Trong nhiều năm, Manisha đã nhận nuôi 8 đứa trẻ bị bỏ rơi. Gia đình lớn này có thứ tình yêu mà Manisha chưa từng được cảm nhận khi còn nhỏ. Cô kể: "Bố mẹ thấy tôi khác thường nên nhốt tôi lại. Khi họ hàng đến thăm, tôi sẽ bị nhốt để họ không nhìn thấy tôi. Bố mẹ sợ xấu hổ và sợ xã hội xa lánh".
Qua một cuộc gọi, Manisha đã nghẹn ngào bật khóc chia sẻ về tuổi thơ của mình. Ở trường, các bạn nam không cho cô chơi chung, đuổi cô đến chỗ các bạn nữ, nhưng họ cũng xa lánh cô. Trong khu phố Manisha ở bang Chhattisgarh, không đứa trẻ nào chịu chơi với cô.
Khi Manisha phàn nàn vì không ai chơi chung, mẹ cô chỉ bảo "Chơi ở trong nhà" trong khi cha cô phớt lờ câu hỏi. Khi Manisha chừng 5 tuổi, họ bỏ rơi cô trên đường phố. Trong nhiều năm, Manisha đi xin ăn để sống; khi lớn hơn, cô đi hiến máu, rửa bát, lau nhà để kiếm tiền.
"Đó là một cuộc sống không có tình yêu thương, chỉ có khó khăn và vất vả. Có lần tôi bị sốt cao và rất đói, người ta nói rằng họ sẽ cho tôi chút thức ăn nếu dọn dẹp hết toàn bộ ngôi nhà. Đôi khi tôi còn phải ngủ ngoài đường. Tôi không bao giờ biết khi nào mình sẽ có thức ăn", Manisha trải lòng.
Một ngày nọ, một người quen cho cô biết nơi anh trai đang sống. Mong muốn kết nối lại với gia đình đã khiến Manisha thử tìm đến nhà anh trai.
"Anh tôi thậm chí còn không cho tôi vào trong nhà. Anh ấy đuổi tôi đi. Anh nói các con của anh ấy sẽ không bao giờ có thể kết hôn nếu ai đó biết tôi có quan hệ họ hàng với chúng", cô nói .
Những người chuyển giới ở Ấn Độ thường di cư đến các thị trấn, nhưng Manisha sống ở làng Pakhanjur. Người dân ở đây rất nghèo, điều đó có nghĩa là cô chỉ có thể kiếm được rất ít tiền từ một số nghề truyền thống dành cho người chuyển giới, bao gồm hát, múa trong đám cưới hoặc lễ kỷ niệm sinh con trai.
Tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng điều này vẫn không cản được lòng bao dung của Manisha khi nhận nuôi 8 đứa trẻ. Chúng gồm Rubel, Sharmeen, Chompa, Bistee, Rakhi, Tania, Megha và đứa trẻ nhỏ nhất, Tuneja. Mẹ của Tuneja đã nài nỉ Manisha nhận nuôi con cô vì người mẹ này không có tiền để nuôi con.
Hầu hết những đứa trẻ Manisha nhận nuôi đều bị bỏ rơi, trong đó có đứa trẻ sống sót sau khi bị mẹ ruột đầu độc, còn đứa khác bị thương do đánh đập.
Mặc dù chỉ kiếm được số tiền ít ỏi ở nơi làm việc, nhưng khi Manisha về nhà cô không hề thấy buồn bã vì các con luôn chạy ra cửa và vây quanh, chào đón cô bằng những cái ôm. Cô nói: "Khi nhận lấy cái ôm từ bọn trẻ, những lo lắng của tôi dường như tan biến".
"Tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy những đứa trẻ khác phải chịu đựng những tổn thương như tôi đã từng. Tôi muốn trở thành một người mẹ và người cha cho bất kỳ đứa trẻ nào cần cha mẹ và tình yêu thương. Tôi muốn cho đi những gì tôi chưa từng nhận được" - Manisha chia sẻ.
Giống như nhiều người ở Ấn Độ, đại dịch COVID – 19 đã khiến gia cảnh của Manisha trở nên nghèo khó hơn, và việc nuôi dưỡng 6 đứa trẻ gần như là một cuộc đấu tranh.
COVID-19 đã buộc nhiều người Ấn Độ phải cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Đám cưới tổ chức nhỏ vì số lượng khách mời có hạn. Đối với cộng đồng chuyển giới, thu nhập cũng đã giảm hơn nữa.
Ngoài ra, tiền thuê phòng cũng ở mức cao. Manisha đã từng cùng 8 đứa con sống trong một căn phòng nhỏ. "Chủ nhà thường không nhường phòng cho những người chuyển giới. Họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ phá hoại nơi này. Đây là nơi duy nhất tôi và các con có thể ở", cô nói.
Nhà ở là một trong nhiều lĩnh vực mà ước tính khoảng hai triệu người chuyển giới của Ấn Độ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Một nghiên cứu của Humsafar Trust vào năm 2018 cho thấy gần 60% người chuyển giới ở ba thành phố gồm Delhi, Bengaluru và Mumbai từng bị bạo lực.
"Ước mơ của tôi là thành lập một trại trẻ mồ côi để có thể tiếp nhận bất cứ trẻ em nào cần được yêu thương. Chỉ cần tôi có sức mạnh và cuộc sống, tôi muốn tiếp nhận trẻ em và trao cho chúng tình yêu thương mà mọi đứa trẻ cần" - Mong muốn của Manisha
Tuy nhiên, cũng có một số câu chuyện về những người chuyển giới thành công ở Ấn Độ. Họ là hiệu trưởng đại học, luật sư, người dẫn chương trình truyền hình, sĩ quan cảnh sát, sĩ quan hải quân, thị trưởng, hay nhà hoạt động xã hội. Nhưng hầu hết những ví dụ đó là về những người được hưởng một nền giáo dục, điều mà Manisha thiếu.
4 trong số những đứa trẻ mà Manisha nhận nuôi đang học ở trường chính quyền địa phương và có kết quả học tập rất tốt. Manisha đã đặt ngày sinh ngẫu nhiên cho bọn trẻ và tặng chúng một chiếc bánh vào ngày sinh nhật, điều mà bản thân cô chưa bao giờ có được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn