Trầm cảm sau sinh là một vấn đề sức khỏe tâm lý phổ biến, tác động đến khoảng 10-15% phụ nữ sau khi sinh con. Tuy nhiên, đây là một chủ đề thường bị nhầm lẫn hoặc không được chú ý đúng mức, khiến cho nhiều người không nhận ra mình đang mắc phải tình trạng này.
Đáng nói, tình trạng phụ nữ sau sinh có hành động tiêu cực đang ngày càng phổ biến. Mới đây nhất, chiều 5/4, tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng phát hiện 2 bé gái sinh đôi 2 tuổi tử vong tại nhà.
Thời điểm này, người mẹ T.T.M (41 tuổi) đã bỏ nhà đi, để lại bức thư tuyệt mệnh trên bàn trong phòng khách. Đại ý nội dung bức thư chị M cho biết, rất yêu thương chồng, con nhưng sau khi sinh lần 2 (sinh đôi) thì bản thân bị bệnh trầm cảm nặng, không thể tiếp tục nuôi con. Chị muốn 2 con gái chết cùng mình để chồng đỡ gánh nặng và có điều kiện nuôi đứa con trai nhỏ đầu...
Sau đó, người dân phát hiện và kịp thời cứu sống chị M nhảy cầu Bà Rén (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) cách nhà khoảng 40 km. Cơ quan công an xác định, chị M bị trầm cảm sau sinh và đã có biểu hiện bất thường về tâm lý trong thời gian qua, từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần...
Đây chỉ là một trong số nhiều sự việc đau lòng liên quan đến bệnh trầm cảm xảy ra trong những năm gần đây. Với mong muốn giúp các bà mẹ trẻ có thể hiểu rõ hơn về trầm cảm sau sinh và kịp thời tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ khi cần thiết, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ - Bác sĩ Đàm Văn Đức - Chuyên gia tâm lý đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Thưa bác sĩ, một người từng làm mẹ, lạc quan, vui vẻ, thì có khả năng mắc trầm cảm khi sinh bé thứ 2 hay không?
Trước tiên cần hiểu trầm cảm sau sinh là gì? Việc sinh ra một em bé mang đến cho người mẹ rất nhiều cảm xúc, có thể từ háo hức, vui vẻ đến sợ hãi, lo âu… Trong đó có tình trạng rối loạn cảm xúc mà không ai muốn gặp phải, đó là trầm cảm sau sinh.
Phụ nữ sau sinh thường trải qua một giai đoạn có sự thay đổi cảm xúc ngắn, khi đó cảm xúc của họ bất ổn hơn, dễ khóc, dễ lo âu và khó ngủ, gọi là buồn sau sinh (baby blues). Hiện tượng baby blues này thường xuất hiện 2-3 ngày sau sinh và có thể kéo dài đến khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng buồn chán mức độ nặng nề và kéo dài hơn, thì được gọi là trầm cảm sau sinh.
Có tới 75% bà mẹ trải qua giai đoạn baby blues, và 15% trong số đó sẽ phát triển thành trầm cảm sau sinh; nhưng đôi khi dùng từ "sau sinh" cũng chưa thật chính xác, và hiện nay người ta gọi là "trầm cảm quanh thời kỳ sinh đẻ", bởi nó không chỉ xảy ra sau sinh mà còn có thể diễn ra từ lúc mang bầu và tiếp diễn đến khi sinh em bé.
Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh thường bao gồm tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sau sinh cơ thể người mẹ có sự thay đổi rất mạnh mẽ về mặt hormon, cụ thể là sự sụt giảm đột ngột của lượng hormon estrogen và progesteron.
Bên cạnh việc thay đổi về mặt sinh hóa của cơ thể thì việc thay đổi về tâm lý và xã hội cũng liên quan đến trầm cảm sau sinh. Cụ thể, có những yếu tố làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh như tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc trầm cảm, trầm cảm sau sinh, hay trầm cảm liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Hoặc người mẹ thiếu sự hỗ trợ của xã hội, có những khó khăn trong đời sống hôn nhân hay trong quá trình mang bầu như: mắc bệnh trong quá trình mang thai, khó sinh, sinh non; phụ nữ sinh con khi còn quá trẻ, dưới 20 tuổi; làm mẹ đơn thân hoặc con khóc quá nhiều…
Do đó, việc mắc trầm cảm sau sinh không phải chỉ xảy ra đối với những người có con lần đầu tiên, mà cũng có thể xảy ra đối với những người đã từng có kinh nghiệm làm mẹ. Điều này có thể do những thay đổi về cơ thể, tình cảm, hoặc nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ. Dù cho trước đó người này từng có những chỉ số tích cực về sự lạc quan và vui vẻ, tuy nhiên sinh con là một sự kiện căng thẳng về mặt cả vật lý lẫn tinh thần, và nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe của một người bất kể đã có bao nhiêu lần sinh con.
Vì sao nhiều người sinh con đến sau 12 tháng mà vẫn bị trầm cảm?
Như đã trao đổi ở trên, trầm cảm có thể khởi phát từ khi người mẹ còn mang bầu, hoặc có thể sau sinh. Theo tiêu chuẩn của DSM5, "trầm cảm quanh thời kỳ sinh đẻ" là trầm cảm khởi phát trong quá trình mang bầu hoặc trong vòng 4 tuần sau sinh (thời kỳ hậu sản). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cảm có thể khởi phát ở thời kỳ ở cữ, tức khoảng 3 đến 12 tháng sau sinh. Trong đó, khởi phát trong khoảng 1 tháng sau sinh chiếm 54%, khởi phát trong 2-4 tháng sau sinh chiếm 40% và khởi phát sau sinh khoảng 5-12 tháng chiếm 6%. Nghĩa là trong 1 năm sau khi sinh thì nguy cơ mắc trầm cảm ở 5 tháng đầu cao gấp 3 lần so với 7 tháng sau.
Như vậy, nếu sau sinh 4 tuần không mắc trầm cảm, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ không thể mắc trầm cảm trong các tháng tiếp theo. Trong thời gian đầu, yếu tố hormon có vai trò quan trọng trong hình thành trầm cảm, tuy nhiên thời gian về sau, khi hormon trong cơ thể người mẹ đã về trạng thái cân bằng, thì các yếu tố tâm lý, xã hội lại có vai trò quan trọng hơn. Do vậy, một người mẹ có nhiều yếu tố nguy cơ về tâm lý xã hội kể trên hoàn toàn có thể mắc trầm cảm ngay cả khi đã sinh con một vài tháng hoặc thậm chí cả 1 năm sau sinh.
Người tâm lý yếu, không thích trẻ con dễ bị trầm cảm hơn, có đúng không?
Không thật sự chính xác khi nói rằng người tâm lý yếu, không thích trẻ con sẽ dễ bị trầm cảm hơn. Như đã nói, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc một người mẹ có thể bị trầm cảm quanh thời kỳ sinh đẻ hay không. Trong đó yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là người mẹ này đã có tiền sử trầm cảm trước đó.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như các áp lực cuộc sống, mâu thuẫn trong hôn nhân, thiếu sự hỗ trợ về xã hội, về tài chính, tuổi sinh nở còn quá trẻ, mẹ đơn thân, sinh đôi, sinh ba, bạo lực từ chồng, bị lạm dụng tình dục, có thai ngoài ý muốn, có suy nghĩ tiêu cực về việc mang thai, có những bệnh lý nội khoa trong quá trình mang thai, thất vọng về sự thay đổi ngoại hình sau sinh, sinh khó, con khó nuôi, quấy khóc, không có sữa cho con bú… Tất cả những yếu tố đó là những áp lực lớn cho người mẹ và đều góp phần hình thành nên trầm cảm chứ không riêng việc tâm lý yếu hay việc có thích hay không thích trẻ con.
Vì sao nhiều người được chồng thương yêu, gia đình đồng hành, mà vẫn bị trầm cảm?
Chúng ta nhiều khi hay nói với nhau rằng, cô này bị trầm cảm sau sinh là do chồng không quan tâm, hoặc do mẹ chồng gây áp lực… Thực ra thì đây chỉ là một phần nhỏ, đúng nhưng chưa đủ, việc có trầm cảm hay không không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý xã hội, mà còn liên quan đến các yếu tố nội tiết và các chất dẫn truyền thần kinh, hoặc thậm chí là sự thay đổi hoạt động chức năng của từng vùng não sau khi sinh em bé. Do vậy, một người mẹ có chồng yêu thương, gia đình đồng hành vẫn có thể mắc trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ và quan tâm của người thân là một yếu tố quan trọng giúp người mẹ mới sinh vượt qua trầm cảm.
Bác sĩ có thể chia sẻ một kỷ niệm nhớ nhất về ca bệnh trầm cảm sau sinh?
Tôi đã và đang thăm khám, chữa trị có rất nhiều bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh. Gần đây có một phụ nữ 30 tuổi sinh con lần 2, ở lần sinh con trước, cô ấy cũng đã mắc trầm cảm sau sinh, và may mắn là các triệu chứng thuyên giảm sau khoảng 1 tháng và cô ấy không đi khám và điều trị gì cả. Nhưng lần này, sau khi sinh con lần 2 được 2 tuần, các triệu chứng trầm cảm quay lại, cô ấy luôn cảm thấy chán nản, buồn phiền, bất an, rất dễ khóc và ngủ được rất ít. Cô ấy không thể chăm sóc con mình, cảm thấy không có sự gắn kết trong tình cảm mẹ con, không muốn chơi với con, thậm chí còn có đôi lúc có ý nghĩ muốn tìm đến cái chết, và có lúc còn có ý nghĩ muốn làm hại con mình. Cô ấy thấy sợ những suy nghĩ đó của mình và tìm đến bác sĩ để điều trị.
Tại phòng khám, cô ấy kể lại những trải nghiệm đó trong một tâm trạng rất buồn phiền và liên tục chảy nước mắt. Bệnh nhân này cũng chia sẻ rằng áp lực một phần đến từ những bất đồng trong việc chăm sóc con với mẹ chồng. Đây cũng là một trường hợp điển hình của trầm cảm sau sinh. Sau khi thăm khám, chúng tôi đã điều trị bằng thuốc và cả những hỗ trợ về tâm lý…
Sau khoảng 2 tháng điều trị, lần gần đây nhất gặp lại, nét mặt cô ấy đã tươi tỉnh hơn rất nhiều, cô ấy cười và chia sẻ rằng mình đã chăm sóc con được trở lại, đã cảm thấy tình yêu thương đối với con và hoàn toàn đã hết suy nghĩ muốn làm hại con, giấc ngủ của cô ấy cũng tốt hơn, cảm xúc buồn chán đã vơi đi rõ rệt.
Qua đây, chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng, trầm cảm sau sinh không đáng sợ, tuy nhiên những người chồng và gia đình cần phải quan tâm hơn nữa đến sức khoẻ tâm thần của các mẹ bỉm sữa, và nếu phát hiện dấu hiệu tâm lý bất thường hãy lập tức tìm đến các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ tinh thần để cùng nhau giúp cho những bà mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn khi vừa đón nhận một thành viên mới đến với họ trong cuộc đời.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn