Kể từ năm 2022, khi Hội Nông dân xã Hùng Thắng phát động tới bà con mô hình "Cánh đồng không rác thải", các cán bộ Hội đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, không vứt bừa bãi vỏ bao bì ra đồng.
Hội vận động nông dân tham gia hưởng ứng khi có đợt vệ sinh môi trường đồng ruộng do Ban Quản lý mô hình phát động.
Cùng với đó, Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong trồng trọt, thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại rác thải trên cánh đồng. Hội còn cắt cử cán bộ giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của tập thể, cá nhân và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm.
Thông qua hoạt động của mô hình nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bền vững, sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Thị Kiệt, Chi hội trưởng đồng thời cũng là Tổ trưởng mô hình tại thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, cho biết, mô hình được chia thành tổ, mỗi tổ có 10 hội viên nông dân. Do các cánh đồng hoạt động theo từng mùa vụ nên cứ trước khi vào vụ là mô hình lại được phát động triển khai lại.
"Một số nông dân nhận thức còn hạn chế, rác thải ngoài cánh đồng đa phần là thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khoẻ con người. Trước khi đi thực tế thì phải làm cho người nông dân nhìn được, chứ nói suông họ không nghe. Vì thế, chúng tôi phải tuyên truyền rất nhiều vì những rác thải như thế này gây độc hại trực tiếp đến sức khỏe của chính họ và ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu.
Phải tuyên truyền cho nông dân trong thời gian dài để làm sao người ta hiểu được tác hại của rác thải để họ nghe theo, làm theo. Vì nông dân chia theo vùng, theo cánh đồng, theo hecta, có những mô hình 10 - 15 hecta nhưng có những vùng rộng lớn hơn nên việc đôn đốc cũng như quản lý sẽ cần sát hơn. Điều phấn khởi nhất là có những mô hình người dân tự làm, không chỉ riêng rác thải ngoài cánh đồng mà còn những rác thải khác", bà Kiệt cho biết.
Là một trong những hộ nông dân thực hiện tốt mô hình này, ông Phạm Đình Hằng (thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng) cho biết, gia đình ông đã thực hiện được 2 năm nay. Vỏ bao, vỏ chai thuốc được thu dọn, phân loại và đưa đến nơi xử lý tập trung. Công việc không nặng nhọc nhưng lại giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường, làm lâu rồi biến thành thói quen, nề nếp.
"Tuy nhiều tuổi rồi nhưng cứ đúng là tôi làm theo, khi được tuyên truyền và thấy được giá trị của việc thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, không vứt bừa bãi trên cánh đồng tạo cảnh quan đẹp và an toàn cho sức khỏe của chính chúng tôi và con cháu, tôi đã huy động cả gia đình thực hiện ngay", ông Hằng nói.
Theo ông Nguyễn Công Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Thắng, ban đầu khi triển khai mô hình người dân chưa nghe, bởi người dân cứ thấy rau có sâu là phun thuốc và phun xong thì vứt vỏ bao, chai lọ ngay dưới chân mình. Nhưng cán bộ hội, chi hội vẫn kiên trì vừa tự tay thực hiện mô hình vừa vận động nông dân. Mưa dầm thấm lâu, các hộ bắt đầu có cái nhìn khác về cánh đồng không rác thải.
Hiện tại, mỗi cánh đồng đều được đặt các thùng xanh, người dân đã có ý thức bỏ vỏ bao bì vào thùng. Cán bộ hội sẽ xử lý tiêu hủy mỗi tuần một lần, bởi để lâu, các vỏ bao bì sẽ bị mưa ngấm phần thuốc còn lại vào đất, gây hại cho lúa và rau màu. Sau này, người dân sẽ trực tiếp được hướng dẫn tự xử lý rác thải đồng ruộng của mình.
Đến nay, mô hình "Cánh đồng không rác thải" đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường trên đồng ruộng để hướng tới nền nông nghiệp sạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn