Người phá mật mã để săn lùng tàu ngầm Đức quốc xã

11:14 | 28/04/2021;
Vừa vượt mốc 100 tuổi nhưng cụ bà người Mỹ Julia Parsons vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Cụ vẫn nhớ những ngày tháng miệt mài giải mã tại Bletchley Park để phá mật mã Enigma, săn lùng tàu ngầm U-boat của phát xít Đức.
Âm thầm cống hiến

Tác giả Liza Mundy mới đây đã xuất bản một cuốn sách, trong đó kể những chuyện chưa từng biết về những phụ nữ phá mật mã thời chiến. Trong cuốn sách có nhắc đến cụ bà Julia Parsons, người có tên thời con gái là Julia Potter. Vào những năm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Julia được tuyển chọn để tham gia Đội Phụ nữ sẵn sàng cho dịch vụ tình nguyện khẩn cấp (WAVES) của Hải quân Mỹ và Quân đoàn Phụ nữ (WAC), nhằm hỗ trợ công tác tình báo chống lại cỗ máy chiến tranh của phát xít Đức và phát xít Nhật. Thông minh, tháo vát, nỗ lực học hành, bà giỏi Toán, khoa học và ngoại ngữ.

Người phá mật mã để săn lùng tàu ngầm Đức quốc xã - Ảnh 1.

Bà Julia Parsons thời trẻ

Bà Julia lớn lên ở Pittsburgh, học tại Carnegie Tech, nhận bằng cử nhân nhân văn và tự nguyện tham gia WAVES năm 1942. "Nếu chiến tranh không xảy ra, có lẽ tôi đã đi học thư viện và trở thành một thủ thư", bà Julia kể. Tuy nhiên, bà thấy trên các tờ báo ở Pittsburgh rằng Hải quân đã bắt đầu nhận phụ nữ. Nếu họ có bằng cấp, họ sẽ được gửi đến trường Đại học Smith ở Massachusetts trong 3 tháng đào tạo chuyên ngành. Vào cuối khóa đào tạo, một trong những giáo viên nói chuyện với các học viên và hỏi: "Có ai ở đây biết tiếng Đức không?". "Tôi đã giơ tay và nói rằng tôi đã học tiếng Đức trong 2 năm học trung học", bà Julia nói. Bà là người duy nhất giơ tay và được điều về một cơ sở được bảo vệ chặt chẽ ở Washington D.C, nơi nghiên cứu về hoạt động của tàu ngầm Đức.

Trong cuộc chiến gây thiệt hại về người và tài sản nhất từ trước tới nay, những phụ nữ như Julia đã trở thành "xương sống" của một trong những nỗ lực tình báo thành công nhất lịch sử. Trong tổng số khoảng 20.000 nhân viên phá mật mã của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khoảng 11.000 người là phụ nữ. Họ từng góp phần giải mã hàng triệu thông điệp của phát xít Đức, đem về những thông tin tình báo quý giá, đủ sức thay đổi cục diện chiến dịch. Bà Julia và các "cô gái mật mã" khác đã nghiên cứu ra các phiên bản của cái được gọi là máy Bombe, một trong những máy tính sớm nhất, được phát triển bởi thiên tài toán học người Anh Alan Turing để phá mã Enigma của người Đức với sự hỗ trợ của hơn 2 nghìn phụ nữ được tuyển dụng cho nhiệm vụ. Lục quân và Hải quân Mỹ sau đó đã phát triển phiên bản riêng của cỗ máy Bombe dựa trên công trình ở Bletchley Park, có mật danh là "Ultra". Bà Julia đã làm việc trên một trong những chiếc máy tính đầu tiên giải mã lưu lượng tin nhắn từ các tàu ngầm U-boat của Đức được gửi qua máy Enigma.

Người phá mật mã để săn lùng tàu ngầm Đức quốc xã - Ảnh 2.

Bà Julia Parsons vừa tròn 100 tuổi vào ngày 2/3/2021

Những nhân viên phá mật mã như bà Julia đã đi tiên phong trong tình báo tín hiệu, tức là công việc đọc tín hiệu mã hóa của kẻ thù và cả đồng minh. Họ đặt nền tảng cho lĩnh vực an ninh mạng đang phát triển mạnh hiện nay. Họ đi đầu trong công việc mà sau này giúp hình thành ngành tin học hiện đại. Công việc phá mật mã rất quan trọng đối với thành công của phe Đồng minh trong đánh bại phát xít Đức. Công việc của các "cô gái mật mã" còn là điều hành hệ thống can thiệp tín hiệu vô tuyến tại các trạm nghe lén toàn cầu. Một số phụ nữ hỗ trợ thiết lập "giao thông giả", tức là các tín hiệu vô tuyến giả để lừa quân phát xít Đức rằng ngày đổ bộ D-Day sẽ diễn ra ở Na Uy hoặc khu vực Pas-de-Calais ở Pháp, chứ không phải là bãi biển Normandy.

Lời tuyên thệ giữ bí mật nghề nghiệp

Người vận hành máy Bombe như bà Julia có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Họ phải điều khiển máy 24/24 giờ, chia làm 3 ca. Họ thậm chí vẫn phải làm việc lúc nghỉ giữa giờ. Bên cạnh việc giải mã các thứ tiếng, các mệnh lệnh phía phát xít Đức phát đi còn được truyền tải bằng các mã Morse. Điều khiến bà Julia nhớ nhất là chuỗi ngày thực hiện nhiệm vụ xác định vị trí tàu ngầm U-boat của phát xít Đức tại một trạm chuyên biệt. Tàu ngầm U-boat được gọi là những "sát thủ đại dương". Không chỉ đánh chặn tàu chiến, tàu ngầm của đối phương, U-boat còn có thể săn bắt tàu hàng và tàu tiếp vận của Anh, Mỹ. Việc thu và giải mã các điện mật của Hải quân Đức đóng vai trò then chốt trong các cuộc hải chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các tàu ngầm U-boat và tàu chiến Đức được định vị và bị đánh chặn trong khi các đoàn tàu tiếp tế của quân đồng minh có thể tránh được những thiệt hại do Hải quân Đức gây ra.

Người phá mật mã để săn lùng tàu ngầm Đức quốc xã - Ảnh 3.

Những cô gái mật mã trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai

Trong buổi giao lưu mới đây tại Câu lạc bộ Bữa sáng Cựu chiến binh (VBC), cụ Julia cho biết, thành công của cụ và các cộng sự đến từ sự kiêu ngạo của Bộ Chỉ huy Tối cao Đức khi tin rằng các đồng minh không thể phá vỡ mã "Bí ẩn" (Enigma) mặc dù có cảnh báo từ một viên chỉ huy tàu ngầm U-Boat. Ý chính của thông điệp của tên chỉ huy là: "Mỗi khi tàu U-Boat nổi lên, trong khoảng nửa giờ đều có máy bay vo ve trên đầu. Tôi nghĩ họ (quân Đồng minh) đang đọc được mã của chúng ta". Giải mã là cách bà và các đồng đội có được manh mối tốt nhất của mình. "Chính sự chủ quan của Đức quốc xã, không tin rằng ai đó có thể đọc được mã của mình, đã hại họ. Đó là điều chúng tôi rất mừng", bà Julia kể.

Người phá mật mã để săn lùng tàu ngầm Đức quốc xã - Ảnh 4.

Cỗ máy Enigma của Đức quốc xã

Bà Julia cho biết đã giữ lời tuyên thệ của mình là không bao giờ công khai vai thật trong suốt cuộc đời làm nhiệm vụ của mình. Công việc giải mã tại Bletchley Park đã được giải mật vào những năm 1960 nhưng đến năm 1997, bà Julia mới có thể nói với chồng, một quân nhân có tên Donald Parsons, về những gì mình đã làm trong chiến tranh trước khi ông qua đời. "Nhưng cha mẹ tôi không bao giờ biết về những gì tôi đã làm", bà nói.

Cụ bà Julia cho biết, cuối cùng, bí mật này đã được chia sẻ với 3 người con, 8 người cháu và 11 người chắt của cụ. Cụ vẫn biết ơn về cơ hội mà hải quân đã cho bà được phục vụ. "Hải quân không bao giờ ngừng tạo điều kiện. Tôi gặp chồng mình ở đó và có công việc của cuộc đời mình nhờ họ. Bây giờ, tôi được tiêm phòng Covid-19 cũng nhờ họ", bà chia sẻ.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn