Người phụ nữ giữ hồn văn hóa dân tộc S’tiêng trên sóc Bom Bo

16:39 | 04/12/2024;
Sóc Bom Bo (Bình Minh, Bù Đăng, Bình Phước) đã trở thành huyền thoại trong lịch sử dân tộc, biểu trưng cho ý chí kiên cường của đồng bào S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, thế hệ trẻ nơi đây tiếp nối truyền thống, tích cực xây dựng quê hương và gìn giữ di sản văn hóa. Chị Điểu Thị Xia, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh, người con của núi rừng Bom Bo, là một trong những người như thế.

Vươn lên bằng con đường học vấn

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng sóc Bom Bo, chị Điểu Thị Xia, dân tộc S'tiêng, luôn khao khát được góp sức xây dựng quê hương và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ nhỏ, chị đã quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để có thể phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng.

Vào năm 2008, chị thi vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (cơ sở phía Nam). Với sự hỗ trợ 50% học phí từ nhà nước, chị đã cố gắng tự túc phần còn lại để hoàn thành chương trình học. Chị Xia chia sẻ: "Nếu cứ ở nhà, mình cũng chỉ quanh quẩn với nương rẫy, nên tôi quyết tâm đi học để thay đổi cuộc sống".

Sau khi ra trường, chị quay về quê hương để làm việc từ đó đến nay. Trải qua nhiều vị trí ở Hội LHPN và Hội chữ Thập đỏ xã, đến tháng 6/2024, chị được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh, một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành trong công việc của chị.

Người phụ nữ giữ hồn văn hóa dân tộc S’tiêng trên sóc Bom Bo - Ảnh 1.

Chị Xia chuẩn bị nguyên liệu để làm rượu

Tuy công việc xã hội bận rộn, nhưng chị Điểu Thị Xia luôn dành thời gian và tâm huyết cho nghề truyền thống của dân tộc là nghề dệt thổ cẩm và làm rượu cần. Chị Xia bộc bạch: "Tôi nhận thức được rằng văn hóa là linh hồn của dân tộc, mất đi văn hóa đồng nghĩa với việc mất đi bản sắc. Vì vậy, việc bảo tồn nghề truyền thống không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang lại giá trị tinh thần to lớn. Bản thân mỗi người phải rất yêu văn hóa dân tộc, yêu dòng máu dân tộc đang chảy trong cơ thể mình mới làm được. Để làm được nghề và giữ nghề không hề dễ dàng".

Kể lại câu chuyện khởi nghiệp với nghề làm rượu cần, chị Xia cho biết: Nhận thấy rượu cần của đồng bào S'tiêng mang một hương vị riêng, thơm ngon. Nhưng bà con chủ yếu làm để sử dụng trong gia đình hoặc vào những dịp lễ trọng của dân tộc. Cuộc sống ngày càng hiện đại, số lượng các gia đình làm rượu cần ngày càng ít đi. Vậy nên, chị Xia đã quyết định vay mượn tiền của người thân và bắt đầu làm rượu.

Chị cho hay: "Từ nhỏ, tôi đã học được cách ủ men, nấu rượu của gia đình. Khi ra trường, tôi mạnh dạn mượn mẹ 5 triệu đồng để làm rượu. Thời gian đầu, lúc giã vỏ cây làm men, tay tôi phồng cả lên phải nhờ mẹ giúp đỡ. Nhờ sự chỉ dẫn thêm từ gia đình, những hũ rượu đầu tiên được ra lò. Sau đó, có một cán bộ bảo tàng đã nếm thử, khen rượu tôi nấu và giới thiệu đến nhiều người. Nhờ đó đã giúp tôi bán hết 50 bình rượu. Chính sự kiện này đã mở ra cơ hội lớn cho nghề làm rượu cần của tôi".

Hiện nay, chị bán rượu trong địa phương hoặc bán cho khách vãng lai. Năm 2015, chị đã cùng 20 phụ nữ trong thôn thành lập Tổ dệt thổ cẩm - rượu cần thôn Bom Bo. Tổ không chỉ duy trì nghề truyền thống mà còn phát triển sản phẩm ra thị trường. Trung bình mỗi năm xuất bán 1.500 bình rượu và nhiều mặt hàng thổ cẩm.

Am hiểu văn hóa dân tộc

Song song với việc phát bảo tồn và phát triển nghề làm rượu cần, chị cũng tích cực tham gia bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống khác của người S'tiêng. Âm thanh lách cách được phát ra từ những chiếc thoi chạm vào nhau đã in sâu trong tâm trí chị, thôi thúc chị phải quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống.

"Hồi còn nhỏ, mình cũng ngồi học mẹ, học các phụ nữ lớn tuổi trong thôn dệt vải. Thời xưa, sợi bông rất quý nên con nít như tôi chỉ dám se sợi từ thân cây chuối để bắt chước. Cứ thế, tôi đã học được nghề từ khi nào không hay. Dệt thổ cẩm mang lại cho tôi niềm vui khó tả, dạy cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại, tỉ mẩn", chị Xia chia sẻ.

Chị Điểu Thị Xia khéo léo dệt áo, khố, váy, khăn và đã tạo ra những sản phẩm tiện dụng, phù hợp thị hiếu như túi xách, trang phục công sở, khăn choàng, giày dép... làm phong phú và đa dạng loại hình thổ cẩm của người S'tiêng. Mỗi sản phẩm thổ cẩm đều được chị chăm chút tạo hình với màu sắc và hoa văn trang trí phong phú mang dáng dấp tự nhiên của núi rừng như cỏ cây, hoa lá, thú rừng...

Người phụ nữ giữ hồn văn hóa dân tộc S’tiêng trên sóc Bom Bo - Ảnh 2.

Chị Điểu Thị Xia đang dệt thổ cẩm

Chị Xia chia sẻ thêm: Thổ cẩm S'tiêng mang trong mình một thế giới màu sắc phong phú và ý nghĩa sâu sắc. Năm màu chủ đạo gồm đỏ, đen, trắng, vàng và xanh, đây không chỉ đơn thuần là màu sắc mà còn là biểu tượng cho những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc của người dân nơi đây, là sự tinh tế được gửi gắm của người thợ dệt. 

Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, cho thế hệ trẻ luôn hướng tới những điều mới mẻ. Màu xanh là màu của thiên nhiên, của núi rừng bao la. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh. Màu vàng tượng trưng cho hoa màu, sự no ấm. Và màu đen, màu của đất, tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi người S'tiêng tôn thờ các vị thần như thần mặt trời, thần đất, thần nước.

"Ngày xưa, người S'tiêng dệt thổ cẩm theo tín ngưỡng. Ngày nay, để bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, người dân đã linh hoạt kết hợp giữa việc giữ gìn những giá trị văn hóa đặc trưng và đáp ứng nhu cầu của thị trường, chị Xia cho hay.

Việc rượu cần và nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S'tiêng ở Bình Phước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cùng với các chương trình thuộc Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", đã mở ra cơ hội mới cho những người giữ nghề như chị Xia. Đây còn là động lực để đồng bào dân tộc S'tiêng tiếp tục gắn bó, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch tại Bù Đăng, tạo bức tranh văn hóa đa dạng cho Bình Phước. 

Sóc Bom Bo (Bù Đăng, Bình Phước), trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đã trở thành hậu phương vững chắc của cách mạng. Đồng bào S'tiêng nơi đây, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, đã không quản ngày đêm giã gạo nuôi quân. Tình cảm cao đẹp của người dân sóc Bom Bo đã được nhạc sĩ Xuân Hồng khắc họa sinh động qua ca khúc "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" - một tác phẩm đi sâu vào lòng người nhiều thế hệ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn