Người phụ nữ đoạt giải Nobel Vật lý sau Marie Curie

09:00 | 09/07/2016;
Maria Goeppert Mayer là người phụ nữ thứ hai chiến thắng giải thưởng Nobel Vật lý sau Marie Curie. Bà từng làm việc như một tình nguyện viên trong nhiều năm cho 3 trường đại học khác nhau để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Maria Goeppert Mayer sinh ngày 28/6/1906, là con gái duy nhất của ông Friedrich Goeppert. Lúc sinh Maria, gia đình bà sống ở Kattowitz thuộc Ba Lan, khi đó là một phần lãnh thổ nước Đức.

Người cha mà Maria xem là thần tượng, là một giáo sư đại học. Chính ông Friedrich cũng mong đợi Maria có thể làm được điều gì đó tốt hơn "chỉ trở thành một người phụ nữ" - tức một người nội trợ như quan niệm thời điểm đó. Maria nhớ lại: "Kể từ lúc mới là đứa trẻ rất nhỏ, tôi đã được giáo dục để tự mình kiếm sống. Vì như vậy, tôi sẽ không bị phụ thuộc vào hôn nhân".
1.jpg
 Nhà khoa học Maria Goeppert Mayer.
Năm 1910, gia đình bà chuyển đến Göttingen, Lower Saxony (Đức), nơi ông Friedrich làm giáo sư nhi khoa tại Trường Đại học Göttingen. Ông cũng là giám đốc một bệnh viện trẻ em và thành lập một trung tâm chăm sóc ban ngày cho con cái của các bà mẹ bận việc.

Bao quanh cuộc sống của Maria là những trí tuệ tuyệt đỉnh. Cô bé luôn được tiếp xúc với các bộ óc sáng chói, giỏi giang, thông minh bậc nhất, bao gồm cả những người đoạt giải Nobel trong tương lai như Enrico Fermi, Werner Heisenberg và Wolfgang Pauli.

Với sự hỗ trợ của gia đình, Maria được hưởng một nền giáo dục khác hẳn với sự bất cập dành cho phụ nữ những năm 1920. Cô được học ở trường tư dành cho nữ sinh thuộc tầng lớp trung lưu, nơi những ai muốn vào đại học.

Maria tham dự kỳ thi vào Đại học Göttingen khi mới 17 tuổi, sớm hơn một năm. Kỳ thi ấy, bốn cô gái cùng trường với Maria đều đỗ, trong khi chỉ có vài người trong số 30 nam sinh tham dự là trúng tuyển. Đây là thời kỳ bùng nổ phụ nữ tham gia nghiên cứu về toán học. Riêng Maria, cô bị hấp dẫn bởi vật lý, nhất là cơ học lượng tử còn rất mới và đầy thú vị.

Maria mang ơn sâu sắc Max Born, một người đoạt giải Nobel, đã hướng dẫn cô khi làm tiến sĩ năm 1930 và đóng vai trò then chốt trong ngành cơ học lượng tử.

Cùng thời gian đó, Maria quen và kết hôn với Joseph Edward Mayer. Sau khi cưới, hai người đến Baltimore (Mỹ), Joseph làm giảng viên tại trường Đại học Johns Hopkins. Phụ nữ thời ấy không được hoan nghênh ở lĩnh vực khoa học.

Mặc dù có bằng tiến sĩ nhưng qua nhiều năm, Maria vẫn phải làm việc không lương với vị trí không chính thức tại các phòng thí nghiệm của trường đại học. Sự hiện diện của cô được chấp nhận bởi vì chồng cô là một nhà hóa học có uy tín. Maria làm cộng tác viên tình nguyện để tiếp tục nghiên cứu vật lý.
5.jpg
 Bà là người phụ nữ thứ hai đoạt giải Nobel Vật lý sau Marie Curie.
Đến năm 1941, Maria lần đầu tiên được nhận một vị trí giảng dạy chuyên nghiệp, được trả lương tại Sarah Lawrence College. Đến năm 1960, Maria đã trở thành một giáo sư vật lý và là thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ, nhận bằng Tiến sĩ khoa học danh dự từ trường Russel Sage College, Mount Holyoke College và Smith College.

Năm 1963, Maria Goeppert Mayer cùng với nhà vật lý người Đức Hans J. D. Jensen đoạt giải Nobel Vật lý về nghiên cứu hạt nhân nguyên tử. Ngoài ra, bàa còn nổi tiếng thế giới trong các nghiên cứu về lý thuyết chất rắn, lực học thống kê, lý thuyết tương biến...

Maria Goeppert Mayer mất ngày 20/2/1972 sau một cơn đau tim. Sau đó, Hội Vật lý Hoa Kỳ thành lập một giải thưởng mang tên Maria Goeppert Mayer nhằm vinh danh các nhà nữ vật lý trẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn