Người phụ nữ bị sưng tấy vùng gáy tự điều trị nhưng không đỡ, đi khám mới biết mắc bệnh than

16:40 | 01/06/2020;
Bệnh nhân có biểu hiện sưng tấy, đau lưng 2 tuần và tự điều trị ở nhà nhưng không đỡ. Tổn thương ngày càng lan rộng, đau nhức bệnh nhân đến BV thăm khám thì được xác định mắc bệnh than.

Ngày 1/6, PGS TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn (BV Việt Đức) cho biết, thời gian gần đây, BV liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh than. Các bệnh nhân có đặc điểm chung là bệnh lý nền (tiểu đường) với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau vùng gáy, lưng,...

Mới đây, một nữ bệnh nhân (75 tuổi, ở Hà Nội) có biểu hiện sưng tấy đau lưng. Bệnh nhân tự điều trị ở nhà nhưng không đỡ, trong khi tổn thương càng lan rộng, đau nhức tăng nên gia đình đưa đến BV Việt Đức thăm khám.

Tại BV, bác sĩ đã điều trị cho người bệnh ổn định và tiến hành phẫu thuật ngày 19/5. Kết quả xét nghiệm vi khuẩn là Staphylococcus Aureus (vi khuẩn tụ cầu vàng). Đây là loại vi khuẩn gây bệnh than, một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Hiện tại, vết thương của bệnh nhân đã ổn định nhưng do tổn thương rộng nhiều khả năng phải vá da.

Người phụ nữ bị sưng tấy vùng gáy đã tự điều trị nhưng không đỡ, đi khám mới biết mắc bệnh than - Ảnh 1.

Nữ bệnh nhân mắc bệnh than được điều trị tại BV Việt Đức

Mới đây nhất, ngày 23/5, BV cũng đã tiến hành phẫu thuật cho một nữ bệnh nhân 56 tuổi (trú tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Bệnh nhân có tổn thương vùng gáy gần 2 tuần trước khi đến BV. Tổn thương là những ổ áp xe nhỏ nhiều vách và ngóc ngách, tổ chức dưới da hoại tử và mủ trắng. Tại BV, bệnh nhân được cắt lọc, làm sạch và để da hở. Xét nghiệm mủ cũng là Staphylococcus Aureus.

Theo PGS- TS Nguyễn Đức Chính, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là tác nhân chính gây bệnh than (hoặc gọi là hậu bối). Từ hậu bối hay bệnh than xuất phát từ từ Latin "Carbunculus" có nghĩa là hòn than nhỏ, là khối đau cứng như đá, vị trí xuất hiện hay nằm phía thân sau của cơ thể. Ở Việt Nam, bệnh than còn được gọi là "cụm nhọt tổ ong" hay "nhọt gương sen". Bởi hình ảnh tổn thương khi vỡ mủ lỗ chỗ giống như tổ ong hoặc như gương sen đã lấy hết hạt.

Biểu hiện ban đầu của bệnh là một đám mảng đỏ có đường kính rất khác nhau, có thể từ 5cm đến 20cm kèm theo biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy, gồ cao, đau; ổ nhọt có nhiều ngòi, tiến triển hoại tử tổ chức dưới da, tổn thương lõm sâu khoảng 0,5-1cm. Hậu bối hay mọc ở gáy, lưng, ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường. Nếu không được xử lý, nhiễm trùng có thể lan tỏa đến các phần khác của cơ thể. Bệnh không tự khỏi mà cần sự can thiệp của các bác sĩ.

Bác sĩ Chính khuyến cáo, bệnh nhân khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, nhất là người đề kháng kém hay có bệnh chuyển hóa như đái tháo đường,… cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng của bệnh có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây tử vong.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn