Người nổi tiếng quay lưng với sách vở

17:56 | 02/10/2024;
Với sự bùng nổ của các diễn đàn, các cuộc thi tài năng, sắc đẹp, các game show... ngày càng có nhiều người trở nên nổi tiếng. Nhưng cùng với đó một số người nổi tiếng đã có lời nói, cử chỉ... thiếu chuẩn mực.

Mới đây, trong màn giao lưu với hàng nghìn khán giả tại concert Anh trai say hi ở TPHCM, rapper Negav nói lớn: "Khi đứng đây thì em muốn nói chuyện với mẹ. Mẹ ơi! Mẹ thấy chưa, mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?".

Phát ngôn của rapper sinh năm 2001 ngay lập tức tạo làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội.

Đa số những người lên tiếng trên mạng xã hội phản đối phát biểu này. Tuy nhiên hầu hết đó là những phát biểu của những người khá chín chắn nghĩa là họ cũng đã ở tuổi trưởng thành nhất định.

Trong số những người phản đối, hầu như không thấy tiếng nói của giới trẻ, đặc biệt là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, và đó chính là điều đáng ngại.

Người nổi tiếng quay lưng với... sách vở - Ảnh 1.

Negav nhận nhiều chỉ trích khi phát ngôn ''mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?" trên sân khấu concert "Anh trai say hi"

Với những người có hiểu biết, đương nhiên họ từng trải và đủ đề kháng đủ kiến thức kinh nghiệm để nhận ra phát ngôn đó có đáng để học hỏi thậm chí đáng để nghe hay không.

Với tuyệt đại đa số những người từng đi học, khi áp lực học hành nặng nề, ít nhiều từng có lúc... chán học. Nhưng để đi đến nghỉ học là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu như chán học là một diễn biến tâm lý thông thường như bất cứ hoạt động nào khác đều khiến con người có thời điểm mệt mỏi cảm giác quá tải thì nghỉ học là việc đoạn tuyệt hoàn toàn với việc học hành là lựa chọn một con đường hoàn toàn khác và xa rời với sách vở kiến thức.

Thực tế, vẫn có những người vì điều kiện hoàn cảnh phải bỏ dở việc học hành và sau đó họ vẫn đạt được những thành tựu trong cuộc sống. Tuy nhiên cần phải khẳng dịnh đó không phải là những người lười học, không phải là những người chủ động bỏ học. Và ngay khi phải bỏ dở việc học hành ở trường lớp họ vẫn tiếp tục học hỏi bằng nhiều con đường phương pháp khác nhau để không ngừng tiến bộ, đi lên.

Hình mẫu nổi tiếng nhất của những người muốn bỏ học đó là tỷ phú Bill Gates. Nhưng có lẽ những người lười học không chịu khó tìm hiểu thêm để biết những thông tin về cuộc sống về gia đình cũng như những gì Bill Gates đã làm vào thời điểm ông quyết định dừng việc học ở trường đại học để dành thời gian cho công việc của mình.

Nói cách khác những tín đồ của chủ nghĩa lười học chỉ muốn học nhà tỷ phú kia đúng một hành động duy nhất là nghỉ học giữa chừng mà không muốn biết và cũng không học hỏi được ở ông những nỗ lực cố gắng khác.

Không phải ngẫu nhiên mọi sắc tộc, mọi quốc gia, dân tộc đều yêu chuộng tri thức, đều chú trọng sự nghiệp giáo dục. Thậm chí nhân loại từng phải đấu tranh, phải đổ máu, phải hy sinh để đòi quyền bình đẳng trong giáo dục, đòi quyền đến trường cho những người yếu thế (những người xuất thân ở đẳng cấp thấp, những người nghèo, những người da màu...).

Người nổi tiếng quay lưng với... sách vở - Ảnh 2.

Kỳ Duyên khẳng định chưa đọc hết một cuốn sách nào

Học tập suốt đời là phương châm nhiều người hướng tới và đương nhiên cần phải hiểu việc học theo nghĩa rộng. Lúc đó học không chỉ đơn thuần là việc ngồi trên ghế nhà trường. Trong xã hội hiện đại có rất nhiều phương pháp, nhiều con đường học tập khác nhau: ngoài học những người thầy truyền thống có thể học hỏi những người đi trước trong cùng lĩnh vực, học kiến thức trên mạng xã hội, học thông qua đọc sách và rộng hơn là học hỏi ở chính cuộc sống ở những người mà chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày.

Rapper Negav đã đạt được những thành công nhất định nhưng liệu thành công đó có phải là hình mẫu đáng học hỏi cho cả giới trẻ.

Cách đây ít lâu tại một cuộc thi sắc đẹp, một hoa hậu từng khẳng định cô chưa từng đọc hết một cuốn sách nào và lý do cô đưa ra vì cô là người thực tế.

Người nổi tiếng được người hâm mộ yêu mến và ở chiều ngược lại nhờ sự yêu mến đó họ có những hoạt động đem lại lợi ích cho chính họ. Mọi lời nói cử chỉ của họ sẽ được chú ý và ít nhiều có ảnh hưởng đến người hâm mộ và công chúng nói chung. Chẳng phải thế mà rất nhiều người nổi tiếng đã tận dụng lợi thế của mình để quảng cáo cho các nhãn hàng, làm đại sứ các thương hiệu và cả livestream để bán hàng với số lượng lớn.

Cũng chính vì thế người nổi tiếng phải có trách nhiệm xã hội ít nhất ở lĩnh vực mà họ hoạt động. Những lời nói cử chỉ theo kiểu nghĩ sao nói vậy thậm chí là ngông cuồng, thách thức dư luận không chỉ phản ánh những giới hạn trong hiểu biết hành xử của người nổi tiếng mà ở chừng mực nhất định còn phản ánh sự thiếu trách nhiệm của những đơn vị tổ chức.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn