Những ngày qua, câu chuyện người mẫu Châu Bùi bị quay lén khi tham gia chụp hình ở một Studio trên địa bàn phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM đã khiến dư luận nổi sóng, bởi đây là những hành vi trái đạo lý, vi phạm pháp luật.
Với người nổi tiếng, việc đối mặt với những hành vi quay lén luôn là nỗi lo thường trực của họ. Càng nổi tiếng thì nguy cơ bị quay lén, chụp hình lén càng cao.
Dưới đây là chia sẻ của một số người nổi tiếng với Báo PNVN xoay quanh vấn đề trên.
Không ai chấp nhận hành động quay lén. Khi trở thành nạn nhân của những đối tượng sử dụng chiêu trò quay lén thì nguy cơ những hình ảnh được ghi lại một cách không đàng hoàng, chưa được xin phép ấy có thể bị phát tán ra cộng đồng bất cứ lúc nào. Đặc biệt là những hình ảnh cá nhân, riêng tư, nhạy cảm bỗng chốc bị phát tán thì hậu quả rất lớn. Trong những trường hợp này, nhân vật của những hình ảnh đó trở thành nạn nhân. Họ bị công chúng bình luận đủ điều. Dù khen hay chê, thì lúc ấy người gánh chịu tất cả chính là nạn nhân của các hình ảnh bị quay lén, chụp lén đó.
Không chỉ những người nổi tiếng mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những hình ảnh quay lén, chụp lén. Vì vậy bất cứ người nào cũng đều lo lắng nếu như mình trở thành nạn nhân của những chiêu trò này. Khi trở thành nạn nhân, họ sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, về công việc, về cuộc sống cá nhân hoặc gia đình.
Trong xã hội hiện nay với công nghệ 4.0, việc lan truyền thông tin trên mạng xã hội nhanh kinh khủng và nhiều khi mất kiểm soát. Khi có những hình ảnh, clip quay lén được tung lên, sẽ có nhiều người vì sự tò mò mà chia sẻ, thậm chí là bình phẩm bằng những lời lẽ khiếm nhã. Hiệu ứng bình phẩm từ công chúng vô tình đẩy rất nhiều trường hợp đến đường cùng khiến họ rơi vào sự khủng hoảng, bế tắc.
Bản thân Kim Huyền Sâm luôn tự ý thức về việc kiểm soát hình ảnh cá nhân từ khi bắt đầu làm nghệ thuật. Trong môi trường hoạt động thuộc lĩnh vực này nhiều phức tạp, lắm thị phi càng khiến cho bản thân và những đồng nghiệp của mình cẩn thận hơn, nhất là trước đám đông.
Là người nổi tiếng thì chỉ sơ xuất nhỏ cũng là cái cớ để người khác rèm pha. Có người dựa vào đó để thoả sự ghen tị, tính ích kỷ. Điều dễ gặp nhất là trang phục của các ca sĩ nghệ sĩ đi diễn chẳng may bị sự cố. Đó chỉ là sự cố đáng tiếc nhưng hình ảnh không đẹp bị lan truyền chóng mặt khiến họ bị đàm tiếu rất nhiều trên không gian mạng. Chính vì thế mà Huyền Sâm hay chia sẻ với các thế hệ học trò của mình luôn cảnh giác và cẩn trọng với các hoạt động cũng như cuộc sống hàng ngày để tránh gặp phải những rủi ro đáng tiếc.
Tất nhiên, như các lĩnh vực khác, lĩnh vực văn hóa giải trí cũng có những nghệ sĩ có những hành vi thiếu tế nhị, lối sống không lành mạnh, thậm chí là có việc làm vi phạm pháp luật. Những hành vi này cần lên án.
Bản thân Nguyên là người hoạt động nghệ thuật nên Nguyên rất nhạy cảm về hình ảnh cá nhân. Việc bị quay lén sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và tinh thần của người nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà Nguyên thấy ở trên Thế giới cũng vậy. Cũng có rất nhiều vụ bê bối bị tung lên từ việc bị quay lén và làm tổn thương đến nhân vật.
Việc quay lén người khác dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều đáng lên án. Bởi đấy là hành vi xâm hại vào đời tư người khác, chẳng những vi phạm về đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo phân tích của tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội), hành vi quay lén người khác là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại Điều 32 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi đặt camera quay lén có thể bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng; đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc hủy bỏ thông tin cá nhân có được do thực hiện hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp người đặt camera quay lén sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của nữ người mẫu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo "Tội làm nhục người khác" theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm.
Trường hợp, người đặt camera quay lén dùng clip quay lén để uy hiếp, tống tiền người khác thì người có hành nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Trường hợp, người đặt camera quay lén sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn