Người phụ nữ Bru - Vân Kiều U50 thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng

16:53 | 19/11/2022;
Từ cuộc sống đói nghèo, cuộc sống chỉ dựa vào làm rẫy và sự hỗ trợ của Nhà nước thì nay gia đình chị Hồ Thị Xăm (bản Cây Cà, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi thứ lợn rừng đặc sản thịt chắc "như tập tạ".

Clip Mô hình nuôi lợn rừng thương phẩm của chị Hồ Thị Xăm

Cách làm giàu không giống ai

Với đặc thù là một xã biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình, xã Trường Sơn có tới 62% là dân tộc thiểu số, trong đó người Bru - Vân Kiều chiếm đa số.

Trước đây với địa hình rừng núi rộng và hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào ở đây gặp nhiều thiếu thốn. Nhưng từ khi có con đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua, trở thành động lực cho bà con tìm ra sinh kế, tăng cường mối giao lưu giữa các bản trong xã, giữa miền xuôi và miền ngược, cuộc sống người dân từng ngày đổi thay.

Từ thành phố Đồng Hới, đi theo ĐT563, đến ngã ba đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rẽ về phía Nam khoảng 50 km, con đường quanh co uốn lượn, hai bên đường thấp thoáng là những bản làng với ngôi nhà sàn truyền thống có nét kiến trúc đặc trưng của bà con người Bru - Vân Kiều.

Bắt đầu từ ngoài vào có thể kể đến bản Khe Cát, bản văn hóa đầu tiên của người Vân Kiều Trường Sơn, Cây Cà, qua trung tâm xã rồi đến Bến Đường, Đá Chát và Chân Troộng.

Mặc dù cuộc sống người Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nắm bắt được nhu cầu cao của thị trường về nuôi lợn rừng thương phẩm, nhiều phụ nữ Bru - Vân Kiều đã đưa lợn rừng về nuôi. Chính mô hình này đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, gia đình Hồ Thị Xăm (bản Cây Cà) là một gương điển hình thoát nghèo với mô hình nuôi lợn rừng thương phẩm.

Clip: Người phụ nữ Bru - Vân Kiều U50 thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng - Ảnh 2.

Nắm bắt được nhu cầu cao của thị trường về lợn rừng thương phẩm, gia đình chị Hồ Thị Xăm đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình nuôi lợn rừng F1.

Vốn là người con của núi rừng, sau khi lập gia đình, gia đình bà Hồ Thị Xăm (bản Cây Cà) cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản quanh năm cái đói, cái nghèo cứ đu bám bởi cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài, tự cung, tự cấp. Sau khi lập gia đình, 5 người con liên tiếp ra đời khiến cuộc sống của gia đình bà Xăm càng khó khăn hơn.

Trong lúc khó khăn, đói nghèo bủa vây, bà  Xăm như "chết đuối vớ được cọc" khi được sự quan tâm từ các đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi.

Clip: Người phụ nữ Bru - Vân Kiều U50 thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng - Ảnh 3.

Từ 3 con lợn giống ban đầu, đến nay, gia đình chị đã mở rộng quy mô chuồng trại lên 60 con.

Nắm bắt được nhu cầu cao của thị trường về lợn rừng thương phẩm, gia đình chị Hồ Thị Xăm đã mạnh dạn vay vốn xây dựg mô hình nuôi lợn rừng F1. Khởi nghiệp với vốn liếng ít và chưa có kinh nghiệm, chị Xăm chỉ dám mua 3 con lợn giống về nuôi thử nghiệm. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, vợ chồng chị tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại rau, lá cây quanh nhà để làm thức ăn cho lợn.

Đặc biệt sau thời gian được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các chương trình tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi, nhận thấy việc nuôi lợn thương phẩm dễ xảy ra dịch bệnh nếu không có mô hình nuôi độc lập, tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ những kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước, vợ chồng chị đã cùng nhau vào rừng sâu, xây dựng mô hình nuôi lợn cho riêng mình.

Từ 3 con lợn giống ban đầu, đến nay, gia đình chị đã mở rộng quy mô chuồng trại lên 60 con. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 15 - 20 con lợn rừng thương phẩm (giá bán 4,5-5 triệu đồng/con), 10-15 con lợn giống (giá bán 2,5 triệu đồng/con) cho thu nhập ổn định hơn 90 triệu đồng/năm.

Thành công từ nuôi lợn rừng, có vốn tích lũy gia đình chị Xăm đã nuôi thêm 8 con trâu, bò và trồng hơn 1.000 cây gỗ sưa. Hầu như quanh năm, gia đình chị đều có nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt.

Thoát nghèo bền vững, nuôi con ăn học thành tài

Nhìn người phụ nữ ngoài 50 tuổi, thân hình nhỏ nhắn cùng nước da ngăm đen đặc trưng bởi nắng và gió ít ai biết chị Xăm đang sở hữu cho mình một cơ ngơi nhiều người ngưỡng mộ.

Từ một hộ nghèo, nhờ tìm ra hướng phát triển kinh tế đúng cùng với sự chăm chỉ trong lao động, gia định chị Xăm trở thành một trong những hộ điển hình thoát nghèo bền vững của xã. Cuộc sống của gia đình chị ngày càng ổn định, con cái có điều kiện học hành đầy đủ. 5 đứa con của chị Xăm đều có trình độ từ Trung cấp đến Đại học và đã có công việc ổn định.

Nói về những ngày đầu khởi nghiệp của mình, chị Hồ Thị Xăm chia sẻ: "Mới đầu với số vốn ít ỏi vay từ ngân hàng chính sách, vợ chồng tôi chỉ dám nuôi 3 con lợn. Khi mua lợn về nuôi sợ chết lắm, lợn chết không có tiền trả nợ".

Clip: Người phụ nữ Bru - Vân Kiều U50 thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng - Ảnh 4.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị Hồ Thị Xăm còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng của mình cho nhiều chị em khác để cùng họ phát triển kinh tế gia đình

Mặc dù chỉ khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, thế nhưng nhờ vào cách nuôi lợn không giống ai, đàn lợn của gia đình chị Xăm ngày càng được nhân lên. Sau quá trình tìm hiểu về tập quán ăn uống cũng như dịch bệnh tiềm ẩn khi nuôi lợn, gia đình chị Xăm đã vào rừng sâu, lập lán, xây dựng chuồng trại với quy mô khép kín, đặc biệt, thức ăn cho lợn cũng tự cung tự cấp, không sử dụng các loại thức ăn tăng trọng nên đã giảm thiểu tối đa dịch bệnh.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị Hồ Thị Xăm còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng của mình cho nhiều chị em phụ nữ khác để cùng họ phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) cho biết: "Trường Sơn là một xã miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình, toàn xã có 1.200 hộ dân, trong đó người Bru - Vân Kiều chiếm 62% nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc phát triển kinh tế đối với bà con người Bru - Vân Kiều là một bài toán khó bởi trình độ dân trí của bà con còn hạn chế. Với tinh thần luôn học hỏi, tìm tòi, quyết tâm làm giàu, gia đình bà Hồ Thị Xăm đã xây dựng cho mình một mô hình nuôi lợn rừng F1 rất thành công. Sau thành công từ mô hình chăn nuôi lợn, bà Xăm đã động viên bà con trong bản học theo làm theo. Hiện nay, toàn xã có 10 mô hình nuôi lợn rừng F1 cũng đang phát triển khá tốt".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn