Chị Nga (32 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, gia đình chị thích ăn cá biển vì nguồn cá này đánh bắt ngoài biển, an toàn hơn các loại cá được nuôi thả, dễ bị tồn dư kháng sinh độc hại. Hơn nữa, thịt cá biển chắc và ngon hơn trong khi cá nuôi bằng cám công nghiệp thịt hay nhão. Thế nhưng, khi nghe thông tin cá biển chết hàng loạt tại miền Trung thì nhiều ngày nay, gia đình chị Nga đã tẩy chay món ăn này. "Tôi đã không mua cá biển nói riêng và hải sản nói chung trong mấy ngày nay, vì không biết cá đó có phải từ miền Trung chuyển ra hay không nữa".
Bác Tăng Thị Hòa (50 tuổi, Phương Liệt, Hà Nội) thì bảo: "Cá biển khi mang về đến Hà Nội thì luôn được ướp lạnh rồi, thành thử chúng tôi không thể phân biệt được liệu đây có phải là cá chết ở miền Trung, bị một số người dân hám lợi mà mang bán, hay là cá họ đánh bắt ở ngoài khơi nữa. Tốt nhất là 'cạch' món này một thời gian cho yên tâm".
Bà nội trợ tẩy chay cá biển vì sợ nhiễm độc |
Sau khi xuất hiện thông tin cá biển chết trôi dạt trắng bờ biển các tỉnh miền Trung, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, các bà mẹ tỏ ra bất an, không biết làm sao để phân biệt được cá biển chết với cá biển đông lạnh. Để chắc ăn, nhiều người tuyên bố trong thời gian tới sẽ không ăn hải sản đông lạnh vì sợ mua nhầm cá biển chết.
Các tiểu thương tại chợ đầu mối thừa nhận, dù hải sản là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào mùa hè nhưng hiện nay lại gặp phải tình trạng ế ẩm.
Chị Luận, tiểu thương ở chợ Kim Liên cho hay: “Các loại thủy sản vẫn bán bình thường. Nhưng riêng hải sản đông lạnh gồm: mực, tôm, cá… khó bán hơn. Mời khách mua hàng mà ai cũng lắc đầu từ chối. Cứ đà này thì mai chỉ nhập các loại thủy sản nước ngọt, hải sản không nhập nữa vì nhập về không bán được lại lỗ to”.
Không chỉ có cá biển bị tẩy chay, các mặt hàng đông lạnh khác như tôm, mực… cũng bị ảnh hưởng. Anh Tú, tiểu thương ở chợ Đại Từ cho biết: “Hàng ngày, khách vẫn mua cả tôm sống lẫn tôm ngất (tôm chết ướp đá) nhưng một tuần nay, số lượng tôm ngất bán ra giảm mạnh. Trung bình mỗi ngày anh bán được khoảng 20 kg tôm ngất thì nay chỉ bán được khoảng 2 – 3 kg/ngày, thậm chí có hôm không bán được kg nào”.
Theo khảo sát của phóng viên, giá các mặt hàng hải sản tại các chợ ở Hà Nội vẫn không biến động nhiều: Tôm từ 250.000 đồng – 320.000 đồng/kg tùy loại, cua 200.000 đồng – 350.000 đồng/kg, ghẹ 60.000 đồng - 70.000 đồng/kg, bề bề 300.000 đồng – 350.000 đồng/kg...
Người dân Thừa Thiên Huế đi lượm cá chết dọc bờ biển |
Khi được hỏi về cách phân biệt cá chết ướp lạnh và cá tươi ướp lạnh thì các tiểu thương đều cho rằng: “Khi cá được xử lý qua và đóng hộp đông lạnh để vận chuyển thì gần như không thể phân biệt được”.
Trước đó, khi cá lờ đờ dạt vào vùng biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nhiều ngư dân đã bắt được mang đi bán, thậm chí trong đó có cả số cá đã chết được bán với giá rẻ. Nhiều người không biết nên đã mua về ăn và xuất hiện một số trường hợp ngộ độc nhẹ sau khi ăn cá. Tuy nhiên, nguyên nhân ngộ độc chính xác vẫn chưa được làm rõ.
Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các nội dung sau: Nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, UBND các tỉnh chỉ đạo người nuôi tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao đầm ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân. |