Người phụ nữ duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay năm 1971 giờ ra sao?

16:30 | 17/07/2018;
Chiều muộn ngày 24/12/1971, Juliane Koepcke (17 tuổi, người Đức) cùng mẹ lên máy bay của hãng hàng không Lansa, Peru, bay từ thủ đô Lima đến TP Pucallpa nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon. Máy bay bị sét đánh nổ tung, duy nhất Juliane Koepcke sống sót, rơi xuống rừng Amazon.
Trong những năm cuối thập niên 60, 70 ở thế kỷ trước, hãng hàng không quốc gia LANSA của Peru liên tiếp gặp nạn, trong đó có chuyến bay LANSA Flight 502 làm 100 người bị thiệt mạng và thêm hai người nữa ở dưới đất chết oan, chưa kể chuyến bay LANSA Flight 508 bị sét đánh nói trên. Số người thiệt mạng gồm 6 thành viên phi hành đoàn và 86 hành khách đi trên máy bay.
 
Theo thông tin chính thức chính phủ Peru công bố, 40 phút sau khi cất cánh, máy bay đã đi vào vùng tâm bão sét, sét đánh trúng thùng nhiên liệu, khiến cánh phải máy bay gãy. Lúc này, máy bay đang ở độ cao trên 3.000 mét, khiến nó mất thăng bằng rơi xuống giữa rừng Amazon rậm rạp.
 
2.jpg
Juliane Koepcke trước khi được giải cứu

 

Chưa đầy một giờ sau khi khởi hành,Juliana lại thấy mình là người duy nhất sống sót trong chuyến bay định mệnh. Trong tư thế nằm nghiêng trên mặt đất, Juliane Koepcke vẫn được cố định vào chiếc ghế bằng sợi dây đai an toàn thắt quanh bụng. Nhờ chiếc ghế và sợi dây này mà Juliane còn sống. Lúc tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đeo tay là 9 giờ sáng, như vậy Juliana đã nằm bất tỉnh gần một ngày. Tuy không chết nhưng lại bị thương nặng, gãy xương đòn, chân bị rách một miếng khá to.
 
Sau khi tỉnh, Juliana đã tự mình đi xuôi hạ lưu một dòng suối trong 9 ngày cho đến khi tìm thấy một nơi trú ẩn của một thợ rừng và được giải cứu. “Khi còn bé, cha tôi dạy rằng nếu lạc trong rừng, hãy đi xuôi dòng nó sẽ dẫn đến dòng suối lớn đổ ra sông, nơi luôn có người sinh sống”.
 
Khi vết thương bị nhiễm trùng, Juliane đã dùng xăng trong một chiếc thuyền của người thợ rừng để rửa vết thương, khi vắt xăng vào vết thương, có tới 35 con bọ bò ra, và sau này bệnh viện thành phố Pucallpa còn gắp được thêm 50 con nữa. Việc dùng xăng để rửa vết thương cũng là cách Juliana học được từ người cha khi còn nhỏ.
 
Sau khi được giải cứu và dựa theo sự chỉ dẫn của Juliane, ngày 12/1/1972, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy địa điểm máy bay rơi nhưng phần lớn thi thể nạn nhân đã bị loài chim ăn thịt, côn trùng rỉa gần hết, kể cả xác bà Maria von Mikulicz-Radecki, mẹ của Juliane.
 
Cũng qua điều tra cho thấy nguyên nhân làm cho máy bay Lockheed Electra 508 là do sét đánh trúng động cơ ngoài cùng bên trái, dẫn đến thùng nhiên liệu nằm trong cánh bị vỡ khiến máy bay bốc cháy. Juliane sống sót là nhờ sợi dây an toàn giữ chặt cô vào ghế và những tán cây rừng Amazone và nền đất dày lá mục làm nơi đỡ, giảm lực khi va đập.
1.jpg
Juliane Koepcke và chuyến bay định mệnh LANSA Flight 508

 

Trong khi đang điều trị, Juliane đã gặp lại cha. Tin tức về người sống sót duy nhất sau 10 ngày băng rừng đã nhanh chóng lan trên mặt báo; vì vậy, khi vẫn còn nằm trên giường bệnh, Juliane đã bị các phóng viên quấy rầy. Một số còn mặc cả trang phục nhân viên y tế với hy vọng có cuộc phỏng vấn chóng vánh.
 
Cuối cùng, Juliane đã bình phục hoàn toàn và tiếp tục cuộc sống của mình, tiếp nghề cha mẹ. Sau khi nghiên cứu sinh, Juliane được cấp bằng tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu động vật có vú. Bà đã quay trở lại Peru để tiến hành nghiên cứu về quần thể dơi Amazon. Hiện tại, Juliane Koepcke phụ trách Phòng bảo tồn động vật rừng nhiệt đới ở thành phố Munich, bang Bavaria, Đức.
 
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Juliane Koepcke cho hay: “Chấn thương trong vụ tai nạn hàng không năm 1971 vẫn đeo đẳng tâm trí, giống như cơn ác mộng. Đôi khi tôi tự hỏi, vì sao mình lại là người duy nhất còn sống trên chuyến bay định mệnh này?”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn