Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Với vai trò là một cán bộ Hội phụ nữ bà Nguyễn Thị Phúc đã có nhiều đóng góp trong công tác bình đẳng giới tại địa phương.
Năm nay đã bước sang tuổi 70 nhưng bà Phúc vẫn đau đáu với những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới ở địa phương.
Có 38 năm tham gia nhiều công tác tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, 10 năm làm Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hương Sơn. Nhiều năm hoạt động ở những vị trí khác nhau, bà là "địa chỉ" tin cậy được chị em phụ nữ, các gia đình tin yêu.
Là một cán bộ Hội phụ nữ, bà Phúc đã tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội tại địa bàn, trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy năng lực của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Hiện nay, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ, Trưởng Ban Công tác mặt trận của Tổ Dân phố Đình Cả 1, thị trấn Hương Sơn, bà luôn lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, tuyên truyền chị em khéo léo mềm mỏng trong giải quyết mâu thuẫn vợ chồng.
Bà Phúc cho biết, thị trấn Hương Sơn có đặc thù địa bàn rộng, đông dân cư, nhiều tổ dân phố ở vùng sâu, cách xa trung tâm huyện nên nhận thức của người dân còn hạn chế, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới còn mơ hồ, chưa hiểu rõ. Vì vậy, cần phải có những người tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm, kiên trì, hài hòa, cởi mở trong công tác tuyên truyền tới chị em. Cùng với đó, các biện pháp tuyên truyền cũng cần phải lồng ghép phù hợp sao cho dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ thực hành.
Nhiều người khâm phục bà Phúc, không hiểu vì đâu bà lại có nhiều nhiệt huyết đến vậy. Bà Phúc cho biết, động lực lớn lao nhất chính là được chị em tín nhiệm, mặc dù công việc chồng chéo nhưng bà vẫn cố gắng sắp xếp, phân chia hợp lý để làm sao đạt kết quả cao nhất.
Trải qua 38 năm hoạt động phong trào, bà đã giúp đỡ được rất nhiều đôi vợ chồng hòa giải mâu thuẫn, người vợ biết cách cư xử hơn, người chồng hiểu và tôn trọng vợ hơn, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ, dần tiến tới bình đẳng trong hôn nhân.
"Có nhiều trường hợp vợ chồng mâu thuẫn lâu năm, làm đơn ly hôn, tôi đã kiên trì hòa giải, động viên, chia sẻ. Kết quả, nhiều cặp đã rút đơn, sống hòa thuận", bà Phúc tự hào chia sẻ. Đối với bà, hạnh phúc lứa đôi và cách ứng xử với nhau bình đẳng trong hôn nhân là một "món quà" không chỉ cho cặp vợ chồng mà còn là món quà quý giá cho những người làm công tác hòa giải như bà. Lấy chữ "tâm" làm đầu, bà Phúc đã giúp đỡ được nhiều người vượt qua sóng gió gian đình, được sống bình an trở lại.
Theo bà Phúc, phụ nữ phải biết chủ động đấu tranh cho quyền lợi của bản thân, tự tin vào năng lực, khả năng của chính mình, để xóa bỏ suy nghĩ "an bài của số phận".
Đây là một giải pháp cần thiết và mang tính bền vững nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới. Sắp tới, bà sẽ vận động nam giới chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ, tăng cường vận động sự tham gia của nam giới vào hoạt động bình đẳng giới. Bà cũng sẽ tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và phụ nữ trên địa bàn. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nữ, khuyến khích chị em phụ nữ cần cố gắng vươn lên, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".
Bà Phúc mong muốn các cơ quan, đoàn thể cùng chung tay, phối kết hợp tuyên truyền, vận động để toàn bộ người dân, nhất là người chồng trong gia đình hiểu rõ hơn về quyền bình đẳng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn