Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình

15:05 | 05/12/2024;
Ellen Swallow Richards (3/12/1842 - 30/3/1911) là một nhà khoa học và nhà giáo dục tiên phong người Mỹ. Bà có vai trò lớn trong sự phát triển của kỹ thuật vệ sinh cũng như việc áp dụng khoa học và hoá học vào đời sống hàng ngày và nghiên cứu dinh dưỡng.

Sinh ra trong một gia đình coi trọng giáo dục ở thị trấn Dunstable, bang Massachusetts (Mỹ), Ellen được giáo dục kĩ càng từ nhỏ và sớm bộc lộ khả năng trong mảng ngôn ngữ. 

Bà học và thông thạo tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Đức và kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ việc đi làm gia sư. 

Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình- Ảnh 1.

Ảnh chụp Ellen Swallow Richards năm 6 tuổi

Vào tháng 9/1868, bà được nhận học tại Cao đẳng Vassar với tư cách là sinh viên đặc biệt và tốt nghiệp cử nhân sau đó 2 năm. 

Đến năm 1870, bà được nhận làm sinh viên đặc biệt chuyên ngành Hóa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trở thành người phụ nữ đầu tiên được nhận vào ngôi trường danh giá này. 

Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình- Ảnh 2.

Ellen Swallow Richards tại trường Cao đẳng Vassar niên khoá 1870

Ellen nhận bằng Cử nhân Khoa học từ MIT năm 1873 và tiếp tục học lên Thạc sĩ. Tuy nhiên, bà không được trao bằng Thạc sĩ Khoa học về Hóa học cho đến tận năm 1886 vì là phụ nữ. 

Năm 1875, Ellen kết hôn với Robert Hallowell Richards, một đồng nghiệp cũ tại Khoa Kỹ thuật Mỏ của MIT.

Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình- Ảnh 3.

Vợ chồng Ellen và Robert Richards, năm 1904

Công trình nghiên cứu lớn đầu tiên của Ellen là về chất lượng nước và vệ sinh. Những kết quả về ô nhiễm nước từ các nghiên cứu của bà đã dẫn đến việc thiết lập các tiêu chuẩn về nước uống an toàn tại Mỹ. 

Năm 1887, bà đồng sáng lập phòng thí nghiệm nước đầu tiên tại đất nước này. Đây cũng là một tiền đề quan trọng cho việc tạo ra hệ thống y tế công cộng hiện đại. 

Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình- Ảnh 4.

Ellen Swallow Richards cùng các đồng nghiệp tại khoa Hóa học của Viện Công nghệ Massachusetts năm 1900

Bà cũng là người giới thiệu thuật ngữ "sinh thái" (ecology) vào diễn ngôn khoa học Mỹ và làm việc rất tích cực để nhấn mạnh mối liên hệ giữa sức khỏe môi trường với hạnh phúc của con người.

Ngành "kinh tế gia đình" cũng là một mối quan tâm lớn xuyên suốt sự nghiệp của nhà khoa học này. Bà Ellen coi mỗi hộ gia đình là một xã hội thu nhỏ và lập luận rằng, công việc của phụ nữ trong gia đình là một khía cạnh quan trọng của nền kinh tế. 

Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình- Ảnh 5.

Ellen Swallow Richards và các nữ sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts vào năm 1888

Việc quản lý hiệu quả, khoa học về các nguồn lực tại nhà có thể cải thiện môi trường sống, từ đó dẫn tới tiến bộ xã hội. 

Hiệp hội Khoa học Gia đình và Người tiêu dùng Mỹ do bà Ellen thành lập năm 1908 đã thúc đẩy các lớp kinh tế gia đình - vốn ban đầu chỉ dạy nữ công gia chánh cho các cô gái trẻ - thành môi trường học các kĩ năng, kiến thức khoa học và xã hội liên quan tới gia đình. 

Người phụ nữ đưa khoa học đến gần hơn với đời sống gia đình- Ảnh 6.

Ellen (giữa) cùng 4 người phụ nữ tại một hội nghị về kinh tế gia đình ở thành phố New York, Mỹ, năm 1912

Hiện nay, các lớp học kỹ năng gia đình là bắt buộc đối với cả hai giới ở nhiều nơi trên thế giới. Quan điểm và tầm nhìn của bà Ellen về việc tích hợp các nguyên tắc khoa học vào cuộc sống hàng ngày đã định hình lại các tiêu chuẩn về sức khỏe cộng đồng, giáo dục và các chuẩn mực xã hội.

Bà Ellen qua đời năm 1911 nhưng mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tương lai theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn