Heather Wolynic được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson vào mùa hè năm ngoái. Hiện người phụ nữ này là mẹ của 3 con trai và làm giáo viên dạy mỹ thuật tại Florida (Mỹ). Vào năm 2017, cô đột ngột cảm thấy mệt mỏi vô cùng khi thức dậy đến nỗi không thể đứng hoặc vươn người tắt vòi nước. Hơn nữa, những triệu chứng bất thường như đau đầu và rối loạn huyết áp cũng xuất hiện liên tục.
Heather cho biết: “Tôi cảm thấy bất lực khi phải ngồi để tắm. Trong 3 tuần tiếp theo, tôi quá yếu đến nỗi không thể rời khỏi giường”. Dưới đây là chia sẻ của người phụ nữ này về hành trình cô đã trải qua để đi tìm lời giải cho căn bệnh của mình:
Trong 4 năm, tôi đã đến gặp nhiều bác sĩ với hy vọng tìm ra căn bệnh bản thân mắc phải. Các triệu chứng dần dần trở nên tồi tệ hơn. Sau đó, một vết loét lớn xuất hiện trong miệng và khiến việc ăn uống trở nên khó khăn đến mức tôi chỉ có thể uống nước canh. Tóc tôi bắt đầu mỏng đi đáng kể.
Lúc đầu, một bác sĩ cho rằng tôi chỉ bị mệt mỏi quá độ vì gánh nặng gia đình. Sau cuộc ly hôn, tôi thường xuyên phải làm tăng ca để kiếm tiền nuôi các con. Dù vậy, lời giải thích này vẫn khiến tôi cảm thấy băn khoăn. Tại một bệnh viện khác, bác sĩ chuyên khoa thần kinh kết luận tôi bị đau nửa đầu trong khi bác sĩ về bệnh truyền nhiễm lại cho rằng tôi mắc bệnh rối loạn tự miễn.
Vào thời điểm đó, những triệu chứng càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Các cơ mặt cứng đơ đến nỗi tôi khó thể nói chuyện và phải viết ra giấy từng câu. Tôi cảm thấy khó chịu, cứng người, mất thăng bằng và đi lại chậm chạp. Cơ thể tôi đang run rẩy từ trong ra ngoài.
Một bác sĩ tim mạch nói tôi bị hạ huyết áp thế đứng, một dạng huyết áp thấp khiến bạn cảm thấy chóng mặt khi đứng dậy và đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Sau khi tự nghiên cứu, tôi lo sợ bản thân có thể đang phải đối mặt với bệnh Parkinson, một dạng thoái hóa thần kinh làm ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não. Những thông tin trên mạng xã hội cho thấy rất ít phụ nữ trẻ tuổi được chẩn đoán mắc bệnh này.
Để tìm ra câu trả lời, tôi quyết định tới gặp một bác sĩ chuyên khoa thần kinh có uy tín tại địa phương. Sau khi kiểm tra, ông ấy phủ nhận tôi không mắc bệnh Parkinson. Bác sĩ kết luận tôi chỉ bị stress do làm việc nhiều và khuyên tôi đi điều trị tâm lý.
Sau 4 năm vật lộn, cuối cùng tôi đã tìm ra được câu trả lời ở tuổi 44. Tôi đi khám ở một bác sĩ chuyên khoa thần kinh khác vì chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, thay vì hỏi về những cơn đau, ông ấy yêu cầu tôi đứng dậy và làm một vài bài tập. Cuối cùng, bác sĩ nghi ngờ tôi đang mắc bệnh Parkinson khởi phát sớm.
Tôi cảm thấy lo sợ vì căn bệnh này không có cách chữa trị. Chúng sẽ lấy đi hai niềm đam mê lớn nhất của tôi là chăm sóc con cái và làm nghệ thuật.
Hầu hết những người mắc bệnh Parkinson thường gặp phải các triệu chứng sau tuổi 50. Vì bệnh này hiếm khi xuất hiện ở người trẻ tuổi nên việc chẩn đoán gặp không ít khó khăn. Mặc dù nhận thấy những triệu chứng như run rẩy, cứng tay chân, gặp các vấn đề về cân bằng, phối hợp, các bác sĩ thường không nghĩ những người trẻ tuổi như tôi lại mắc Parkinson.
Ngoài việc dùng thuốc, tập thể dục cũng là một yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh Parkinson. Tôi đã đăng ký và tham gia lớp học đấm bốc ba lần một tuần để cải thiện khả năng cân bằng, nhanh nhẹn và phối hợp tay với mắt.
Tuy căn bệnh này làm thay đổi cuộc sống của tôi, tôi vẫn rất vui vì các con luôn ở bên và thấu hiểu. Thay vì cố gắng làm một người phụ nữ hoàn hảo, tôi chia nhỏ công việc ra từng ngày và ghi lại vào một cuốn sổ. Tôi coi việc chăm sóc gia đình và tận hưởng thời gian bên bạn bè là phần thưởng tuyệt vời nhất trong quá trình điều trị bệnh Parkinson.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn