Người phụ nữ chuyển giới đầu tiên mang âm đạo từ da cá

19:30 | 17/05/2019;
Sau khi được tái tạo âm đạo từ da cá, chị Maju (35 tuổi, ở Brazil) chia sẻ, cuối cùng sau bao năm, chị cũng được cảm thấy "như một người phụ nữ thực sự”.

Ly hôn vì... mất âm đạo

Chị Maju phát hiện ra mình là một người phụ nữ bị “mắc kẹt” trong cơ thể của người đàn ông khi ở tuổi thiếu niên. Không ngần ngại, chị quyết định phẫu thuật chuyển giới vào năm 1999.

“Tôi là người thứ tư như vậy ở Brazil vào năm 1999, sau đó tôi đã phẫu thuật thử nghiệm. Nhưng 10 năm trước, tôi bắt đầu bị hẹp âm đạo. Âm đạo của tôi bắt đầu hẹp hơn, ngắn hơn và... sụp đổ”, chị Maju chia sẻ.

 

nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca-6.jpg
Maju đã trở thành người chuyển giới đầu tiên trên thế giới được phẫu thuật tái tạo âm đạo bằng cách sử dụng da cá rô phi.

Theo Giáo sư Leonardo Bezerra tại Đại học Liên bang Ceará (thành phố Fortaleza, đông bắc Brazil) - người sau đó đã tái tạo âm đạo cho chị Maju - hẹp âm đạo là tình trạng hẹp hoặc mất tính linh hoạt trong âm đạo, thường đi kèm với khô hạn. Đây là một biến chứng phổ biến ở phụ nữ chuyển giới đã trải qua quá trình thay đổi giới tính. “Trong thủ tục chuyển giới truyền thống, hầu hết các bộ phận bên trong của dương vật đều bị cắt bỏ và da dương vật bị gập vào khoảng trống giữa niệu đạo và trực tràng. Da bên ngoài của dương vật sau đó trở thành bên trong âm đạo. Nhưng vì bệnh nhân đã được điều trị nội tiết tố để phát triển các đặc tính nữ, trong đó có làm teo dương vật và tinh hoàn, do đó dẫn đến co rút kích thước dương vật gây ra do mất mô. Điều này có nghĩa là âm đạo cũng có thể bị nhỏ lại”, Giáo sư Bezerra giải thích.

 

nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca-5.jpg
Giáo sư Leonardo Bezerra của Đại học Liên bang Ceará.

Tình trạng trên khiến chị Maju liên tục khó chịu và ngăn cản chị trong quan hệ vợ chồng với người bạn đời gắn bó 12 năm. Cũng từ đó, chị Maju đành cam chịu cuộc sống độc thân.

 

Hành trình đi tìm lại chính mình

Sau ly hôn, chị Maju chuyển về sống với mẹ ở Sao Paulo. Tại đây, chị đã biết đến Giáo sư Leonardo Bezerra là người chuyên tái tạo âm đạo bằng màng cá nước ngọt cho những phụ nữ sinh ra mà không có đầy đủ bộ phận sinh dục.

Kể từ khi phát triển kỹ thuật này 3 năm trước, Giáo sư Bezerra tuyên bố ông đã điều trị thành công cho 10 phụ nữ sinh ra với âm đạo hoặc tử cung kém phát triển hoặc không có.

 

nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca-4.jpg
Lớp da cá được hấp thụ vào vết mổ giữa trực tràng và bàng quang của bệnh nhân. Nó tăng tốc độ chữa lành và được chuyển thành mô tương tự như đường âm đạo.

Vì chị Maju không đủ khả năng để di chuyển 3.140km từ Sao Paulo đến Fortaleza, do đó, các bác sĩ phẫu thuật đã đồng ý thực hiện ca phẫu thuật tại Trung tâm Chăm sóc Toàn diện cho Sức khỏe Phụ nữ ở Campinas gần nơi chị đang sống.

Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện chị Maju vẫn còn mô cương cứng xốp trong âm đạo bị sụp sau ca phẫu thuật đầu tiên. “Sự hiện diện của những phần còn sót lại của dương vật khiến tình trạng hẹp âm đạo thêm trầm trọng”, Giáo sư Bezerra khẳng định.

 

nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca-1.jpg
Để tái tạo âm đạo, da cá được quấn quanh một khuôn hình bộ phận sinh dục

Ngày 23/4/2019, Giáo sư Bezerra đã tiến hành tái tạo âm đạo cho chị Maju bằng da cá. Trong ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ, các bác sĩ đã chèn một khuôn hình ống được bọc bằng da của cá nước ngọt đã được khử trùng, không mùi. Miếng da này được để lại bên trong cơ thể chị Maju 6 ngày để nó được hấp thụ vào cơ thể chị. Sau đó, các bác sĩ chèn một băng vệ sinh tampon lớn bằng silicone vào âm đạo của chị. Vật này sẽ được để lại trong 6 tháng để ngăn chặn âm đạo của chị bị hẹp lại.

3 tuần sau thực hiện thủ thuật, chị Maju đã hạnh phúc vỡ òa: “Tôi rất hồi hộp với kết quả. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thật trọn vẹn và như một người phụ nữ thực sự”. Bác sĩ phẫu thuật thậm chí còn nghĩ rằng chị có thể quan hệ tình dục chỉ trong vài tháng tới.

 

nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca-2.jpg
Da cá được bảo quản bằng túi hút chân không.

Giáo sư Bezerra cho biết: “Lợi ích to lớn của kỹ thuật này là xâm lấn ở mức tối thiểu. Chúng tôi có thể tạo ra âm đạo có độ dài và cả độ dày sinh lý như thật. Bệnh nhân đã hồi phục cực kỳ tốt. Cô ấy đã có thể đi lại dễ dàng, không đau và đi tiểu bình thường. Trong vài tháng tới, chúng tôi tin rằng cô ấy sẽ có thể quan hệ tình dục”.

Trước Maju, Giáo sư Bezerra đã phẫu thuật cho Jucilene Marinho vào tháng 4/2017. Cô gái 23 tuổi được sinh ra với hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hause (MRKH) khiến người mắc không có cổ tử cung, tử cung hoặc buồng trứng. Sau ca phẫu thuật, Marinho đã chia sẻ cô cảm thấy rất tuyệt vời “khi có cái mà phần lớn phụ nữ coi là điều hiển nhiên” và giờ cô đã có thể tận hưởng cuộc sống tình dục với bạn tình.

Vào tháng 11/2018, lần đầu tiên thủ thuật này được tiến hành trên một người phụ nữ 41 tuổi đang hồi phục sau căn bệnh ung thư âm đạo. Elisiane Gusmão, một giáo viên đến từ Minas Gerais, đã tái tạo âm đạo của người phụ nữ trung niên sau khi cấu trúc và mô của nó bị tổn thương do xạ trị vùng chậu.

 

Da cá - vật liệu y tế bất ngờ

Trước khi được sử dụng vào lĩnh vực y tế, da cá rô phi phải trải qua một quá trình khử trùng nghiêm ngặt tại Hạt nhân Nghiên cứu và Phát triển Thuốc (NPDM). Sau khi được khử trùng, nó tiếp tục phải trải qua xạ trị để tiêu diệt bất kỳ loại virus còn sót lại nào.

Sau đó, nó có thể được lưu trữ lên đến 2 năm nếu để trong tủ lạnh. Điều này có nghĩa là vật liệu này có thể được phân phối an toàn cho các trung tâm điều trị trên khắp châu Mỹ Latinh và nước ngoài.

 

nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca-3.jpg
Da cá rô phi có khả năng đàn hồi tốt.
nguoi-phu-nu-chuyen-gioi-dau-tien-mang-am-dao-tu-da-ca.jpg
Da cá được khử trùng trước khi sử dụng cho mục đích y tế

Ngoài tác dụng tái tạo âm đạo như trên, da cá rô phi còn được biết đến với công dụng để chữa bỏng do giàu độ ẩm và collagen. Hai yếu tố này được cho là tương tác với hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, giúp tăng tốc độ chữa lành.

Da cá sẽ được loại bỏ khỏi vết bỏng sau khoảng một tuần và không cần phải thay băng hàng ngày. Da cá rô phi đã được chứng minh là đàn hồi hơn da lợn - vật liệu được sử dụng trước đây.

Theo Carlos Roberto Koscky Paier, một kỹ thuật viên công nghệ sinh học tại Đại học Liên bang Ceará, da cá vẫn bị coi là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp thực phẩm, vì vậy những người nông dân luôn vui vẻ cung cấp miễn phí do các hoạt động “y tế và nhân đạo”.

Thậm chí, gần đây, da cá rô phi còn được đem da ngoài không gian thử nghiệm. NASA đã công bố trong tháng này, họ đang lên kế hoạch thử nghiệm các mẫu trang phục trên quỹ đạo để xem nó phản ứng như thế nào trong điều kiện khí quyển của bức xạ, trọng lực và áp suất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn