Làng Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) có nghề làm quạt giấy tồn tại hàng trăm năm. Từ thế kỷ 19, quạt giấy Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp vùng, được người Pháp mang sang triển lãm ở Paris.
Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, những chiếc quạt giấy dần được thay thế bằng quạt điện, quạt máy với đủ loại kích thước, mẫu mã, giá thành rẻ, phù hợp với thị hiếu của người dân. Năm 2010, nhiều gia đình trong làng Chàng Sơn phải đưa ra quyết định khó khăn: gác lại nghề làm quạt truyền thống của cha ông, người chuyển nghề, người rời quê đi kiếm sống.
Luôn trăn trở, đau đáu muốn giữ lại "cái hồn" làng nghề truyền thống, muốn mang thương hiệu quê hương vươn xa hơn nữa, bà Nguyễn Thị Tuấn đã tìm ra hướng đi mới đưa quạt giấy Chàng Sơn ra thị trường, làm quà lưu niệm cho các du khách quốc tế...
Các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú về kích cỡ, mẫu mã, chủng loại, từ các loại bình dân như: quạt tranh trang trí, quạt dùng làm thiệp cưới, quạt lụa... cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm, quạt thư pháp, quạt treo tường... Tất cả đều toát lên vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những hoạ tiết, hình ảnh trang trí bắt mắt.
Cũng theo bà Tuấn, để làm được một chiếc quạt đẹp, bền, "có hồn", đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn, yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên chính là chọn nguyên liệu. Việc chọn nguyên liệu khá kỳ công, kỹ lưỡng, phải bỏ rất nhiều công sức chọn lựa từng ống tre, thếp giấy, vải và hồ nếp. Tre phải dẻo, già, có độ tuổi từ 3 năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp.
Vì vậy, mỗi một chiếc quạt được làm ra đều gửi gắm trong đó những niềm vui, nỗi buồn trong bộn bề cuộc sống của người thợ. Chiếc quạt Chàng Sơn chứa đựng những những câu chuyện, bài thơ, câu đối hay ghi công danh, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc... thông điệp sâu lắng lòng người, quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn