Người phụ nữ 32 năm chưa từng mặc manh áo mới

21:01 | 23/08/2018;
Chị sinh ra trong gia đình có tới mấy đời chưa từng có một mảnh đất dựng nhà, quanh năm chỉ ở đợ, làm thuê và mù chữ… Chị bảo: “Tôi là một người nghèo di truyền” nhưng khi được hỏi về những ước mơ, chị đã bảo không dám ham gì nhiều và chỉ nói về một điều tuy bình dị nhưng lại gây bất ngờ nhất.

“Đời tui nghèo nên nhiều thứ không được như người ta”

Chị tên là Neáng Dân, năm nay 49 tuổi, hiện đang trú tại khóm An Bình, Thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang. Chị là người Khmer và gia đình đã nhiều đời sinh sống ở mảnh đất này.

Chị kể: “Tôi gọi là sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nhưng thiệt ra mấy đời chưa từng có một mảnh đất nhỏ để dựng nhà, một mảnh ruộng, vườn nhỏ để gieo cấy…”.

Hiện tại, nơi chị ở tạm là 1 căn nhà nhỏ dựng nhờ trên mảnh đất nhà người ta. Trước đó, bố mẹ chị được họ cho ở nhờ, giờ đến chị cũng tiếp tục ở nhờ tại đó. Nhưng, người chủ đất trước kia đều đã nhiều tuổi, qua đời, giờ là con của họ ở đó. Do đất ngày càng mắc và có giá nên khi chủ nhà vui thì không sao, khi họ buồn thì họ lại đuổi… “Nhưng vợ chồng tui không biết đi đâu, lại năn nỉ xin họ thương cho ở nhờ lại ngày nào hay ngày đó”.

Nơi ở nhờ của chị Neáng Dân chỉ lợp mái lá với những bức tường bằng tre lứa và vỏ bao bì tạm bợ...
Do hoàn cảnh của chị quá khó khăn, vài năm trước, Hội phụ nữ đã hỗ trợ chị vay vốn mua 2 con bò để khi đi làm mướn cần sức kéo thì dắt bò theo. Do không có đất làm chuồng, chị đã phải nuôi bò ngay ở trong không gian ở. Trong ảnh là nơi bò ở được ngăn cách với giường ngủ bằng 1 tấm lưới đen và mảnh nhựa. Nhà chỉ chừng 10m2 và nơi bò ở chiếm diện tích nhiều hơn là nơi người ở.
Ban thờ nhà chị cũng chỉ có thể đặt tạm bợ ở nơi mưa nắng có thể xối vào. 

Cũng từ chuyện nghèo “di truyền” từ đời này sang đời kia của mình mà chị kể: “Đời tui nhiều thứ không được như người ta”. Rồi chị thong thả kể về cái hồi 11, 12 tuổi, người nhỏ con ốm nhách nhưng đã bắt đầu cuốc bộ đi làm mướn cắt lúa, làm cỏ từ cánh đồng nọ sang cánh đồng kia, từ ngày này sang ngày khác.

Do nghèo mà cho đến nay, chị chưa từng được một lần cắp sách tới trường (thậm chí đến con chị, cũng không có điều kiện để đến trường vì phải đi làm mướn từ nhỏ để lo có cái ăn).

Do nghèo mà chuyện chị lấy chồng cũng rất đơn giản. Chồng hơn chị một tuổi, cũng là con nhà nghèo, chuyên đi ở đợ. Cha mẹ chị gặp anh, thấy nghèo như nhau nên nói chuyện hứa gả. Ngày anh về nhà chị ở chung, chỉ làm mỗi một mâm cơm thắp hương, không có đám cưới hỏi gì. Cái áo chị mặc trong ngày hôm ấy cũng là áo cũ, không được đẹp…

Do nghèo mà sau khi hai con ra đời, mẹ ăn gì, con ăn nấy. Chị bảo: “Hai đứa nhà tui chưa từng được một lần uống sữa, cũng chưa từng một lần được đến trường, chưa biết cái chữ, giống y chang ông bà, cha mẹ…”.

 Còn về chuyện ăn mặc, làm đẹp, chị bảo: “Tui cũng ham làm đẹp lắm nhưng không có điều kiện. Nhớ từ cái dạo 17, 18 tuổi, khi ấy chưa lấy chồng, còn ở với má. Đi làm mướn có chút tiền nên vào dịp Tết ấy cũng mua áo mới. Sau đó đến giờ, hơn 30 chục năm rồi, tui không có đi mua áo mới thêm lần nào nữa. Khi đi làm mướn, có chị chủ nhà nào thương, cho lại chiếc áo cũ nào thì dùng cái đó”.

Thậm chí, cũng từ “nghèo” mà chị Neáng Dân đã rất ngượng ngùng khi tâm sự: “Nói ra thì xấu hổ nhưng cả đời tui chưa từng một lần dám bước vào bất kỳ một cái nhà cầu (nhà vệ sinh) nào, cũng không biết người ta đi cầu như thế nào. Do nhà tui ở quá nhỏ, nên chưa bao giờ có nhà đi cầu. Khi đi làm mướn, tui “giải quyết” ngay ngoài đồng ruộng; khi về dù trời mưa, nửa đêm đau bụng tiêu chảy thì vẫn cứ phải mở cửa, băng qua nhà người ta, rồi ra tít phía ngoài đồng cách cả trăm mét.. Nhiều khi cũng thấy cực”…

“Nếu một ngày nào đó có nhà để ở…”

Tuy cuộc sống cơ cực nhiều nhưng khi kể câu chuyện về mình, chị Neáng Dân đã luôn nở nụ cười hiền lành, chất phác. Chị cho biết: “Tui tuy nghèo khó nhiều năm nhưng cũng được nhiều người thương lắm” và có phần tự hào khi khoe hai con chị tuy mù chữ nhưng do hiền lành, chăm chỉ, khéo tay, thật thà, chí thú mần ăn nên hiện tại đều được thương.

Con trai lớn của vợ chồng chị đã lấy vợ và sinh được 1 cháu gái 1 tuổi, con gái nhỏ lấy chồng mới cũng sinh được cháu trai 2 tháng tuổi. Cả hai con khi cưới, vợ chồng chị đều làm được 5 mâm cơm mời khách. Hiện chúng đều được gia đình sui gia thương cho ở cùng, cho đất và đều đang đi làm công ở Bình Dương. Chị bảo: “Vậy là chúng hơn cha mẹ, ông bà rồi đó, hy vọng cuộc sống sẽ dần khác đi”…

Còn chị, hiện tại vẫn ở cùng chồng trong căn nhà ở nhờ lụp xụp. Vào mùa nước nổi, không ai thuê mướn, chị và chồng đi chăn bò, mò cua, đánh cá lòng đong tự kiếm cái ăn qua ngày. Vào mùa vụ, cả chồng và vợ trung bình 1 tháng có việc khoảng 20 ngày đi mần mướn nhổ sắn, làm cỏ, thu hồ… cho người ta. Chồng làm việc nặng nhọc thì được người ta trả cho 160 đến 170 ngàn một ngày, chị thì chỉ được 100 đến 110 ngàn một ngày…

Chị Neáng Dân với nụ cười hiền lành ở nơi nấu nướng. Chị khoe: “Chiếc áo tui đang mặc đây, cũng là của người ta cho và là một trong những chiếc đẹp nhứt mà tui có”

Nhân tiện nói về cách chi tiêu, chị cho biết: “Do tui quá nghèo nên rất sợ làm phiền người khác cũng như con cháu. Mình không giúp được gì cho con nên dù có tuổi rồi, vợ chồng tui vẫn cố xoay xở mọi việc. Ngày nào tui cũng phải tính khi chi tiêu và tiết kiệm. Tiền điện thì chỉ được phép từ 20-30 ngàn một tháng, tiền ăn của 2 vợ chồng 700 ngàn. Hôm nào kiếm được 50 ngàn thì chỉ tiêu 20 hoặc 25 ngàn, kiếm được 100 thì tiêu một nửa là 50 ngàn thôi… Tiền còn lại, tui chỉ để dành mua thức ăn vào những khi không có ai kêu đi làm mướn hoặc khi vợ chồng bị đau phải đi nhà thương”.

Sau cùng, khi nói về ước mơ và những ngày sắp tới, chị Neáng Dân suy nghĩ thật lâu và bảo: “Tui nghèo nhưng không dám ham gì nhiều… - rồi chị ngập ngừng mắc cỡ trước khi nói thêm về một điều bất ngờ… – Tui chỉ có một mơ ước nếu có ngày nào đó tui có được nơi để ở, ở đó tôi sẽ làm một cái nhà đi cầu”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn