, chảy máu răng thì HIV có khả năng lan truyền. Virus HIV ở sinh dục có thể xâm nhập vào vết xước ở miệng người kia. Hoặc HIV trong máu ở vết xước trong miệng có thể xâm nhập cơ thể người kia qua âm đạo hoặc dương vật.

anh-hiv2.jpg
Virus HIV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con

 

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS, HIV còn lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ nhiễm virus HIV nếu sinh con thì con có khả năng nhiễm HIV khoảng 30%. Có nghĩa là cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 30 trẻ bị nhiễm. Virus HIV có thể lây sang bé qua nhau thai khi bé còn nằm trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh và một số nhỏ lây qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú.

Riêng với đường lây qua tiêm chích, do kim tiêm được đưa sâu vào trong cơ thể nên máu được lưu giữ trong đầu kim. Khi sử dụng lại bơm kim tiêm của người nhiễm HIV cho người khác sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV. 
HIV hoàn toàn không lây qua nước mắt, nước bọt hay các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung hay sinh hoạt chung, học chung…

Nhiễm HIV được xử trí ra sao?

Cũng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, HIV không dễ lây lan, nếu biết cách phòng, chống như không sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn, phụ nữ nhiễm HIV trước khi mang thai, cần tư vấn và sử dụng thuốc khi có thai… Vì thế, mọi người không nên kỳ thị với người nhiễm HIV.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, trong các trường hợp không may bị nhiễm HIV, bệnh nhân sẽ được điều trị sớm bằng thuốc ARV liên tục nhằm kiểm soát nồng độ virus trong cơ thể, người bệnh nếu tuân thủ điều trị tốt khi đó vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện chưa có vaccine phòng chống HIV. Tuy nhiên với sự phát triển của các phương pháp điều trị, HIV hoàn toàn có thể được kiểm soát, bệnh nhân HIV được sống khỏe mạnh lâu dài.

Thực tế, người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12/1990 là một phụ nữ 30 tuổi đến nay vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc kháng virus (ARV) đều đặn và sống tích cực, lạc quan. Không riêng HIV, những người bệnh nan y như ung thư nếu không cải thiện về mặt tâm lý và sống lạc quan thì rất nhanh chóng suy sụp và tử vong. Ngược lại, nếu duy trì được trạng thái tâm lý tốt, người bệnh vẫn có thể sống khỏe trong thời gian rất dài.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn