Người phụ nữ Cao Lan biến đất đồi thành tiền

18:49 | 17/06/2024;
Trên đất vườn xơ xác bỏ hoang, giờ đã thành vùng cây ăn quả lớn ở xã Lục Sơn (thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), chị Đàm Thị Tâm (SN 1980) người dân tộc Cao Lan đổi đời từ nghèo khó thành giàu có. Chị Tâm kỳ vọng, trong tương lai không xa, những trái cây ăn quả trong vườn nhà chị sẽ vươn ra thế giới.

Không mạnh dạn thì không thoát nghèo

Dưới cái nắng như lửa đốt mùa hè tháng 6, chị Đàm Thị Tâm vẫn đang cần mẫn chăm sóc vườn cây, nâng niu từng chùm quả, bón phân và tưới nước cho từng gốc cây. Chính mảnh đất này đã giúp cho chị từ một người phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo khó trở thành một "chủ vựa" có thu nhập khá từ cây nhãn, vải, bạch đàn…

Người phụ nữ Cao Lan biến đất đồi thành tiền - Ảnh 1.

Từ một người phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo khó, chị Tâm trở thành một "chủ vựa" có thu nhập khá từ cây nhãn, vải, bạch đàn…

Mấy năm trước, kinh tế gia đình chị cũng như nhiều hộ dân ở Lục Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ cây vải thiều. Nhưng cũng nhiều năm, vải thiều bán ế, giá liên tục xuống thấp khiến cho kinh tế đã bấp bênh lại càng thêm bấp bênh. Chăm sóc cả năm đến khi thu hoạch lại không có đồng lãi nào, chị buồn rơi nước mắt.

Chị nghĩ, không thể cứ phụ thuộc vào những gốc vải, cần phải khiến cho đất đẻ ra tiền quanh năm. Chị bắt đầu nung nấu ý tưởng trồng vải, nhãn, bạch đàn, các loại cây trồng xen canh, luân canh. Nhưng vấn đề mà chị đau đầu nhất là "vốn ở đâu?" trong khi chính bản thân chị còn phải lo bữa nay, bữa mai.

Ở vùng đất Lục Sơn có đến 98% là đồng bào dân tộc Cao Lan như chị, họ cũng chẳng có cách nào để đời sống khấm khá hơn. Bản thân chị lại là người phụ nữ đơn thuần, sống phụ thuộc vào đất, chưa va chạm cuộc sống, chưa có lối suy nghĩ tiến bộ,…

Người phụ nữ Cao Lan biến đất đồi thành tiền - Ảnh 2.

Ở vùng đất Lục Sơn có đến 98% là đồng bào dân tộc Cao Lan

Trăn trở bao ngày, cuối cùng một "tia sáng cuối đường hầm" đã mở ra trước mắt chị, đó chính là nguồn vốn chính sách được Hội LHPN xã hỗ trợ để phụ nữ làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Khi bắt đầu nghĩ đến việc vay vốn, chị cũng hoang mang lắm. Liệu vay rồi đến hạn không trả được thì sao? Rồi biết đâu mất mùa thì mất trắng lại còn mang nợ. Nhưng cuối cùng chị cũng thông suốt, nếu không thay đổi, không mạnh dạn làm kinh tế thì chẳng bao giờ thoát nghèo chứ nói gì đến làm giàu.

Kinh doanh vườn chứ không chỉ làm vườn

Năm 2019, được Hội LHPN xã Lục Sơn động viên, khích lệ và tạo điều kiện, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để cải tạo đất trồng, mua phân bón, mua cây giống, chăm sóc vườn đồi, mua trang thiết bị nông nghiệp để khiến "đất đẻ ra tiền". Chị chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn của địa phương để có thêm kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp rồi đem ra áp dụng trồng bạch đàn, trồng vải, nhãn,…

Người phụ nữ Cao Lan biến đất đồi thành tiền - Ảnh 3.

Hội LHPN xã Lục Sơn luôn động viên, khích lệ và tạo điều kiện giúp hội viên vay vốn làm kinh tế

Sau 5 năm vất vả, vườn bạch đàn, nhãn, vải của gia đình chị đã cho thu nhập mình đã gây dựng.

Chị Tâm chia sẻ: "Khi chưa biết đến nguồn vốn chính sách xã hội, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Gia đình chỉ làm ruộng thì chỉ được ít thóc còn không đủ ăn, chứ không dám nói đến no đủ. Nhưng sau khi được vay vốn làm kinh tế tôi đã có thể vươn lên làm giàu, có cuộc sống tiện nghi hơn, con cái được chăm sóc tốt hơn. Trong thời gian tới tôi muốn vay thêm vốn để mở rộng mô hình kinh tế".

Chị Đàm Thị Tâm cũng xác định kinh doanh vườn chứ không chỉ làm vườn. Trong thời gian tới chị sẽ tiếp tục học hỏi để tạo dựng thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm nhãn, vải của gia đình. Và chị vẫn theo đuổi ước mơ nhãn, vải của gia đình chị sẽ có cơ hội được xuất khẩu, vươn ra biển lớn.

Người phụ nữ Cao Lan biến đất đồi thành tiền - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Sơn (ở giữa)

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Sơn, nếu như trước đây, để phủ xanh đất trống, đồi trọc, chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân và đồng bào dân tộc thiểu số về hiệu quả của việc trồng rừng. Thì nay, do hiệu quả từ trồng rừng mang lại, đặc biệt là những mô hình "người thật, việc thật" như hộ gia đình chị Đàm Thị Tâm, thì phong trào trồng rừng ở xã đã lan tỏa rộng khắp. Trồng rừng, trồng cây ăn quả đã trở thành nghề chính và thực sự giúp đồng bào dân tộc Cao Lan vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Hằng cũng cho hay, Hội LHPN các cấp luôn tạo điều kiện và hỗ trợ người dân vay vốn làm kinh tế. Quy trình vay vốn cũng rất thích hợp với bà con, thủ tục đơn giản, không rườm rà.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là định hướng của tỉnh Bắc Giang. Qua đây cho thấy nông dân Lục Nam đang làm rất tốt hướng sản xuất này hướng tới sản phẩm hữu cơ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao thị trường trong nước, xuất khẩu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn