Chinh phục kỷ lục ở tuổi U70
Bà Kathy Sullivan xuống vực thẳm Challenger nhờ tàu lặn Limiting Factor. Con tàu nhỏ tách ra từ tàu thám hiểm DSSV Pressure Drop khởi hành từ đảo Guam ngày 7/6. Nhà thám hiểm kiêm nhà đầu tư Victor Vescovo (54 tuổi) là người lái Limiting Factor. "Xuống vực thẳm Challenger và trở lại! Thiết bị đo của chúng tôi ghi nhận độ sâu 10.915m", Sullivan viết trên Facebook sau khi hoàn thành chuyến lặn lịch sử. Ông Vescovo cũng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến bà trên mạng xã hội Twitter.
Sullivan và Vescovo dành khoảng 1,5 tiếng để khám phá vực thẳm Challenger, Mariana Trench, cách đảo Guam hơn 300 km về phía Tây Nam. Đây là nơi sâu nhất trong số các rãnh đại dương trên toàn thế giới. Sau khi chụp ảnh, cả hai mất khoảng 4 tiếng để đi lên. Khi trở lại tàu DSSV Pressure Drop, họ gọi điện cho nhóm phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), vật thể đang bay ở độ cao hơn 400km. "Khi di chuyển dọc theo đáy đại dương, chúng tôi nhớ tới những đoạn video của các phi hành gia bay trên bề mặt Mặt trăng. "Cảnh cung trăng" là cụm từ tôi luôn nghĩ tới, giống như tôi đang nhìn thấy Mặt trăng tại đây trên hành tinh của chúng ta. Là nhà hải dương học kiêm phi hành gia, với tôi, đây là một ngày phi thường, độc nhất vô nhị. Tôi được quan sát khung cảnh dưới vực thẳm Challenger rồi trao đổi với các đồng nghiệp trên trạm ISS", bà Sullivan chia sẻ.
Tiến sĩ Tim Shank, một nhà sinh học thuộc Viện Hải dương học Woods Hole, đã gọi bà Sullivan là một "lãnh đạo tuyệt vời" trong lĩnh vực nghiên cứu về các đại dương trên thế giới. Hiện tại chỉ có 1 tàu lặn duy nhất trên thế giới có thể đến được vực thẳm Challenger. "Tôi rùng mình khi nghe tin bà ấy ở trong con tàu đó. Bất kỳ lúc nào chúng ta có thể đến những nơi khắc nghiệt như vậy trên Trái đất để nghiên cứu về chúng, đó đều là một sự kiện lớn", ông Tim nói.
Vực thẳm Challenger được tàu của Anh là HMS Challenger phát hiện trong chuyến ra khơi từ năm 1872 đến năm 1876. Kể từ đó, nhiều chuyến thám hiểm đã nỗ lực tìm cách đo lường chiều sâu của khe hẹp này, làm nổ ra những tranh cãi không chỉ về sự chính xác của các số liệu mà còn về việc ai thực sự là người đầu tiên đặt chân đến điểm sâu nhất hành tinh. Bà Sullivan là người thứ 8 ghé thăm vực thẳm Challenger nằm trong rãnh Mariana, nơi có độ sâu lớn hơn cả chiều cao của núi Everest.
Một đời đam mê khám phá
Ngay từ khi còn trẻ, bà Sullivan đã được truyền cảm hứng từ những nhà thám hiểm. "Tôi luôn theo dõi các nhà thám hiểm kỳ cựu như Jacques Cousteau, lãnh đạo Santa Cruz của Hải quân Hoa Kỳ. Sự tò mò đó mang lại cho tôi cảm giác muốn phiêu lưu, mạo hiểm", bà nhớ lại. Khi học tại Đại học California, bà say mê các câu chuyện khám phá, kiến thức về đại dương, hoạt động địa chất, dòng hải lưu và các sinh vật.
Bị mê hoặc bởi đại dương, Sullivan tiếp tục học tại Đại học Dalhousie, nơi bà lấy bằng tiến sĩ địa chất, tập trung nghiên cứu về Bắc Đại Tây Dương. Vì vậy, khi nghe tin Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyển dụng, bà đã chớp lấy cơ hội để trở thành một nhà điều hành thám hiểm. Sau khi tốt nghiệp năm 1978, bà gia nhập NASA và nằm trong nhóm phi hành gia Mỹ đầu tiên có nữ giới tham gia. Ngày 11/10/1984, bà trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Trong 10 năm, Sullivan có mặt trên 3 sứ mệnh tàu con thoi và 532 giờ ngoài không gian. Bà từng là quản trị viên của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia và viết một cuốn sách "Dấu tay trên Hubble: Câu chuyện phát minh của một phi hành gia", đóng góp nhiều nghiên cứu lớn cho cộng đồng khoa học.
Năm 1990, bà Sullivan từng thực hiện sứ mệnh kéo dài 9 ngày để vận hành 12 thí nghiệm đo chi tiết về các tính chất vật lý và hóa học trong khí quyển. Điều này góp phần quan trọng vào việc cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về khí hậu và khí quyển. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên một chùm electron nhân tạo được sử dụng để kích thích sự phóng điện cực quang do con người tạo ra.
Nữ phi hành gia này cũng có niềm say mê với việc khám phá đại dương. Bà từng tham gia vào một trong những nhóm đầu tiên sử dụng tàu lặn để nghiên cứu về quá trình phun trào núi lửa tạo nên lớp vỏ đại dương. Theo bà Sullivan, giống như ngoài vũ trụ và các thiên hà xa xôi, đại dương vẫn còn tương đối xa lạ với con người. Bà chia sẻ: "Điều quan trọng là phải tin tưởng và tôn vinh bản năng thám hiểm ở con người. Khám phá là thăm dò những điều chúng ta chưa biết hoặc hiểu để có một cái nhìn sâu sắc hơn, tốt hơn, khôn ngoan hơn, có giá trị hơn về chúng ta là ai, chúng ta đang ở đâu và làm thế nào để sống, phát triển và tồn tại".
Sau khi rời NASA năm 1993, Sullivan từng là nhà khoa học trưởng của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). Năm 1996, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch và CEO của COSI Columbus, một trung tâm khoa học tương tác ở Columbus, Ohio, Mỹ. Từ năm 2006 đến 2011, bà là Giám đốc Trung tâm Chính sách Giáo dục Khoa học và Toán học của Đại học bang Ohio, đồng thời là cố vấn khoa học tình nguyện cho COSI. Với sự cống hiến hết mình vì khoa học, bà Kathryn Sullivan đã nhận Huy chương Vàng của Hiệp hội các nhà địa lý nữ, Giải thưởng Phụ nữ Thiên văn học Adler Planetarium và được đặt tên cho học bổng 12 tháng của Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia dành cho các nhà nghiên cứu nữ. Bà được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào Ủy ban Khoa học Quốc gia năm 2004. Tổng thống Barack Obama đã đề cử Sullivan giữ chức Bộ trưởng Thương mại về Đại dương và Khí quyển và bà đã được Thượng viện thông qua ngày 6/3/2014.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn